Giá vé máy bay vẫn đắt đỏ

Dù các hãng hàng không liên tục tăng tải, tiếp nhận hoặc thuê tàu bay mới để tăng năng lực cung ứng, nhưng giá vé máy bay Tết lại luôn ở mức đắt đỏ khiến người dân băn khoăn, thậm chí không ít gia đình đã phải chuyển sang di chuyển bằng tàu hỏa, ô tô.

Anh Đặng Đức Duy (hiện công tác ở TP.HCM) cho hay, dù các hãng hàng không đều mở bán vé máy bay Tết Giáp Thìn từ sớm, nhưng do cơ quan chưa có lịch nghỉ nên anh chưa thể đặt vé máy bay để về quê ở Huế. “Gần đây cơ quan tôi mới công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng khi vào website của Vietnam Airlines thì các chuyến bay TP.HCM - Huế ngày 6-2-2024 chỉ còn hạng thương gia với mức 4,8 triệu đồng/chiều, các chuyến bay đều khởi hành vào đêm” - anh Duy nói.

Nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán tăng cao, lượng khách qua các sân bay tăng mạnh

Hiện chặng Huế - TP.HCM sau Tết (ngày mùng 8 tháng Giêng (17-2) được Vietnam Airlines bổ sung thêm 2 chuyến bay, 1 chuyến lúc 5h và 1 chuyến lúc 23h50. Đến thời điểm hiện nay, cả 2 chuyến đều chỉ còn vé hạng thương gia giá hơn 4,8 triệu đồng/chiều. Tương tự, chặng TP.HCM - Vinh cũng được Vietnam Airlines bổ sung thêm một số chuyến bay đêm từ 25 đến 27 tháng Chạp. Nhưng vừa mở bán chưa được 1 ngày, giá vé đã tăng gần kịch trần lên mức hơn 3,5 triệu đồng/chiều.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) không tăng phí phục vụ mặt đất của các cảng hàng không địa phương khi phục vụ các hãng hàng không khai thác ban đêm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không, các đơn vị phục vụ mặt đất để bảo đảm công tác an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ, đặc biệt đối với các chuyến bay đêm. Các hãng hàng không phải chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về nhu cầu khai thác đêm tới với các cảng hàng không để phối hợp, xác nhận khả năng phục vụ, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách.

Trước đó, hãng chỉ duy trì 4 - 5 chuyến bay/ngày ở chế độ “đồng hạng, đồng giá” thương gia gần 6 triệu đồng/chiều. Khoảng 1 tuần sau khi mở bán, 7 chuyến bay trải đều từ 0h30 đến 3h45 cũng chỉ còn vé thương gia với giá tăng thêm gần 80.000 đồng, lên hơn 6 triệu đồng/chiều. Còn Bamboo Airways sau khi tăng cường máy bay đã bổ sung thêm được 1 chuyến trên chặng này ở khung giờ 1h05, nhưng dải vé phổ thông đã nhanh chóng hết sạch, chỉ còn hạng thương gia với mức giá còn cao hơn vé của Vietnam Airlines khoảng 50.000 đồng.

Ở thời điểm hiện tại, vé máy bay các chặng chiều từ TP.HCM đi các sân bay địa phương bao gồm Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Quảng Bình, Vinh, Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ đặt chỗ từ 85 - 95% (riêng đường bay đến Vân Đồn đạt 100%). Chiều từ 13 sân bay địa phương về TP.HCM, các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao rơi vào sau Tết từ ngày 4 đến 10 tháng Giêng (13 đến 19-2) khoảng 79 - 93%. Ngoài ra, đường bay Hà Nội - Vinh trước Tết đã lấp đầy 99% số ghế cung ứng. Còn các đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 24 tháng Chạp tới mùng 6 tháng Giêng (từ 3 đến 15-2) chỉ đạt trung bình từ 30 - 40%.

Nguyên nhân do đây là các đường bay có lượng ghế cung ứng cao nhất nhì trong tổng số ghế mà các hãng hàng không mở bán dịp Tết nên lượng vé còn nhiều. Mặc dù vậy, giá vé máy bay trên các chặng này vẫn không hề hạ nhiệt. Đơn cử, vé khứ hồi của Vietravel Airlines chặng TP.HCM - Hà Nội chiều đi ngày 6-2, về 17-2, có giá từ hơn 6,5 đến hơn 7,1 triệu đồng tùy chuyến. Cùng chặng, cùng thời gian, vé của Vietjet “đồng giá” gần 7 triệu đồng/khứ hồi; vé của Bamboo Airways hơn 7,5 triệu đồng/khứ hồi. Riêng Vietnam Airlines thì chỉ còn số ít chuyến bay có giá vé hạng phổ thông ở mức hơn 7,3 triệu đồng/khứ hồi, còn đa số các chuyến bay chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 17-2 chỉ còn hạng thương gia với giá gần 10 triệu đồng/chiều.

Trước thông tin vé máy bay đắt đỏ, Bộ GTVT cho hay, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ… Với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định tại các Thông tư trên. Theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. Ngược lại, ở những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ Tết, nhu cầu tham gia vận chuyển của hành khách thấp (cầu sụt giảm mạnh so với cung) thì các hãng hàng không đều hạ giá vé.

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và với giá vé phù hợp, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Giáp Thìn năm 2024. Các cảng hàng không, hãng hàng không được yêu cầu thực hiện đúng quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-ve-may-bay-van-dat-do-post564263.antd