Giai đoạn 2021-2023, Chư Sê giải quyết việc làm cho 6.183 lao động

Chiều 10-5, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh hàng năm về số lao động được tạo việc làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo huyện Chư Sê, giai đoạn 2021-2023.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia có các thành viên của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2023, huyện Chư Sê đã đào tạo được 981 học viên từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và đào tạo nghề thường xuyên của các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Huyện đã giải quyết việc làm cho 6.183 lao động thông qua tuyển dụng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua nguồn vốn vay ngân hàng, qua sàn giao dịch việc làm tỉnh, lưu động tổ chức tại các huyện, xã.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện với sự tham gia của 129 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, thu hút 946 lao động tham gia, kết nối việc làm cho hơn 300 lao động có việc làm ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Rmah H’Bé Nét báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Rmah H’Bé Nét báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Tuy nhiên, những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn, như: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên chưa được xác định là cơ sở giáo dục nghề nên không thuộc đối tượng thụ hưởng một số chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề ở một số địa phương còn mang tính hình thức; các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương còn hạn chế về kỹ năng, tư duy không muốn đi làm ăn xa gia đình dẫn đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, huyện Chư Sê kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên các chính sách để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các khu công nghệp để phát triển kinh tế và giải quyết việc làm tại chỗ. Tăng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; tiếp tục cấp vốn theo chương trình mục tiêu dạy nghề, việc làm hàng năm để tăng cường thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát yêu cầu huyện Chư Sê làm rõ thêm các số liệu trong báo cáo; thảo luận về những kiến nghị, đề xuất của huyện để làm cơ sở cho đoàn giám sát trình HĐND tỉnh về những giải pháp nâng cao công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Chư Sê tiếp tục hoàn thiện báo cáo để số liệu chính xác, thống nhất; bổ sung số liệu về chỉ tiêu lao động được đào tạo, lao động được tạo việc làm hàng năm của huyện, trên cơ sở đó mới đánh giá được kết quả thực hiện. Huyện cần đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của công tác đào tạo nghề đối với nhu cầu người lao động, thực tế sản xuất. Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm mang tính bền vững, các đơn vị phải có sự thống nhất trong nhận thức và hành động, biến nhận thức thành hành động cụ thể, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và biện pháp thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu của chính người lao động và điều kiện thực tế địa phương.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giai-doan-2021-2023-chu-se-giai-quyet-viec-lam-cho-6183-lao-dong-post277157.html