Giải mã thú vị về 'thần chú' của người Việt xưa

Thời trước, hễ trước khi làm việc gì, người Việt có thói quen đọc những câu 'thần chú', với niềm tin rằng đọc như vậy sẽ được hiệu quả.

Trong sách "Việt Nam phong tục" (xuất bản lần đầu từ năm 1915), học giả Phan Kế Bính đã lược ra mười mấy loại thần chú như vậy và cũng chỉ ra sự ngây ngô của nó. Sau đây là một số thần chú, phương thuật. Chẳng hạn khi bão to, nhà lung lay mạnh thì lấy đôi đũa cả mà chống vào hai chân cột cái thì nhà không đổ được. Các ảnh sau chỉ có tính chất minh họa.

Hễ mắt có bụi, người ta vạch mắt đọc câu: “Cái gẩy ở trên trời, rơi xuống đất, mất cái gẩy” thì tự nhiên sẽ khỏi.

Đàn bà sinh sản khó khăn, chồng lấy cái nồi đất đập vỡ toang ra cho chóng sinh. Hoặc là chồng cởi dây lưng trèo ngồi trên nóc nhà, hoặc bắt người đàn bà cắt cái chạc trâu thì chóng sinh. Khi đẻ rồi mà bất hạnh đứa trẻ không khóc được thì gõ mảnh sành rầm lên một lúc, tự nhiên nó tỉnh mà khóc được.

Buổi tối sợ kẻ trộm vào nhà thì dựng ngược một cái chổi ở cửa ra vào và đọc một câu thần chú: “Chém đầu thằng Trích, ních đầu thằng Cược, treo ngược cành đa, chém cha thằng kẻ trộm” như thế dẫu có kẻ trộm cũng rợn mà không dám vào nhà.

Ai đi đêm tối sợ gặp phải rắn, cọp hoặc những điều sợ hãi thì lấy ngón tay cái bên tay trái ấn vào cung bản mệnh (tuổi tý ấn cung tý) và lúc mới bước chân ra đọc câu thần chú: “Tứ tung ngũ hoành, ngô kim xuất hành. Vũ vương vệ đạo, Si vưu tỵ binh, hổ lương bất đắc động, xà hủy bất đắc kinh, ngô phụng Thái thượng Lão quân mệnh, cấp cấp như luật lệnh”.

Đêm nằm mộng thấy sự gì sợ hãi, tỉnh dậy đừng nên nói, uống một ngụm nước, ngoảnh mặt về phía Đông mà nhổ thì mộng ác cũng hóa mộng lành.

Ngoài các việc trồng cây nêu, rắc vôi bột, treo cành đa, lá dứa ngày Tết hoặc dán bùa yểm bùa khi có người chết..., trong cả năm muốn cho bình yên thì ngoài cổng dựng cái cột đá khắc năm chữ “Khương Thái công tại thử”. Hoặc muốn giữ cho tài thần trong nhà thịnh vượng thì xây một con chó đá ngoài cổng.

Cây trồng lâu chưa có quả, muốn cho có quả thì chờ đến ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, một người trèo lên cây, một người cầm vồ ở dưới gõ vào gốc cây 3 cái và hỏi “đã chịu nảy quả chưa”, người trên cây nói “chịu” thì sang năm tự khắc có quả.

Hễ lợn nuôi trong chuồng chê cám không ăn thì viết năm chữ “Khương thái công tại thử” vào một mảnh giấy vàng dán lên chuồng lợn thì lợn khỏi bệnh. Lợn đi không về thì lấy cái đũa cả cắm đằng sau ông táo, hoặc úp cái bồn cho lợn ăn xuống đất và lấy một cành khế cắm vào cửa chuồng thì lợn tự nhiên về.

Có cú kêu bên cạnh nhà, lấy chiếc đũa cả cắm xuống đằng sau ông táo, hoặc lấy nắm gạo muối, hoặc hòn đất trong bếp mà ném đuổi đi thì tự nhiên nó phải chạy.

Khi có sâu hoàng trùng (châu chấu) ăn hại lúa, làm lễ cúng tiễn cho nó đi, rồi cắm một lá cờ giấy ở đầu địa giới thì nó không dám vào nữa.

Trong nhà muốn cho ít kiến thì ngày mồng Một Tết bắt kiến mà đốt đi thì cả năm không có kiến nữa. Muốn trừ rệp thì bắt một hai con bỏ vào trong áo quan người chết, tự nhiên rệp phải hết. Muốn cho cây cối không có sâu thì tối 30 tết cầm bó đuốc soi vào các cây cối sẽ được.

Phan Kế Bính nhận xét rằng: “Không biết các phương thuật tự đâu đặt ra, ngộ nghĩnh quá! Mà ta nhiều người cũng tin... có dễ thuật chữa bệnh tài hơn thuốc đốc tờ, thuật giục cây ra quả tài hơn phép xiếc? Nếu vậy thì chẳng hóa nước ta tài lắm ru, sao mà lại hóa ra hèn hơn các nước vậy?

Nam Khánh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-ma-thu-vi-ve-than-chu-cua-nguoi-viet-xua-641062.html