Giải mã việc EU vẫn phụ thuộc vào khí hóa lỏng của Nga

Nghịch lý nảy sinh khi châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Moskva bằng cách tăng nhập khẩu khí hóa lỏng từ Nga.

Châu Âu vẫn đang nhập khẩu lượng lớn LNG từ Nga. Ảnh: CNN

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến châu Âu phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cho phép Nga tăng doanh thu thông qua xuất khẩu. Nhưng việc giảm phụ thuộc vào LNG của Nga sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Đó là nhận định của Andrei Belyi, Giáo sư về luật và chính sách năng lượng tại Đại học Đông Phần Lan, rên mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 24/8.

Theo Giáo sư Belyi, vào cuối tháng 7 vừa qua, các nhà vận động Ukraine đã kêu gọi EU chấm dứt nhập khẩu LNG của Nga. Đây không phải là lần đầu tiên lời kêu gọi như vậy được đưa ra nhưng có một thực tế khó tin rằng dòng LNG của Nga sang châu Âu vẫn đang đóng vai trò là một phần nguồn thu ngân sách của Điện Kremlin bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine.

Mặc dù nhà sản xuất LNG của Nga Novatek được miễn thuế xuất khẩu, nhưng công ty này vẫn đóng góp vào nguồn thu ngân sách thông qua thuế lợi nhuận. Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy doanh thu từ tất cả hoạt động xuất khẩu khí đốt, bao gồm cả khí hóa lỏng và khí đốt qua đường ống, đều tăng kể từ mùa thu năm 2022.

Khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống giảm, lợi nhuận từ lĩnh vực khí đốt tự nhiên, cả qua đường ống và khí đốt hóa lỏng, đều tăng lên.

Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào thị trường LNG đầy biến động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra khiến tình hình trở nên phức tạp. Các nhà nhập khẩu châu Âu đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp, bao gồm tăng cường mua LNG, bất kể nguồn gốc ở đâu, để thay thế cho khí đốt của Nga.

Việc chuyển đổi sang LNG tương đối thành công dù giá cao kỷ lục. Đến cuối năm 2022, thị phần LNG đã vượt qua đường ống khí đốt của Gazprom, vốn tiếp tục giảm sau vụ nổ đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022.

Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga đã giảm mạnh 45% so với năm trước, trong khi nhập khẩu LNG của EU đạt mức cao lịch sử về mặt khối lượng.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng LNG đã phải đối mặt với một số khó khăn, bao gồm tăng trưởng sản xuất thấp ở các quốc gia xuất khẩu, công suất tàu chở LNG không đủ cùng cạnh tranh quốc tế khốc liệt đối với các trạm lưu trữ nổi và tái hóa khí. Trong bối cảnh này, các nước EU cho thấy khó có thể áp đặt các hạn chế đối với LNG của Nga.

Do Điện Kremlin sẵn sàng duy trì xuất khẩu LNG như một "cửa hậu" sang châu Âu và EU ưu tiên nhập LNG bất kể nguồn gốc xuất xứ, nên nhập khẩu LNG của Nga đã tăng khoảng 20% vào năm 2022 so với năm trước đó.

Trong quý đầu tiên của năm 2023, Nga chiếm tới 25% tổng lượng LNG đến Bán đảo Iberia, nơi có công suất LNG lớn nhất châu Âu. Bỉ, Pháp và Hà Lan là những khách hàng lớn khác mua LNG của Nga.

Nghịch lý này nảy sinh khi châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt qua đường ống của Nga bằng cách tăng nhập khẩu khí hóa lỏng của Nga.

Để hạn chế thị phần LNG của Nga ngày càng tăng trên thị trường EU, vào tháng 2 năm nay, Estonia đã đề xuất áp giá trần đối với LNG của Nga để hạn chế dòng tiền đổ vào Novatek. Mục tiêu là hạn chế lợi nhuận của công ty này mà không ảnh hưởng đến các lựa chọn cung cấp cho châu Âu.

Một phương pháp tương tự đã được áp dụng trên thị trường dầu mỏ sau quyết định của G7 áp giá trần dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của biện pháp trần giá đang bị nghi ngờ.

Ủy ban châu Âu sau đó đã bắt đầu thảo luận về các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế nhập khẩu LNG của Nga. Tuy nhiên, việc thực hiện giá trần sẽ đòi hỏi những hành động tương tự từ các nhà nhập khẩu khí đốt lớn khác và Mỹ để tạo ra các điều kiện thị trường phù hợp. Ngoài ra, hiệu quả của các hạn chế đối với nhập khẩu LNG của Nga sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định như:

Thứ nhất, khả năng của châu Âu trong việc đảm bảo các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào LNG của Nga.

Thứ hai, xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu liên tục tăng bất chấp nhu cầu khí đốt ở Bắc Mỹ tăng cao.

Thứ ba, cạnh tranh với châu Á về nguồn cung LNG sẵn có, có thể tăng cường nếu nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tiếp tục tăng.

Trong khi hai yếu tố sau phụ thuộc vào động lực thị trường quốc tế thì yếu tố đầu tiên liên quan đến các quyết định thương mại của các công ty khí đốt châu Âu.

Tóm lại, theo Giáo sư Belyi, bất kỳ động thái nào của châu Âu đối với LNG của Nga cũng có nguy cơ làm tăng rủi ro và chi phí trên thị trường. Do đó, Ủy ban châu Âu nên xem xét cẩn thận những yếu tố trên trước khi hạn chế lợi nhuận của các nhà xuất khẩu LNG của Nga tại thị trường châu Âu và quốc tế.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-viec-eu-van-phu-thuoc-vao-khi-hoa-long-cua-nga-20230825110446527.htm