Giải cứu khách Tây bị 'mắc nước' ở phố cổ Hội An

Khi mùa lũ ở Hội An về, rất nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài tìm đến phố cổ Hội An để trải nghiệm 'lội nước lũ', thuê ghe thuyền chạy vòng trên sông Hoài và khu phố cổ để chụp ảnh những mái nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, đối với lực lượng Công an thì thêm phần vất vả khi vừa phải đảm bảo ANTT, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, thậm chí tham gia 'giải cứu' các vị khách nước ngoài bị 'mắc nước'…

Lần ngập lụt gần nhất là vào tháng 10/2022. Trận mưa ngập lịch sử gây thiệt hại nặng nề đối với Đà Nẵng và Quảng Nam. Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) thì lạ lắm, dân ta thì sợ ngập lụt nhưng du khách, nhất là du khách nước ngoài lại rất háo hức, họ xem đó như là chuyến “trải nghiệm lội lụt”, cho rằng đã tìm thấy cảm giác du lịch độc lạ, giống như ngày mưa lũ ở Venice, Italy. Lần đó, tôi tận mắt chứng kiến du khách Tây từ già tới trẻ thích thú, lội ào ào qua các đoạn nước ngập quá đầu gối. Nhiều khách trèo lên các ca nô, ghe xuồng của người dân, chấp nhận trả 5-10 USD/người để đi vòng sông Hoài, quanh các con đường Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Công Nữ Ngọc Hoa... ngắm phố, ngắm nhà cổ ngập sâu trong nước lũ.

Du khách thì thích thú nhưng ít ai nhận ra, mỗi lúc thời tiết cực đoan như thế, lực lượng Cảnh sát khu vực phải vất vả và chịu lạnh khi phải dầm mình trong nước lũ suốt từ sáng cho đến chạng vạng tối để ngăn chặn nạn chèo kéo du khách, khuyến cáo du khách Tây không được quá khích. Đôi lúc, các anh còn làm cả “cọc tiêu sống” giăng biển báo nguy hiểm, nơi nước sâu và quan trọng nhất là nhắc nhở chủ ghe, thuyền phải buộc du khách mặc áo phao, đảm bảo an toàn...

Đại úy Đặng Đình Hùng – Phó trưởng Công an phường Minh An chia sẻ cho chúng tôi nghe câu chuyện “cứu nước” khách Tây. Bấy giờ, tầm 11h một ngày tháng 9/2022, ghe của anh L.V.C (người địa phương) được 5 khách Tây thuê chèo quanh phố cổ để ngắm… lụt với thời gian di chuyển khoảng 45 phút.

Khi chạy ra ngay đoạn ngã ba đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học (phía trước chùa Cầu) thì ghe của ông C chòng chành, các du khách lại chỉ ham chụp ảnh, không hề được nghe chủ ghe nhắc nhở mặc áo phao. Rất may, một chiến sĩ Công an phường cùng dân quân tự vệ có mặt kịp thời, nên sự cố đáng tiếc đã không xảy ra. Ngay bản thân phóng viên khi tác nghiệp trong những ngày đó vì ham chụp ảnh khách Tây “mắc nước” mà chiếc máy ảnh Canon EOS 7D bị dính nước phải đưa khẩn cấp về tiệm máy ảnh Anh Đức (Đà Nẵng) cấp cứu, lau sấy.

Chỉ sau đó chưa đầy một tháng, nước lụt lần thứ 2 bất ngờ ngập sâu vào phố cổ, có nơi ngập sâu gần 3m. Sáng sớm ngày 11/10/2022, nhiều khách sạn, homestay, villa trong phố cổ đã phải khẩn cấp vận chuyển hành lý, di dời du khách người nước ngoài đang lưu trú lên các vùng cao để tránh lũ...

Du khách Tây háo hức tham quan phố cổ Hội An trong những ngày mưa lũ, ngập lụt.

Lúc này, tốp 3 ghe chở đoàn du khách Hàn Quốc, khách Pháp trong đó cả những vị khách trên 65 tuổi chạy đến gần khu vực ngã 3 giao nhau giữa đường Bạch Đằng và Lê Lợi ngập sâu hơn 2m nước cuồn cuộn, chảy xiết. Những sợi dây được chằng tạm ngang qua đường để làm điểm níu kéo cũng vụt đứt... Ngay lập tức, Đội cứu hộ cứu nạn của Công an TP Hội An đang túc tực ở đường Phan Châu Trinh nhanh chóng di chuyển đến nơi, phối hợp với nhiều ghe, thuyền của người dân đang di chuyển du khách gần đó có mặt kịp thời, sang người và hành lý để giảm trọng tải, đưa du khách đến điểm an toàn. Nhưng lạ thay, ngay khi vừa qua khoảnh khắc đầy gay cấn, nguy hiểm đó, một nam du khách nước ngoài lại “xì xồ” với anh nhân viên lễ tân khách sạn đi cùng đoàn rằng “không ngờ lũ ở Hội An hồi hộp, thú vị đến thế”. Không chỉ vậy, khi ổn định hành lý ở khách sạn mới, vị khách này đã nhờ anh lễ tân kết nối tìm giúp một ghe thuê riêng để chở vòng quanh chụp ảnh phố cổ thêm một lần nữa.

