Giá vé ca nhạc ngày càng đắt đỏ, người hâm mộ K-pop thất vọng

Không chỉ có người hâm mộ Hàn Quốc, các fan quốc tế của những nhóm hàng đầu K-pop như BTS, Blackpink, Twice, Seventeen… cũng bày tỏ nỗi thất vọng khi giá vé concert (hòa nhạc) ngày càng đắt đỏ. Họ thậm chí thấy bị lợi dụng tình cảm.

Những tấm vé đắt “cắt cổ”

Chia sẻ trên Koreantimes, Do Hee-yeon, một người hâm mộ K-pop cuồng nhiệt ở độ tuổi 20, cho biết gần đây cô đã chi 471.000 won (361 USD) để tham dự ba buổi hòa nhạc do nhóm nhạc nam SHINee tổ chức. Những người yêu thích K-pop ở Hàn Quốc thường mua vé cho một loạt buổi hòa nhạc của cùng một nhóm, vì họ ít khi có thể nhìn thấy những ngôi sao yêu thích và thưởng thức màn trình diễn hấp dẫn của họ.

Tuy nhiên, Do Hee-yeon cho rằng những tấm vé này là quá đắt đối với một sinh viên trẻ chưa có việc làm ổn định như cô. Một vé xem hòa nhạc từng có giá khoảng 120.000 won (91 USD) trước đại dịch COVID-19, nhưng gần đây đã tăng gần 30% lên 157.000 won (120 USD), cô nói.

Trong bức ảnh được chụp năm 2022 này, khoảng 50.000 khán giả đổ về Sân vận động Allegiant ở Las Vegas để xem buổi hòa nhạc của BTS - Ảnh: HYBE

"Một trong những người bạn của tôi đang cân nhắc việc bắt đầu làm một công việc phụ để có tiền mua vé", Do Hee-yeon nói với The Korea Times. "Chúng tôi phải chịu đựng những mức giá cắt cổ chỉ vì chúng tôi rất háo hức được nhìn thấy những ngôi sao yêu thích của mình trên sân khấu. Nhưng chúng tôi thường cảm thấy như tình yêu K-pop thuần khiết của mình đang bị lợi dụng... Nếu giá tiếp tục tăng như thế này, chúng tôi có thể không có thể tham gia bất kỳ chương trình nào nữa trong tương lai".

Những chia sẻ của Do Hee-yeon cũng là tâm sự của không ít fan Hàn Quốc, khi giá vé concert tại xứ sở Kim đều tăng mạnh. Vào năm 2019, tất cả các ghế cho buổi hòa nhạc "Love Yourself: Speak Yourself" của gã khổng lồ K-pop BTS tại sân vận động Olympic ở Jamsil, Đông Nam Seoul, có giá 110.000 won (83 USD). Nhưng đối với buổi hòa nhạc "Quyền khiêu vũ trên sân khấu - Seoul", diễn ra tại cùng một địa điểm vào năm ngoái, giá vé VIP đã tăng gấp đôi lên 220.000 won (170 USD). Một vé tiêu chuẩn có giá 165.000 won (165 USD), tăng 50%.

Công ty giải trí HYBE cũng tăng giá vé buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ thuộc quyền quản lý của mình, bao gồm Tomorrow X Together (TXT), Seventeen và ENHYPEN. Tất cả vé cho các buổi biểu diễn của họ có giá 132.000 won (100 USD) vào năm 2022, giúp công ty kiếm được khoản doanh thu khổng lồ 198,1 triệu USD từ buổi hòa nhạc. Nhưng HYBE không dừng lại ở đó. Năm nay, hãng quyết định bán vé VIP và vé tiêu chuẩn với giá lần lượt là 198.000 won (150 USD) và 154.000 won (116 USD). Tỷ lệ tăng giá vé so với năm trước là 50%. Một con số khủng khiếp.

Không chỉ fan Hàn Quốc, người hâm mộ quốc tế cũng đang bày tỏ sự bất bình trước việc giá vé tăng chóng mặt. Tại Thái Lan, giá vé xem hòa nhạc K-pop đã tăng gần 20% kể từ năm 2019, theo hãng truyền thông địa phương MGR Online. Đặc biệt, một vé VIP cho buổi biểu diễn mới nhất của nhóm nhạc nữ Blackpink có giá 14.800 baht (419,5 USD), cao gần gấp 3 lần so với giá vé xem hòa nhạc trung bình là 5.270 baht (150 USD) trong nước.

Trước tình trạng tăng giá mạnh mẽ này, một số người hâm mộ Thái Lan đã đưa vấn đề này đến Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng và được biết rằng Chính phủ không có giải pháp nào. Họ được cho biết rằng không có luật nào điều chỉnh giá cả, vì giá cả được thiết lập dựa trên sự đồng thuận giữa người bán và người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, sau khi thông tin Blackpink sẽ biểu diễn tại sân Mỹ Đình trong hai ngày 29-30/7, cơn sốt vé ngay lập tức được tạo ra. Dựa theo giá vé mà ban nhạc này vừa bán tại Thái Lan, vé concert tại Hà Nội của BlackPink được dự đoán dao động từ 1,8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Hiện ban tổ chức vẫn chưa thông báo giá xem, nhưng trên các diễn đàn, các hội nhóm sẵn giao dịch với mức giá hàng chục triệu đồng, thậm chí, có tài khoản giao bán vé VIP lên tới 25 triệu đồng.

