Giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Những năm gần đây, công tác hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh của địa phương.

Việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xảy ra trong Nhân dân thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả, phù hợp với truyền thống tốt đẹp, phong tục, tập quán của dân tộc, giữ gìn được tình làng, nghĩa xóm, hạn chế hành vi vi pháp luật, phòng ngừa tội phạm, ổn định tình hình trật tự, giảm đơn, thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp... xây dựng và thực hiện tốt phòng trào “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ông Tô Văn Danh, thành viên Tổ hòa giải ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè

Ông Tô Văn Danh.

Để thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, hòa giải viên phải tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, bản chất sự việc, đồng thời, nắm bắt các vướng mắc, tâm tư, tình cảm của các bên đương sự với thái độ khách quan nhằm hướng các bên bàn bạc, thương lượng các vấn đề cần tháo gỡ. Nắm bắt các vấn đề cơ bản và cần thiết của vụ việc để có sự chuẩn bị chu đáo nội dung trước cuộc hòa giải trên cơ sở các quy định của pháp luật, tập quán tốt đẹp của dân tộc, cộng đồng dân cư và các chính sách liên quan.

Ngoài ra, hòa giải viên cũng tìm hiểu về mối quan hệ của mỗi bên đương sự thường là những người cao tuổi có quan hệ thân thích, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thiết để trực tiếp trao đổi và tìm ra những giải pháp đúng quy định của pháp luật, giữ vững tình làng, nghĩa xóm... Kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không thể kéo dài cũng là phương châm trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Việc vận động, thuyết phục các bên đi đến thỏa thuận thống nhất cách giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn dù có đạt được thỏa thuận hay không đều phải lập thành biên bản phản ánh trung thực những diễn biến trong quá trình hòa giải, để từ đó tiếp tục nghiên cứu tìm biện pháp hòa giải lần sau. Sự kiên trì, tận tâm của hòa giải viên là yếu tố góp phần hòa giải thành nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp. Hòa giải viên phải sâu, sát từng hộ dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, thật công tâm, phân tích quy định pháp luật, quyền lợi mỗi bên, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong việc hòa giải.

Để đáp ứng yêu cầu hòa giải trong tình hình mới, hòa giải viên không ngừng tự học hỏi, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải. Thông qua công tác hòa giải, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho Nhân dân.

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Ấp Ô, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú

Ông Phan Tiến Dũng.

Để phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần tăng cường thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác hòa giải ở cơ sở trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Gắn hoạt động hòa giải với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội để kịp thời nắm bắt các vụ việc có thể phát sinh. Từ đó, phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết gắn với thực hiện hòa giải. Bên cạnh, nâng cao tính chủ động của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, kiểm tra, chỉ đạo, rút kinh nghiệm. Kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải. Tập trung giám sát, phát hiện, kiến nghị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tăng cường tiếp xúc với Nhân dân, thường xuyên làm tốt việc tiếp công dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân làm cơ sở cho công tác hòa giải. Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên có đủ năng lực và kỹ năng về công tác hòa giải ở cơ sở.

Ông Trần Hoàng Phước, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Thôn Rôn, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang

Ông Trần Hoàng Phước.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, trước tiên, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân am hiểu để thực hiện. Thường xuyên tuyên truyền trong Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn những quy định của pháp luật, nhất là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường... Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Mời người có chức sắc, chức việc trong tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động người dân theo đạo về những chủ trương, chính sách, chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân nắm và am hiểu nhằm hạn chế tranh chấp ở địa phương.

Thường xuyên động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của thành viên tổ hòa giải, những người có uy tín trong tôn giáo tích cực tham gia hòa giải đối với các vụ việc tranh chấp ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong tôn giáo tích cực tham gia các vụ việc hòa giải của tổ hòa giải.

Bài, ảnh: HUỲNH NỔI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/doi-song-xa-hoi/giai-phap-nang-cao-chat-luong-hoa-giai-o-co-so-34154.html