Giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

09 tháng năm 2023, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT vào ngày 25/9, đại biểu đã nêu những nguyên nhân hạn chế và giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

09 tháng, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người và làm bị thương 19 người, thiệt hại tài sản khoảng 201 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 11 vụ, tăng 09 người chết và tăng 09 người bị thương. Trong đó, địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng, gồm: huyện Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, mỗi địa phương tăng 04 người; huyện Châu Thành tăng 03 người, huyện Duyên Hải tăng 02 người.

Địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm, gồm: huyện Càng Long giảm 03 người và thành phố Trà Vinh giảm 01 người. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, vi phạm quy định về nồng độ cồn, không tuân thủ biển báo giao thông…

Trong các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (so cùng kỳ không tăng giảm). Tuy nhiên, tai nạn rất nghiêm trọng xảy ra 01 vụ ở thị xã Duyên Hải, làm chết 02 người và làm bị thương 01 người (so với cùng kỳ, số người chết không tăng giảm, tăng 02 người bị thương).

Bên cạnh đó, tai nạn nghiêm trọng xảy ra 31 vụ, làm chết 16 người, gồm: huyện Châu Thành 09 người chết; huyện Cầu Ngang 06 người chết; huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, mỗi địa phương 04 người chết; các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Càng Long, mỗi địa phương 02 người chết; huyện Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh, mỗi địa phương 01 người chết. Trong đó, tai nạn giao thông ít nghiêm trọng và va chạm giao thông đường bộ xảy ra 04 vụ (huyện Càng Long 02 vụ, huyện Tiểu Cần 01 vụ và thị xã Duyên Hải 01 vụ).

Để bảo đảm TTATGT cho thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn chỉ đạo Ban ATGT tỉnh đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao, như: các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

Đồng chí Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Châu Thành: về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan, tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn một bộ phận Nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông chưa cao, nhất là trong thanh thiếu niên. Tình trạng tham gia giao thông bằng phương tiên xe mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, không giấy phép lái xe, lái xe trong tình trạng có uống rượu, bia còn khá phổ biến.

Các xã, thị trấn một số nơi chưa quyết liệt trong công tác bảo đảm TTATGT và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT. Việc kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè chưa kịp thời. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương, các tuyến giao thông còn chật hẹp so với phương tiện lưu thông và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa…

Trật tự giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Trà Vinh.

Trật tự giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Trà Vinh.

Đồng chí Kim Chí Hòa, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Duyên Hải: đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT phải bảo đảm thực chất, có chiều sâu, hình ảnh về hậu quả của các vụ tai nạn giao thông và các chế tài xử lý của pháp luật. Đa dạng hình thức tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, đài truyền thanh; phóng sự, hình ảnh trực quan tại nơi tiếp công dân… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo 05 nhóm chuyên đề với tinh thần quyết liệt hơn nữa, tập trung vào khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tạo thói quen cho người tham gia giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Ban ATGT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên khảo sát, kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, tuyến đường, rà soát biển báo giao thông, vạch, kẻ đường, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, nhất là vào mùa mưa. Thường xuyên tổ chức mời gọi, giáo dục các đối tượng điều khiển xe nẹt pô, rú ga, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh, trật tự.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, Trưởng Ban ATGT thị xã Duyên Hải: tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 28/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông công an thị xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạn TTATGT, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, như: có nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chạy quá tốc độ, lạng lách, đi không đúng làn đường, phần đường… Kiểm soát, xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban ATGT huyện Cầu Ngang: tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT thông qua các cơ quan thông tin đại chúng; cần đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, như: triển lãm pa-nô ảnh, phát tờ rơi… Thường xuyên khảo sát, phát hiện những bất cập mới phát sinh trong công tác tổ chức giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo nguy hiểm, hạn chế tốc độ nhất là các tuyến, nút trọng điểm, các “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường thủy nội địa và các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tổ chức phân làn đường, kẻ vạch tim đường ở các tuyến đường quan trọng.

Chế tài các hành vi họp chợ, mua bán, chăn thả gia xúc, phơi rơm, thóc lúa… trên các trục đường. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác tuyên truyền. Tăng cường biên chế, trang thiết bị lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Bài, ảnh: HUỲNH NỔI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/an-ninh-quoc-phong/giai-phap-kiem-che-tai-nan-giao-thong-32162.html