Giá vàng rớt mạnh

USD mạnh lên và những bình luận diều hâu của Fed đang đè nặng lên giá vàng. Trong khi đó, nguy cơ vỡ nợ của Mỹ không thể hỗ trợ cho tài sản trú ẩn an toàn này.

Các lực cản đang cùng lúc bóp nghẹt giá vàng. Theo dữ liệu của Trading Economics, tính đến 17h30 ngày 23/5, trong vòng 24 giờ qua, giá kim loại quý thế giới rơi một mạch từ hơn 1.980 USD/ounce xuống 1.955 USD/ounce, chính thức mất mốc 1.960 USD/ounce.

Kịch bản này đã được ông Edward Moya - chuyên gia tài chính cấp cao có trụ sở ở Mỹ - cảnh báo trong cuộc phỏng vấn với Zing đêm 22/5.

"Thị trường vẫn đang căng thẳng và điều này đè nặng lên giá vàng. Kim loại quý là một tài sản trú ẩn an toàn trước rủi ro vỡ nợ của Mỹ. Nhưng các nhà đầu tư tin rằng giới chức trách sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận", ông Moya giải thích.

Giá vàng giảm mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

USD tăng mạnh

"Giá vàng sẽ vẫn chịu sức ép lớn trước ngày X. Nếu các nhà lập pháp đạt được thỏa thuận vào đầu tuần này, kim loại quý có thể bị bán tháo", ông dự đoán. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, cơ quan này chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 1/6 nếu chính phủ không thể vay thêm. Thời hạn này được gọi là ngày X.

Theo CNBC, dù không đạt được thỏa thuận về trần nợ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông đã có một cuộc họp “hiệu quả” và “chuyên nghiệp” với Tổng thống Joe Biden hôm 22/5.

Vàng là lựa chọn hàng đầu của đa số nhà đầu tư nếu Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ. Thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen liên tục cảnh báo rằng nước này có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6, nếu các nhà lập pháp không nới giới hạn nợ công.

USD Index tăng vọt trong một tuần qua. Ảnh: Trading Economics.

Nhưng giới quan sát tin rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày X. Do đó, cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ không thể hỗ trợ giá vàng. Trong khi đó, một loạt tín hiệu tiêu cực vẫn đang đè nặng lên kim loại quý.

Một trong những nguyên nhân chính là đồng bạc xanh đang mạnh lên. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác - vẫn đang ổn định quanh ngưỡng 103,3 điểm.

Fed vẫn "diều hâu"

Giới đầu tư đang đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao trong thời gian lâu hơn dự kiến.

Trong tuyên bố mới nhất, ông James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis - đề xuất khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay. Trong khi đó, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Fed Minneapolis - cho rằng ngay cả khi ngân hàng trung ương Mỹ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, chu kỳ thắt chặt vẫn chưa kết thúc.

Giới quan sát cũng cảnh báo rằng ngay cả khi Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, điều này không đồng nghĩa với việc Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay.

Theo ông Daniele Antonucci - chuyên gia kinh tế trưởng, chiến lược gia vĩ mô tại Quintet Private Bank, Fed có thể buộc phải tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay, nếu lạm phát vẫn nóng và thị trường lao động còn mạnh mẽ. Điều này sẽ đi ngược với dự báo của các thị trường ở thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi tin rằng Fed chỉ tạm dừng, chứ không chuyển hoàn toàn từ trạng thái 'diều hâu' sang 'ôn hòa'. Lạm phát vẫn cao, thị trường lao động còn thắt chặt, và các thị trường sẽ thất vọng vì Fed không cắt giảm lãi suất", ông cảnh báo.

Trong tháng 4, lạm phát tại Mỹ giảm xuống đáy 2 năm là 4,9%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.

Fed đã tăng lãi suất dồn dập trong năm qua nhằm kìm hãm lạm phát vốn đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ. Điều này sẽ gây áp lực cho giá vàng. Bởi lãi suất đi lên có thể khiến kim loại quý - tài sản trú ẩn an toàn không được trả lãi - trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-vang-rot-manh-post1433731.html