Giá vàng, đô la Mỹ, dầu thô nhổm dậy sau cuộc xung đột Hamas-Israel

Trong phiên giao dịch sáng nay (9-10), giá vàng, đô la Mỹ và dầu thô đều nhích lên khi thị trường phản ứng trước cuộc xung đột đẫm máu giữa tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Các nhà phân tích nhận định, bất ổn địa chính trị do bạo lực ở Trung Đông có thể thúc đẩy giới đầu tư rót tiền vào các tài sản an toàn như vàng, đô la Mỹ, trái phiếu chính phủ Mỹ, yen Nhật.

Xe cộ bốc cháy ở Ashkelon, miền nam Israel sau khi trúng rocket bắn từ Dải Gaza hôm 7-10. Ảnh: Edi Israel/Flash90

Hôm 7-10, các tay súng Hamas bất ngờ xâm nhập vào lãnh thổ miền nam Israel bằng đường biển, đường bộ lẫn đường không trong một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ. Cùng lúc đó, từ Dải Gaza, Hamas dội 5.000 quả rocket nhằm vào Israel. Vào lúc cao điểm, 7 ngôi làng và thị trấn của Israel nằm dưới quyền kiểm soát của các tay súng Hamas. Hamas cho biết cuộc tấn công là để đáp trả lệnh phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza kéo dài 16 năm qua, các cuộc đột kích của Israel bên trong các thành phố ở Bờ Tây và nhằm vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở khu vực Đông Jerusalem. Nhà thờ Al-Aqsa được người Hồi giáo coi là thánh địa linh thiêng thứ ba, sau Mecca và Medina ở Saudi Arabia.

Nhật báo Yedioth Ahronoth của Israel hôm 9-10 đưa tin, số người Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas ước tính lên tới 1.000 người. Hơn 150 người Israel cũng được cho là đang bị Hamas bắt giữ.

Theo Bộ Y tế Israel, ít nhất 700 người Israel đã thiệt mạng và 2.315 người khác bị thương trong vụ tấn công kể từ hôm 7-10.

Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad của Palestine cho biết họ đã bắt giữ hơn 130 người Israel.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và thề hủy diệt tất cả các năng lực của Hamas.

Để trả đũa, quân đội Israel phát động chiến dịch Thanh gươm sắt với hàng loạt vụ không kích nhằm vào Dải Gaza, giết chết hơn 430 người Palestine và làm bị thương ít nhất 2.300 người.

Tổ chức Hamas đã được thành lập vào năm 1987 với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được xác định trước năm 1948. Hamas kiểm soát chính trị ở Dải Gaza, một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365 km2, nơi sinh sống của hơn hai triệu người Palestine nhưng đang bị Israel phong tỏa.

Các nhà phân tích cho biết, rủi ro địa chính trị gia tăng có thể làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như vàng và đồng đô la, đồng thời có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn bị bán tháo mạnh mẽ trong những tuần gần đây.

Trong phiên giao dịch sáng nay, đô la Mỹ tăng ít nhất 0,2% so với đồng euro và bảng Anh. Trong khi đó, đồng yen của Nhật tăng giá hơn 0,3% so với euro. Giá vàng giao ngay tăng 1% lên mức 1.851,56 đô la/ounce vào trưa 9-10 theo giờ châu Á. Giá dầu Brent ở London và giá dầu Tây Texas ở New York có lúc tăng đến 5% mỗi thùng.

“Đây là một ví dụ điển hình về lý do tại sao mọi người cần vàng trong danh mục đầu tư của họ. Vàng là tài sản phòng thủ hoàn hảo trước tình trạng bất ổn quốc tế”, Peter Cardillo, nhà kinh tế thị trường trưởng của Spartan Capital Securities, bình luận.

Cardillo cho biết thêm, bất cứ khi nào tình hình địa chính trị quốc tế bất ổn, đồng đô la Mỹ sẽ mạnh lên.

Các thị trường biến động mạnh trong những tuần qua trước kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt trong khi đồng đô la Mỹ liên tục tăng giá. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong quí 3 nhưng đã ổn định trong tuần trước.

Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng của Annex Wealth Management, nói: “Liệu đây có phải là thời điểm nhu cầu tài sản an toàn tăng mạnh hay không phụ thuộc vào cuộc xung đột Hamas-Isarel kéo dài bao lâu và liệu những bên khác có bị cuốn vào cuộc xung đột hay không”.

Jacobsen cũng không rõ tác động của cuộc xung đột đến thị trường dầu thô sẽ ở mức nào dù Iran đang tăng sản lượng.

Cuộc tấn công của Hamas đã được Iran và tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah, đồng minh của Iran ở Lebanon, ca ngợi một cách công khai.

“Sản lượng dầu của Iran đang tăng lên, nhưng bất kỳ tiến bộ nào mà nước này đạt được trong các cuộc đàm phán giảm căng thẳng ở hậu trường với Mỹ sẽ bị hủy hoại đáng kể bởi việc Iran ca ngợi các hành động của Hamas”, Jacobsen nói.

Jacobsen cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xem Saudi Arabia phản ứng thế nào. Washington đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

Hôm 9-10, phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc ra tuyên bố phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến vụ tấn công của Hamas.

Dù giá dầu thô tăng vọt vào sáng nay nhưng các nhà phân tích tin rằng đây chỉ là phản ứng ngắn hạn.

Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác mỏ của Ngân hàng Commonwealth, cho rằng để cuộc xung đột Hamas-Isreal tác động lâu dài với thị trường dầu mỏ, nguồn cung hoặc vận tải dầu phải giảm liên tục.

“Nếu không, như lịch sử đã chỉ ra, phản ứng tích cực về giá dầu có xu hướng tạm thời và dễ dàng bị các lực lượng thị trường khác đánh bại”, Dhar nói và cho biết thêm, cuộc xung đột hiện tại không trực tiếp đe dọa bất kỳ nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng nào.

Theo Reuters, Bloomberg, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-vang-do-la-my-dau-tho-nhom-day-sau-cuoc-xung-dot-hamas-israel/