Giải pháp hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện bình đẳng giới (BĐG), các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực. Từ đó, tạo môi trường lành mạnh để mọi cá nhân được đối xử bình đẳng, tiến tới xây dựng gia đình hạnh phúc, từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình (BLGĐ), bảo vệ quyền lợi và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Thành viên Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến người dân. Ảnh: Kim Ly

BLGĐ là vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây tổn hại đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức, xã hội.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh xảy ra 650 vụ BLGĐ, trong đó, 218 vụ bạo lực tinh thần, 408 vụ bạo lực thân thể... Đáng chú ý nạn nhân trong các vụ BLGĐ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Một trong những nguyên nhân sâu xa của các vụ BLGĐ là do sự tồn tại của bất BĐG. Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ; người chồng cho rằng mình là trụ cột và có quyền quyết định mọi việc trong gia đình, coi việc đánh vợ là thể hiện sự giáo dục, uy quyền với vợ con. Người phụ nữ không có quyền quyết định, không có tiếng nói trong gia đình; khi bị bạo hành họ thường cam chịu, nhẫn nhịn.

Thực hiện BĐG trong gia đình là việc nam giới và phụ nữ giữ vị trí, vai trò quan trọng như nhau; được tạo điều kiện phát huy năng lực của mình trong sự phát triển của gia đình và cộng đồng.

BĐG trong gia đình sẽ tạo môi trường lành mạnh để mọi thành viên, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được đối xử bình đẳng và được giáo dục về quyền bình đẳng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các thành viên, là tiền đề để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nhằm thực hiện hiệu quả, góp phần cụ thể hóa mục tiêu BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ BLGĐ, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật BĐG và Luật Phòng, chống BLGĐ; thành lập và kiện toàn Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo được liên tục.

Đưa các nội dung BĐG, phòng chống BLGĐ, các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện một cách nghiêm túc; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về BĐG.

Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được hơn 340 mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững và Nhóm Phòng, chống BLGĐ, gần 900 địa chỉ tin cậy và 450 đường dây nóng nhằm can thiệp, hỗ trợ nạn nhân khi bị BLGĐ.

Các mô hình đã giúp người dân có những nhận thức tiến bộ hơn về BĐG; kịp thời hòa giải các vụ BLGĐ ở cơ sở. Từ đó, nâng cao địa vị, phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tại huyện Yên Lạc, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện đã tham mưu UBND huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xây dựng các chuyên đề tuyên truyền Luật BĐG; nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, các tổ, nhóm phòng, chống BLGĐ.

Công tác BĐG và phòng, chống BLGĐ được đưa vào hương ước, quy ước làng, xã tại các xã, thị trấn Liên Châu, Đại Tự, Yên Lạc… CLB gia đình phát triển bền vững tại thôn Nhật Tiến 2, xã Liên Châu là một điển hình trong thực hiện BĐG và phòng, chống BLGĐ.

Duy trì sinh hoạt 3 tháng/lần, các thành viên CLB thường xuyên được phổ biến, tuyên truyền về Luật BĐG, Luật Phòng, chống BLGĐ và được chia sẻ kinh nghiệm về cách giữ lửa hôn nhân, gia đình hạnh phúc.

Từ khi CLB được thành lập đến nay, đã giải quyết 3 vụ việc BLGĐ. Các đối tượng có hành vi BLGĐ được giáo dục, nhắc nhở và các vụ việc đều được giải quyết tại thôn. Nhận thức, hiểu biết của người dân về BĐG được nâng cao, tình trạng BLGĐ giảm rõ rệt. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thôn Nhật Tiến 2 không có vụ BLGĐ nào xảy ra.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác BĐG và phòng, chống BLGĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 150 vụ BLGĐ, giảm 75 vụ so với năm 2020.

Mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã và đang được các gia đình hướng tới nhiều hơn, các tập tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam, khinh nữ từng bước được xóa bỏ. Nam giới dần hình thành thói quen tham gia công việc gia đình, san sẻ bớt gánh nặng với nữ giới.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao vai trò của các ngành, đoàn thể và các thành viên trong gia đình trong việc thực hiện BĐG, phòng, chống BLGĐ.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về BĐG; tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình thực hiện BĐG và phòng, chống BLGĐ.

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81475/giai-phap-hieu-qua-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html