Ông Nguyễn Bảy (63 tuổi), một chủ ghe trong phóng sự ảnh “Phố cổ Hội An chìm sâu trong nước lũ, du khách hối hả sơ tán” do phóng viên Báo CAND thực hiện, khoe: “Năm mô đến mùa mưa lũ, Hội An ni đều có đặc sản lội lụt hấp dẫn du khách, nhất là khách Tây. Nhờ vậy mà những người dân sống bằng nghề chèo ghe du lịch trên sông Hoài vào mùa lụt như chúng tôi không sợ bị thất nghiệp”. Ông Bảy còn kể, với giá thuê phương tiện thủy từ 150.000-200.000 đồng/lượt cho từ 3-4 du khách cả khách Việt lẫn khách Tây, trung bình một ngày như thế, chủ ghe như ông cũng có được thu nhập cả triệu đồng. Và ông Bảy còn cho biết, chính nhờ “đặc sản” mùa lụt Hội An, nhiều người “sống khỏe” bằng nghề cho thuê ghe, đạp xe đạp lội nước ngắm phố cổ…

Công an phường Minh An (TP Hội An) giăng biển cảnh báo nước sâu, nguy hiểm và đảm bảo ANTT thời điểm phố cổ Hội An ngập sâu trong nước lũ.

Lần đó, vội vàng kể vài câu với tôi, ông Bảy lại tất tả chèo ghe ra điểm hẹn đón 2 tốp khách Tây đang chờ đến lượt được lên ghe dạo quanh các tuyến đường ngập lụt ven sông Hoài. Khi chúng tôi đề cập đến việc khi mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về, khiến nước sông Hoài dâng cao, việc đưa du khách đi “lội lụt” rất nguy hiểm, đặc biệt là nhiều du khách Tây không hề mặc áo phao, vô tư đưa máy ảnh chụp phố, chụp nước, không riêng ông Bảy, anh C, mà nhiều chủ ghe lại cho rằng: “Chúng tui chỉ chèo chở khách sát đường, không có đưa ghe ra xa, hay giữa sông nước chảy xiết mô mà sợ". Vả lại, theo lý giải, họ đều rất tự tin bởi với mấy chục năm nay sống trên ghe, trên sông Hoài bằng nghề chở khách du lịch tham quan, cũng chủ phương tiện nào đã quá kinh nghiệm với con nước xiết, đoạn nông, sâu hay không để xảy ra bất cứ sự cố nào cho du khách...

Việc đến phố cổ Hội An để tham quan, du lịch lại được trải nghiệm cảm giác “chạy lũ, lội ngập” và ngắm phố cổ chìm trong mùa nước lũ cũng là một điều lạ, thu hút du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. “Tuy nhiên, việc người dân tự ý mở dịch vụ chèo ghe, cho thuê xe đạp lội nước lũ là trái phép, bị nghiêm cấm là bởi cần đảm bảo an toàn tính mạng con người. Việc các chủ ghe, tàu tự ý cho khách nước ngoài thuê, lội nước lũ thời gian vừa qua lại tái diễn, rất nguy hiểm và không đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Nhưng vì nhu cầu của du khách và vì hám lợi nên nhiều chủ ghe, tàu du lịch vẫn bất chấp quy định”, Thiếu tá Lê Trung Vĩnh, Trưởng Công an phường Minh Anh băn khoăn.

Chính từ thực tế đáng ngại như thế nên chính quyền TP Hội An đã có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động ghe bơi du lịch trên sông Hoài. Lãnh đạo thành phố cho rằng, hoạt động ghe bơi không chỉ thuần túy phục vụ khách du ngoạn mà phải trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt cho du lịch ở phố cổ Hội An. Tuy nhiên, đảm bảo trật tự an toàn đường sông, đặc biệt là an toàn cho tính mạng của du khách... vẫn là yếu tố cần được lưu ý, đặt lên hàng đầu.

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/giai-cuu-khach-tay-bi-mac-nuoc-o-pho-co-hoi-an-i697453/