Giải pháp cho 'xung đột thú cưng' tại chung cư ở TP.HCM

Tạo thêm không gian riêng cho thú cưng, quy định rõ khu vực nào con vật không được đến và thực hiện nghiêm chế tài khi chủ nuôi vi phạm là cách giúp hạn chế xung đột tại chung cư.

“Chúng tôi từng nhờ phường xử lý giúp việc chó thả rông, không rọ mõm, động vật hoang từ các nơi đến "làm loạn" trong khuôn viên chung cư, nhưng không thể xử lý xuể vì lực lượng của phường mỏng. Chưa kể chó, mèo thường phóng uế vào đêm khuya và sáng sớm nên khó giám sát thường xuyên”, thành viên ban quản trị một chung cư cao cấp tại TP Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ với Zing.

Xung đột quyền lợi giữa người nuôi thú cưng và nhóm còn lại chưa có hồi kết khi quy định về việc đeo rọ mõm, đảm bảo vệ sinh cho thú cưng đã được đặt ra từ lâu nhưng không phải cư dân nào cũng thực hiện.

Không được phiền người khác

Ở góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết hiện pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó, mèo, kể cả việc nuôi chúng ở nhà chung cư. Tuy nhiên, người nuôi phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp vật nuôi tấn công người, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Theo quy định, chủ sở hữu vật nuôi phải đăng ký việc nuôi thú cưng với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; phải xích, nhốt hoặc giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Đặc biệt, khi đưa thú cưng ra nơi công cộng, chủ nuôi phải đeo rọ mõm cho con vật hoặc xích giữ và có người dắt; đồng thời bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; tiêm vaccine phòng bệnh dại cho thú cưng theo quy định.

Chủ vật nuôi cũng có trách nhiệm chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó, mèo thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy con vật. Trường hợp thú cưng cắn, cào người, chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại.

 Chủ nuôi phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Ảnh: Thư Trần.

Chủ nuôi phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Ảnh: Thư Trần.

Trao đổi với Zing về câu chuyện nuôi chó tại chung cư bị đẩy đi xa khi người chủ vì bênh chó đã đánh cư dân khác tại chung cư Saigon Reverside Complex (quận 7), luật sư Thanh cho biết với một chung cư cụ thể, việc được hay không được nuôi thú cưng sẽ được thảo luận và quyết định tại hội nghị nhà chung cư.

"Nếu chung cư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, cư dân được nuôi chó, mèo. Họ có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm, tuy nhiên điều này có thể gây ra các vấn đề về an toàn, sức khỏe và sự tôn trọng giữa các chủ nuôi và cư dân ở chung cư", theo luật sư Thanh.

Vị luật sư nhìn nhận tình huống chủ vật nuôi đã tác động vật lý vào người cha đang bảo vệ con trai mình khỏi sự tấn công là một hành vi bạo lực. “Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể xem xét xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng đối với người dẫn dắt vật nuôi, vì nơi xảy ra sự việc là ở sảnh hành lang thang máy thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư”, luật sư Thanh nêu quan điểm.

Xét trường hợp chung cư chưa có ban quản trị cũng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để thống nhất việc quản lý thú cưng, luật sư Thanh cho biết việc quản lý chung cư tạm thời thuộc về chủ đầu tư.

Theo đó, nếu chủ đầu tư không có chức năng này, họ phải thuê đơn vị quản lý vận hành. Đơn vị quản lý vận hành có thể lấy ý kiến cư dân về nội quy có cho phép nuôi chó mèo hay không, nếu thống nhất thì phải đảm bảo các điều kiện và chế tài cụ thể khi vi phạm. Trường hợp có vấn đề xảy ra mà không giải quyết được, cư dân có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan có thẩm quyền.

Thiếu không gian cho thú cưng

Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận không chỉ câu chuyện ý thức của chủ nuôi, không gian công cộng ít ở chung cư ít bố trí cho chó, mèo cũng dẫn đến việc người nuôi dắt thú ra đường, công viên để phóng uế. Từ đó dễ bùng lên những xung đột vì nhiều cư dân dù thích thú cưng cũng khó chấp nhận việc môi trường sống bị ảnh hưởng.

Cũng theo tiến sĩ Trương Hoàng Trương, chung cư là nơi có nhiều cư dân sống tập trung, nên nuôi chó mèo không phù hợp vệ sinh, không đảm bảo mỹ quan, môi trường. Thậm chí, động vật nuôi phân tán trong các hộ gia đình có thể gây dịch bệnh, cắn người nếu không bảo hộ, gây bất an cho cư dân, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Hiện một số phường tại TP.HCM lập đội bắt chó thả rông để đảm bảo cảnh quan đô thị, môi trường sạch sẽ và an toàn cho người đi đường. Đội này sẽ gồm cán bộ, công chức của UBND phường và các thành viên trong ban điều khu phố, tổ dân phố.

 Thú cưng tại chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) được cấp mã định và quản lý theo số thứ tự. Ảnh: Anh Nhàn.

Thú cưng tại chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) được cấp mã định và quản lý theo số thứ tự. Ảnh: Anh Nhàn.

"Đội bắt chó chủ yếu hoạt động ở các khu đô thị, còn chung cư hiện nay đa phần tự quản, vì một chung cư mọc lên thì gây áp lực dân số rất lớn cho phường, trong khi nhân lực của địa phương thì có hạn", thành viên ban quản trị một chung cư cao cấp tại TP Thủ Đức nói.

Vị này nhìn nhận ban quản trị, ban quản lý chung cư phải kiên quyết trong giám sát, quản lý thì tình trạng nuôi thú cưng không đảm bảo an toàn mới được giải quyết triệt để.

Ngoài ra, việc giám sát thú cưng tại chung cư bước đầu sẽ dễ gặp phản ứng vì nhiều chủ nuôi không quen bị kiểm soát. Song về lâu dài, việc này sẽ nhận được sự ủng hộ từ số đông cư dân vì đảm bảo được môi trường sống an toàn.

"Trước đây, khi bắt gặp thú cưng vi phạm quy định, nhiều cư dân rất dễ nổi nóng và có thể dẫn đến xô xát, tranh cãi với chủ nuôi. Nhưng khi đã có chế tài, mọi thứ bớt căng thẳng hơn vì cư dân hiểu rằng chủ nuôi sẽ phải chịu phạt với vi phạm của mình", người này bày tỏ.

Để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cư dân và chủ nuôi, ông Trương cho rằng các chung cư cần có cách thức quản lý đảm bảo an toàn, bố trí một khu dành riêng cho chó, mèo ở nơi phù hợp.

Ban quản lý các chung cư nên đưa ra quy định nơi nào thú cưng được đến, để ít gây nguy hiểm và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, cuộc sống của người khác. Tất nhiên, những quy định này phải được số đông cư dân đồng thuận.

Các chế tài được đưa ra có thể là xử phạt hành chính, hoặc thậm chí yêu cầu di dời thú cưng ra khỏi căn hộ. Nếu chủ căn hộ không chấp hành sẽ bị ngưng cung cấp một số dịch vụ.

Chó không rọ mõm chạy rông trong chung cư cao cấp ở TP.HCM Chó không rọ mõm vô tư chạy rông trong chung cư cao cấp tại TP.HCM khiến nhiều cư dân lo ngại môi trường sống của họ kém an toàn nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt.

Anh Nhàn - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-cho-xung-dot-thu-cung-tai-chung-cu-o-tphcm-post1400782.html