Giấc mơ nhạc kịch thuần Việt

Không ít văn nghệ sĩ đang nỗ lực xây dựng dòng nhạc kịch thuần Việt mang bản sắc riêng về âm nhạc dân ca

Sân khấu Kịch Hồng Vân (Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM) vừa công diễn vở nhạc kịch "Bông cánh cò" (tác giả, đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh, dựa theo nhạc truyện của cố nhạc sĩ, NSƯT Bắc Sơn). Vở diễn thu hút đông đảo khán giả yêu thích nhạc kịch thuần Việt.

Từ sau vở nhạc kịch "Tiên Nga" của đạo diễn NSƯT Thành Lộc khơi dòng chảy, các sân khấu tại TP HCM ngày càng xuất hiện nhiều hơn thể loại nhạc kịch thuần Việt. Theo NSND Hồng Vân, thể loại nhạc kịch nói chung và nhạc kịch thuần Việt nói riêng đang là xu hướng ăn khách của sân khấu kịch hiện nay. "Tiếp sau vở "Bông cánh cò" chúng tôi sẽ thực hiện tiếp 2 vở nhạc kịch thuần Việt là "Nỏ thần" của cố tác giả Lê Duy Hạnh và một vở nhạc kịch về những sáng tác của nhạc sĩ Minh Vy. Đây là nỗ lực làm mới sân khấu kịch, phục vụ khán giả để đời sống sàn diễn TP HCM có thêm nhiều món ăn tinh thần mới cho công chúng" - NSND Hồng Vân bày tỏ.

Một cảnh trong vở nhạc kịch thuần Việt “Bông cánh cò” của Sân khấu Kịch Hồng Vân

Một cảnh trong vở nhạc kịch thuần Việt “Bông cánh cò” của Sân khấu Kịch Hồng Vân

Để góp phần vào thành công chung cho vở nhạc kịch "Bông cánh cò", NSND Hồng Vân đã mời nhạc sĩ Minh Vy giữ vai trò giám đốc âm nhạc và anh đã chăm chút tỉ mỉ cho từng ca khúc, hòa âm, phối khí cả những đoạn nhạc lồng vào trong từng câu thoại, nhạc tình huống cao trào và cả những đoạn nhạc thể hiện nỗi lòng của nhân vật trong vở diễn sao cho thật phù hợp.

Theo những người trong cuộc, vở nhạc kịch thuần Việt "Bông cánh cò" đã làm nhiều khán giả rơi nước mắt. Bởi dòng nhạc của Bắc Sơn thắm đượm tình quê hương, chở nặng nỗi nhớ nhung, đã tạo cảm xúc, ứng tác với hơi hướng kịch Nam Bộ với dòng sông, bến nước, con đò và ngổn ngang những da diết về tình đất, tình người. Xu hướng nhạc kịch thuần Việt cũng là cơ sở thuận lợi để lồng ghép việc quáng bá hình ảnh về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua vở diễn. Nội dung thuần Việt này cũng phù hợp với các khán giả trẻ và khách du lịch nước ngoài.

Xu hướng nhạc kịch thuần Việt cũng đang nóng các sàn diễn ở Hà Nội. Nhà hát Công an Nhân dân phối hợp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã thực hiện thành công vở nhạc kịch "Người cầm lái". Vở diễn khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng Công an Nhân dân, đặc biệt là lực lượng điệp báo của Công an Nhân dân trong kháng chiến. Nhà hát Tuổi Trẻ thì trình làng vở nhạc kịch "Sóng" với nội dung khai thác cuộc đời và tác phẩm của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, đây cũng là một trong những vở diễn đã liên tục sáng đèn tại sân khấu 2 miền Nam - Bắc.

Các nhà chuyên môn cho rằng nhạc kịch thuần Việt sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Sẽ có thêm đất diễn cho các văn nghệ sĩ thi thố tài nghệ, song ngay từ bây giờ cũng cần phải lưu tâm đến yếu tố chuyên môn, nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới mẻ này. NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận: "Nhạc kịch thuần Việt đòi hỏi diễn viên phải dày dặn kỹ năng. Bởi khâu kịch bản không chỉ kể câu chuyện mà còn có thủ pháp của đạo diễn, nhạc sĩ để đưa âm nhạc vào đúng chỗ. Ngôn ngữ âm nhạc với ca khúc thay cho đối thoại phải hết sức thuyết phục. Chọn diễn viên hát được, có cảm âm tốt về âm nhạc mang âm hưởng dân ca không phải là chuyện đơn giản".

Đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh cho rằng tất cả công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện và đặt hàng sáng tác... đều phải được các đạo diễn "đo ni đóng giày" sao cho gần gũi với khán giả. Do vậy về lâu dài cần sự đầu tư đúng mức cho đội ngũ diễn viên biết hát, biết múa, có như vậy dòng kịch này mới có cơ sở phát triển bền vững.

Bên cạnh những vở diễn nhạc kịch thuần Việt vừa nêu trên đã chinh phục được khán giả, nhiều vở nhạc kịch thuần Việt khác đã và đang chuẩn bị trình làng như: “Tấm Cám musical”, “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101”, “Chuyện của dòng sông đỏ”…

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/giac-mo-nhac-kich-thuan-viet-20230918210722326.htm