BlackPink sắp tổ chức concert tại Việt Nam và giá vé được dự đoán rất cao - Ảnh: YG Entertainment.

Nhóm nhạc nam K-pop SHINee tổ chức buổi hòa nhạc tại KSPO Dome ở Seoul - Ảnh: SM Entertainment

BTS - nhóm nhạc nam nổi tiếng K-pop - Ảnh: HYBE

Không thể kiểm soát giá

Theo Lee Eun-hee, Giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, Chính phủ Hàn Quốc không thể kiểm soát giá của những mặt hàng không thiết yếu như vé xem hòa nhạc.

"Kiểm soát giá không phải là một lựa chọn trong thị trường cạnh tranh tự do và không có tiêu chí rõ ràng nào để đánh giá liệu một vé concert có quá đắt hay không", Giáo sư Lee giải thích. "Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của hầu hết các loại vé K-pop có vẻ khá cao, do chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,1% vào năm ngoái. Nó đủ cao để khiến người hâm mộ K-pop tức giận".

Bà nói thêm rằng việc áp dụng hệ thống định giá động, trong đó giá vé thay đổi dựa trên nhu cầu, cũng không thể là một viên đạn bạc. HYBE gần đây đã triển khai hệ thống này cho chuyến lưu diễn ở Mỹ của Suga (thành viên nhóm BTS), gây ra cuộc tranh luận giữa những người trong ngành.

“Người hâm mộ có thể khó hiểu tại sao một số người trong số họ phải trả nhiều tiền hơn”, Giáo sư Lee Eun-hee nói.

Giáo sư Lee cũng chỉ ra rằng fandom (cộng đồng người hâm mộ) K-pop chủ yếu gồm những người trẻ tuổi. Theo công cụ theo dõi doanh số bán album Hanteo, những người ở độ tuổi thiếu niên và 20 chiếm hơn 89% lượng người hâm mộ K-pop toàn cầu vào năm 2021.

Giáo sư Lee lưu ý: “Phần lớn người theo dõi K-pop là thanh thiếu niên, những người không đủ khả năng mua vé đắt tiền. Có vẻ như các hãng thu âm K-pop không tính đến điểm này".

Lý do đằng sau giá cao

Lee Gyu-tag, Phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc, đồng ý rằng giá vé buổi hòa nhạc hiện tại có thể khiến một số người hâm mộ phải trả giá đắt, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia có sức mua thấp. Tuy nhiên, có những lý do đằng sau giá cao, ông nói.

Vé xem nhóm nhạc Blackpink tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 2019

“Đại dịch COVID-19 đã khiến giá cả tăng vọt ở hầu hết mọi thứ, từ nguồn nhân lực đến phương tiện vận chuyển”, vị Giáo sư chia sẻ với The Korea Times. "Nhưng các buổi hòa nhạc K-pop ngày nay đã phát triển về quy mô và chất lượng được cải thiện, vì vậy họ cần nhiều nhân viên và thiết bị hơn. Nhiều buổi biểu diễn trong số đó còn có các ban nhạc sống đi kèm. Tất cả đều cần có tiền. Việc các nhóm nhạc K-pop, do đó không thể tránh khỏi tăng giá vé".

Tuy nhiên, cũng theo Giáo sư Lee, giá vé của các buổi hòa nhạc K-pop không đắt một cách lố bịch so với giá vé của các ca sĩ ở các quốc gia OECD khác, ví dụ như của nhạc sĩ người Mỹ Bruno Mars và ban nhạc rock Ailen U2.

Giá cao nhất cho buổi biểu diễn Hàn Quốc mới nhất của Mars, diễn ra tại Sân vận động chính Olympic Jamsil ở phía Nam Seoul, ngày 17/6, là 250.000 won (190 USD). Trong trường hợp của buổi hòa nhạc Seoul năm 2019 của U2, những vị trí đẹp nhất đã được bán với giá 454.000 won (344 USD).

Giáo sư Lee tin rằng các nhóm nhạc K-pop có hai cách để xoa dịu những người hâm mộ đang bất bình.

"Đầu tiên, họ có thể hạ giá vé bằng cách tổ chức các buổi hòa nhạc tại các địa điểm nhỏ hơn và rẻ hơn, thu hút nhiều người hâm mộ hơn. Nếu không, họ có thể phải nâng cao chất lượng buổi biểu diễn của mình để khán giả nghĩ rằng họ đáng đồng tiền bát gạo. Thành thật mà nói, nhiều buổi biểu diễn tại các sân vận động lớn trông không khác nhiều so với các buổi biểu diễn tại các địa điểm nhỏ hơn về chất lượng. Ngoài ra, một khi các nhãn hiệu K-pop nảy ra ý tưởng để làm phong phú thêm trải nghiệm của khán giả, có thể bằng cách thêm nhiều hiệu ứng hình ảnh và sân khấu hơn, họ có thể xoa dịu những người phàn nàn về giá cao".

Vân Anh (Theo Koreantimes)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-ve-ca-nhac-ngay-cang-dat-do-nguoi-ham-mo-k-pop-that-vong-post254309.html