Giá vàng tuần tới: Cần thiết thành lập sàn giao dịch vàng?

Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước có nhiều biến động, giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia đề xuất nên thành lập sàn giao dịch vàng như một biện pháp quản lý thị trường vàng.

Sàn giao dịch vàng – Công cụ điều hòa cung, cầu vàng

Thị trường vàng trong nước tiếp tục có thêm một tuần sôi động khi giá tăng-giảm với biên độ lớn. Bước vào tuần mới, vàng miếng trong nước giao dịch quanh ngưỡng 82 triệu đồng/lượng. Kim loại quý này tiếp tục ghi nhận 2 ngày tăng liên tiếp lên mức 82,5 triệu đồng trước khi quay đầu “lao dốc” về gần 80 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng nhanh chóng lấy lại đà tăng về sát lại ngưỡng 82 triệu đồng/lượng. Vào lúc 13 giờ ngày 16-3, giá vàng miếng SJC neo ở mức 81,7 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng so với đầu tuần. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gần 17 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng-giảm với biên độ lớn trong tuần này. Ảnh: ANH VIỆT

Thời gian qua, câu chuyện quản lý thị trường vàng đang “nóng” hơn bao giờ hết khi giá vàng biến động khó lường. Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước có nhiều biến động, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lớn, nhiều giải pháp, trong đó có việc thành lập sàn giao dịch vàng, đã được chuyên gia đề xuất như một biện pháp để quản lý thị trường.

Sàn giao dịch vàng là công cụ được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng để điều hòa về cung, cầu vàng. Ngoài bảo đảm phản ứng rất kịp thời mà không cần phụ thuộc nhập khẩu vàng, giao dịch vàng trên tài khoản còn giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt là sẽ giúp cho các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm soát tốt các hoạt động giao dịch vàng nhờ thông tin minh bạch.

Sàn giao dịch vàng tương tự như các sàn giao dịch kim loại ở các nước, hay như sàn chứng khoán trong nước và sẽ phát triển theo từng giai đoạn, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên đó để Nhà nước dễ dàng kiểm soát, tránh tình trạng đầu cơ, buôn lậu.

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. "Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn giao dịch vàng thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới. Từ đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới", GS, TS Hoàng Văn Cường nói.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Thông qua sàn giao dịch, biến động giá cả và hoạt động mua bán vàng được thể hiện cụ thể, người dân có thể nhìn vào đó để theo dõi. Khi đó việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.

GS, TS Hoàng Văn Cường khẳng định, đây là thời điểm cần nhiều giải pháp căn cơ, thay đổi mạnh dạn để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Ông Cường cho rằng nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất, cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không. Nhà nước quản lý vàng là đúng nhưng không có nghĩa là Nhà nước phải nắm trực tiếp sản phẩm đó. Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó và nên trả lại vàng là sản phẩm hàng hóa thông thường. Doanh nghiệp nào có đủ năng lực sẽ có sản phẩm của mình đưa ra nhưng Nhà nước phải quản lý.

“Phương thức quản lý bây giờ phải khác đi, chúng ta phải dùng công cụ để điều tiết, tăng cường công cụ về thuế, về kiểm soát thông tin. Vàng không giống các loại hàng hóa khác, nó không bị mất đi mà chỉ từ vàng miếng sang vàng trang sức. Vì vậy quá trình quản lý, vận hành của mặt hàng này, theo tôi Nhà nước phải quản lý chặt. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cũng cần phải thay đổi. Phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Như vậy, doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập. Chúng ta từ bỏ phương thức quản lý hành chính”, GS, TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá

Sau tuần phục hồi ấn tượng, giá vàng thế giới quay đầu giảm khi chịu áp lực bán sau các báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự báo. Kim loại màu vàng ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 4 tuần do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất. Vàng thỏi đã mất 0,8% trong tuần, tuần giảm đầu tiên kể từ giữa tháng 2.

Mặc dù vàng giảm, nhưng Giám đốc giáo dục và nghiên cứu thương mại Michele Schneider của MarketGauge đánh giá, vàng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá vì nó vẫn giữ mức hỗ trợ ban đầu trên 2.150 USD/ounce, vốn là mức kháng cự trong đợt tăng giá mạnh nhất vào tháng 12-2023.

Dù lạc quan, nhưng một số nhà phân tích vẫn cảnh báo các nhà đầu tư rằng, lĩnh vực kim loại quý có thể gặp một số biến động vào tuần tới trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Cuộc họp tới đây sẽ công bố một số dự báo kinh tế cập nhật và dự báo lãi suất, hay còn được gọi là “biểu đồ dấu chấm”.

Dữ liệu lạm phát “nóng” hơn dự kiến được công bố trong tuần này khiến Fed càng khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định có nên sớm nới lỏng chính sách hay không. Trong các sự kiện trước đó, các quan chức cơ quan này đều phát tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay và thời điểm cắt giảm sẽ phụ thuộc nhiều vào dữ liệu lạm phát. Fed sẽ xoay trục nếu chắc chắn rằng lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2%.

Vàng thế giới dự báo vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá. Ảnh: Kitco

Các nhà kinh tế của Capital Economics kỳ vọng Fed sẽ đưa ra tín hiệu rằng sẽ cân nhắc cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Đồng thời, họ kỳ vọng các biểu đồ chấm sẽ tiếp tục báo hiệu 3 lần cắt giảm trong năm nay.

Schneider cho biết, dữ liệu kinh tế đang bắt đầu suy yếu và Fed có thể sẽ buộc phải chuyển trọng tâm từ lạm phát sang hỗ trợ nền kinh tế và điều đó sẽ có lợi cho vàng. Theo bà, trong môi trường này, bất cứ tín hiệu nào về việc xoay trục chính sách sắp tới sẽ là yếu tố thúc đẩy giá kim loại quý.

Các nhà phân tích hàng hóa của Commerzbank cho rằng, nếu Fed để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới, giá vàng có thể sẽ chinh phục mức kỷ lục mới.

Bài, ảnh: ANH VIỆT - TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gia-vang-tuan-toi-can-thiet-thanh-lap-san-giao-dich-vang-768823