Giải mã cơn chấn động lạ trên Mặt Trăng: Không dính dáng tàu Ấn Độ!

Cơn chấn động bí ẩn trên Mặt Trăng đã được phát hiện và đó không phải do tàu Ấn Độ Vikram của Chandrayaan-3 gây ra.

Các nhà khoa học đã tiết lộ rằng Mặt Trăng thường xuyên trải qua các "động đất nhiệt" do nhiệt độ thay đổi quá mức.

Điều này bắt nguồn từ việc bề mặt Mặt Trăng phải chịu sự biến đổi nhiệt độ lớn, từ 120 độ C vào ban ngày đến -130 độ C vào ban đêm, khi không có bầu khí quyển để điều chỉnh.

Sự biến đổi này làm cho bề mặt Mặt Trăng giãn nở và co lại, dẫn đến rung lắc và nứt nhỏ được gọi là "động đất nhiệt."

Dữ liệu về động đất nhiệt này đã được thu thập từ tàu Apollo 17 vào năm 1972, và gần đây được nghiên cứu lại bởi một nhóm các nhà nghiên cứu do NASA tài trợ. Phân tích dữ liệu này cho thấy, các trận động đất nhiệt xảy ra đều đặn hằng ngày khi Mặt Trời rời khỏi vị trí cực đại và bề mặt Mặt Trăng bắt đầu nguội đi nhanh chóng.

Các nhà khoa học đã xác định, những cơn chấn động bí ẩn vào buổi sáng trên Mặt Trăng được ghi lại không phải do tàu Vikram của Ấn Độ gây ra, mà thay vào đó là do ánh sáng Mặt Trời chiếu lên tàu Apollo 17, làm cho bề mặt tàu nở ra và gây ra những rung động nhỏ trong lòng đất.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng cho các sứ mệnh tới Mặt Trăng trong tương lai, như Chương trình Artemis của NASA, bởi nó cung cấp thông tin về động đất nhiệt trên Mặt Trăng, có thể hữu ích trong thiết kế tàu đổ bộ và cơ sở trên Mặt Trăng.

Nó cũng có thể giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc bên trong của Mặt Trăng và giúp tìm kiếm nước đá có thể bị mắc kẹt dưới bề mặt.

Nghiên cứu này đánh dấu một bước quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về thiên thể gần chúng ta nhất và cung cấp cơ hội đặc biệt để nghiên cứu các hiện tượng địa chấn.

Mời quý độc giả xem thêm video: Hình ảnh tàu Luna-25 vừa được Nga phóng lên thăm dò Mặt Trăng.

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/giai-ma-con-chan-dong-la-tren-mat-trang-khong-dinh-dang-tau-an-do-1899375.html