Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng

Hội thảo cung cấp một diễn đàn cởi mở để các doanh nghiệp cập nhật thông tin về những chính sách, chương trình, sáng kiến, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động doanh nghiêp nói chung và hoạt động mua sắm nói riêng.

Tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ. (Ảnh: PV)

Ngày 12/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới”. Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Hội thảo thu hút hơn 100 đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan sở, ngành tham gia thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy các nguyên tắc về bình đẳng giới trong hoạt động mua sắm.

Hội thảo cung cấp một diễn đàn cởi mở để các doanh nghiệp cập nhật thông tin về những chính sách, chương trình, sáng kiến, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động doanh nghiệp nói chung và hoạt động mua sắm nói riêng.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế là Việt Nam đã cao hơn mức trung bình toàn cầu với tỉ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020) và xếp thứ 3 trên thế giới (trong số 29 quốc gia được khảo sát) - sau Philippines và Nam Phi - ngang bằng với Brazil và Ấn Độ, và xếp thứ 2 ở Châu Á Thái Bình Dương sau Philippines 48%.

Các vị trí hàng đầu thường được phụ nữ đảm nhận trong doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2021 là Giám đốc tài chính với tỉ lệ 60% (tăng từ 32% của năm 2020) đưa Việt Nam đứng số 1 tại châu Á Thái Bình Dương. Vị trí Giám đốc Nhân sự đứng thứ hai với 59%, đây cũng là một vị trí rất phổ biến tại các khu vực còn lại của châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong tỉ lệ phụ nữ giữ vị trí Giám đốc điều hành với mức tăng từ 7% lên 20% vào năm 2021 (xếp thứ 7 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương).

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn.

Nguyên nhân của hiện tượng này do sức cạnh tranh thấp, đa phần làm các công việc có tay nghề thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ còn hạn chế; “trách nhiệm kép” phải chăm sóc gia đình, sự tiếp cận hạn chế với các nguồn lực, thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; chính sách can thiệp cân bằng giới trong lãnh đạo doanh nghiệp thiếu và yếu, thay đổi diễn ra chậm.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Vì vậy, đó là đôi bên cùng có lợi và do đó là một sự lựa chọn thông minh.”

Bà Nguyễn Kim Lan - Quản lý Chương trình Tăng cường Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ WRT– UN Women Việt Nam cho biết, theo Khảo sát của UN Women tiến hành với 350 tổ chức, doanh nghiệp cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp cho biết mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng nguồn cung và giảm tình trạng gián đoạn nguồn cung; Mua sắm có trách nhiệm giới làm tăng tính cạnh tranh của nhà cung cấp giúp tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm; 74% cho biết mua sắm có trách nhiệm giới củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty; 70% áp dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tăng cường đổi mới sáng tạo, nhạy bén và linh hoạt; 76% đồng ý rằng mua sắm có trách nhiệm giới nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân tài; 68% tận dụng mua sắm có trách nhiệm giới để tìm hiểu thêm về nhà cung ứng, và tìm hiểu rủi ro tiềm ẩn và cơ hội mới trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời nhấn mạnh lợi ích khi doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới bao gồm: Tăng doanh thu và giảm chi tiêu mua sắm; Mở rộng phạm vi nguồn cung và khả năng chống chịu; Củng cố thương hiệu; Đổi mới sáng tạo hơn và khả năng thích ứng cao hơn cho phép các công ty đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng; Nguồn cung đa dạng mới cải thiện việc tăng hiệu suất và năng suất; Thị trường bền vững thông qua phát triển kinh tế và tăng trưởng toàn diện, dẫn đến các cơ hội kinh doanh mới và rộng mở; Tuyển dụng và giữ chân lao động tài năng và kỹ năng; Tăng năng suất lao động, đổi mới và sáng tạo; Tạo ra sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng; Tăng uy tín nhãn hiệu và hình ảnh doanh nghiệp; Giảm nguy cơ mâu thuẫn và tranh chấp…

Bà Nguyễn Kim Lan khẳng định: “Nếu phụ nữ được bình đẳng trong nền kinh tế, GDP toàn cầu sẽ tăng 28 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Chúng ta có thể tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ bằng cách đa dạng nhà cung cấp thông qua mua sắm có trách nhiệm giới tại Việt Nam”.

Đưa ra giải pháp phát triển doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy bình đẳng, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về khung pháp lý chung đã ban hành nhiều Quyết định, Thông tư ưu tiên cho doanh nghiệp nữ như: Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam với mục tiêu 5 đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. Luật Đấu thầu 2023 đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên.

Song song đó, doanh nhân nữ phải chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển; Tham gia đối thoại, thường xuyên phản ánh vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ cũng như nêu sáng kiến, ý tưởng đóng góp thông qua các bộ phận một cửa tại các sở, ngành địa phương. Chủ động, tích cực tham gia các mạng lưới hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ để học hỏi kiến thức kinh doanh và nghề nghiệp, hỗ trợ vốn, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp khác. Tích cực tiếp cận các khóa đào tạo, tư vấn, thông tin, hỗ trợ pháp lý. Tích cực tiếp cận các tổ chức trung gian hỗ trợ bao gồm các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, không gian làm việc chung, tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, quỹ đầu tư v.v...

Nhân dịp này, 24 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Với sự ký kết này, tổng số doanh nghiệp Việt Nam đã ký WEPs là 174./.

CM

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-tham-gia-chuoi-cung-ung-649208.html