GIẢI BÀI TOÁN CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG BỀN VỮNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Đề cập các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khi Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững, nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia nêu ý kiến: Các cơ sở đào tạo cần có sự thay đổi kịp thời trong phương pháp giảng dạy nguồn nhân lực chất lượng cao. Còn người học cũng cần thay đổi cách thức học tập, kỹ năng làm việc sao cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của xã hội để phục vụ cho sự chuyển dịch năng lượng bền vững.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NĂNG LƯỢNG XANH, SẠCH VÀ BỀN VỮNG PHỤC VỤ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

Chuyển dịch năng lượng bền vững, hiệu quả và việc phát triển nguồn nhân lực có mối quan hệ rất mật thiết và phụ thuộc với nhau. Việc phát triển năng lượng nói chung và chuyển dịch năng lượng nói riêng luôn gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng đã được đề cập trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 cũng như các luật, chính sách liên quan. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành năng lượng cũng là nội dung được Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đặc biệt quan tâm.

Việc thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. (ảnh minh họa: Internet).

Việc thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. (ảnh minh họa: Internet).

Bên cạnh Chiến lược quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực và các chương trình nghiên cứu để phục vụ mục tiêu này. Nhiều chương trình trong nước và hợp tác quốc tế đã được triển khai nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để đáp ứng với yêu cầu chuyển dịch năng lượng trong thời gian tới. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã đào tạo được hàng nghìn kỹ sư năng lượng, khoảng 2.000 người quản lý năng lượng trong các cơ sở và hơn 800 kiểm toán viên năng lượng.

Mặc dù vậy, việc phát triển nhanh chóng của nền kinh tế với hơn 700.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên cả nước nhưng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển dịch năng lượng; phục vụ cho các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư và phát triển năng lượng còn nhiều hạn chế lại là thách thức cần có giải pháp kịp thời trong thời gian tới.

Nguy cơ chất lượng đào tạo về năng lượng không đồng đều và không công bằng giữa những người học

Đề cập về đào tạo nguồn nhân lực, ông Nguyễn Đình Hiệp- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nhận định: Nhìn chung, trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn tồn tại tình trạng thiếu chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng thực hành chuyên môn. Biên chế nhân lực làm việc luôn biến động, không ổn định, công tác đào tạo chuyên môn chưa được thường xuyên, thông tin về công nghệ, thiết bị chưa được cập nhật cho các đối tượng liên quan...

Theo quy định hiện hành, kiểm toán viên năng lượng và người quản lý năng lượng chỉ cần được đào tạo một lần, không quy định thời hạn sát sạch lại hoặc bổ sung kiến thức. Điều này tạo ra rào cản trong việc thúc đẩy các kiểm toán viên năng lượng và quản lý năng lượng tìm hiểu, nắm bắt các công nghệ mới, tìm tòi các giải pháp tiên tiến trên thế giới cũng như những thay đổi về công nghệ tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Hiệp- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Hiệp- Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Hiệp cũng cho rằng, hiện toàn bộ giáo trình và tài liệu giảng dạy hiện có được biên soạn và phê duyệt nhằm phục vụ đào tạo trực tiếp dẫn đến người học khó tiếp cận, chủ động trước và trong quá trình học. Tài liệu giảng dạy được phê duyệt từ năm 2010 và đến năm 2021 chưa được cập nhật thông tin mới về kỹ thuật và công nghệ; thiếu các nội dung thực tiễn, bài giảng thực hành, công cụ giảng dạy để minh họa trực quan…

Các nội dung giảng dạy, truyền đạt chưa đa dạng, linh hoạt, thân thiện để đáp ứng nhu cầu của người học; thiếu các công nghệ mô phỏng minh họa thực hiện trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo được Bộ Công Thương lựa chọn từ nhiều khu vực khác nhau. Do vậy, có hiện tượng thực hiện quy trình đào tạo đã được ban hành không đồng nhất dẫn đến nguy cơ chất lượng đào tạo về năng lượng không đồng đều và không công bằng giữa những người học.

Với những bất cập trên, ông Nguyễn Đình Hiệp nêu quan điểm, đã đến lúc các cơ sở đào tạo cần có sự thay đổi kịp thời trong phương pháp giảng dạy nguồn nhân lực chất lượng cao sao cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của xã hội để phục vụ sự chuyển dịch năng lượng bền vững.

Đóng góp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành năng lượng, ThS. Trần Thành Vũ- Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nêu quan điểm: Để luật hóa sâu rộng và đưa các quy định tiết kiệm năng lượng công trình vào thực hành rộng rãi, sẽ đòi hỏi nhân lực kiến trúc sư, kỹ sư có am hiểu sâu về năng lượng, về phát triển bền vững, thẩm tra, thẩm định các hạng mục mới sẽ phát sinh trong quá trình thiết kế. Các công việc này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa đào tạo nâng cao nhận thức, năng lực kỹ thuật cao. Nhưng chỉ đào tạo là không đủ, đào tạo chỉ có thể tạo ra nhân lực làm việc đơn giản, theo sách vở mà không có kỹ năng ứng dụng trong thực tiễn.

ThS. Trần Thành Vũ- Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

ThS. Trần Thành Vũ- Viện nghiên cứu định cư và năng lượng bền vững (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

Để có được nhân lực chất lượng cao thực sự, cần tạo ra nhu cầu xã hội về các ngành nghề mới có trình độ cao giúp đem lại giá trị cao cho xã hội, cũng từ đó tạo ra thu nhập xứng đáng từ các thành quả đem lại. Có như vậy, việc tăng hiệu quả kinh tế và nhân lực chất lượng cao mới song hành phát triển trong dài hạn, không cần có tài trợ, hỗ trợ đào tạo từ bên ngoài. Các công ty, doanh nghiệp về năng lượng cần để cho nhân viên “tự nhiên vận hành”, tự thúc đẩy tìm tòi ứng dụng, tự nghiên cứu giải quyết các bài toán kỹ thuật, công nghệ chính xác, công nghệ cao. Như vậy, mới giải quyết được những bài học trước đây về đào tạo, như việc nhân lực được đào tạo xong không có chỗ ứng dụng, kiến thức dần dần “rơi rụng”.

Theo ThS. Trần Thành Vũ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng, cần xem xét, đánh giá lại cẩn thận phương án quản lý và phân bổ chi phí cho các hạng mục đòi hỏi chất xám cao, tập trung tăng chi phí nghiên cứu ứng dụng, tăng khuyến khích, có thưởng khi đạt được các thành tích cao, có phạt khi sử dụng năng lượng lãng phí. Cách làm này sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư công trình, giảm sử dụng năng lượng, khuyến khích nghiên cứu sáng tạọ mà không cần phải tổ chức đào tạo dài hạn, nhiều cấp độ. Việc làm này cũng vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư ngắn hạn, chi phí vận hành dài hạn, vừa thúc đẩy được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, để nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành năng lượng phát triển tốt, trở thành nòng cốt cho phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, việc đầu tiên là các quy định về tuân thủ Quy chuẩn công trình năng lượng hiệu quả phải trở thành bắt buộc khi thẩm tra thiết kế và nghiệm thu. Đây là bước đầu tiên để kỹ sư, kiến trúc sư làm quen với các quy định tối thiểu về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74226