Giá trị và thực tiễn của luật pháp về biên giới lãnh thổ

Là một quốc gia ven biển ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vừa có biên giới trên bộ, vừa có biên giới trên biển tiếp giáp với các nước láng giềng. Trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn tôn trọng và thiện chí áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Từ trái qua phải: Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP; đồng chí Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, Hội Luật quốc tế Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thu Minh

Từ trái qua phải: Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP; đồng chí Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, Hội Luật quốc tế Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Thu Minh

Tại Hội thảo quốc tế “Luật pháp về biên giới lãnh thổ: Giá trị và thực tiễn vận dụng” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đều khẳng định, Việt Nam không chỉ tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế mà còn xây dựng và củng cố hệ thống pháp lý quốc gia, bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong quan hệ quốc tế, mối quan hệ giữa chủ quyền, biên giới quốc gia đối với an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển. Điểm lại các kết quả trong quá trình giải quyết, xử lý các vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế - cơ sở quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, vận dụng đúng và thiện chí các quy định của luật pháp quốc tế về biên giới lãnh thổ để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là cách thức tốt nhất để đạt được biên giới ổn định và bền vững giữa các quốc gia. Cho tới nay, với biên giới trên đất liền, Việt Nam đã hoàn tất việc phân giới cắm mốc, đồng thời, đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về quản lý biên giới trên bộ với Trung Quốc và Lào, đạt nhiều bước tiến quan trọng trong quá trình phân giới cắm mốc với Campuchia.

Với biên giới trên biển, Việt Nam cũng đã đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định phân định biển với các quốc gia láng giềng như phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan, phân định thềm lục địa với Indonesia. Việt Nam cũng đã kết thúc quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia. Trong quá trình chờ phân định vùng thềm lục địa chồng lấn, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận khai thác chung và cùng đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng với Malaysia.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã cùng nhìn lại quá trình Việt Nam xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ quốc gia. Tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP khẳng định, Luật Biên giới quốc gia khẳng định biên giới quốc gia Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Sự ra đời của Luật đã thể chế đầy đủ, toàn diện các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Biên giới quốc gia đã tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện; tạo tiềm lực về chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thực hiện hiệu quả pháp luật quốc tế

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đều đánh giá, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả pháp luật quốc tế trong việc giải quyết biên giới lãnh thổ. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Thị Hường, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều điều ước khác nhau trong vấn đề biên giới lãnh thổ, đặc biệt đã tham gia đàm phán và là một trong số những quốc gia ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) ngay trong ngày văn kiện này được mở ký, đồng thời, sớm tiến hành phê chuẩn công ước từ tháng 6/1994. Việt Nam thực hiện đầy đủ và thiện chí các điều ước quốc tế đã ký kết và tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề biên giới lãnh thổ, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ hợp tác và phát triển.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thu Minh

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Thu Minh

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này đã được lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam khẳng định tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, song phương và đa phương.

Hiện nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tạo ra nhiều công nghệ mới, một mặt giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng dẫn đến nhiều vấn đề pháp lý khác nhau liên quan đến biên giới lãnh thổ, quản lý biển và tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển. Cùng với lịch sử phát triển của nhân loại thì lịch sử luật pháp quốc tế cũng không ngừng vận động theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Tình hình thay đổi, nhất là nhu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi pháp luật quốc gia và luật quốc tế phải được củng cố để phù hợp trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, các chuyên gia đều khẳng định, Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác các nguồn lợi thủy sản, tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và các công ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia là thành viên.

Trong đó, phải kể đến Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa, Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại đánh bắt IUU của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Các cơ quan chức năng cũng như các địa phương ven biển của Việt Nam thường xuyên quản lý, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các biện pháp cụ thể để ngư dân tuân thủ pháp luật của Việt Nam, tôn trọng vùng biển các nước được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn tuân thủ luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và hợp tác quốc tế. Việt Nam không chỉ áp dụng luật quốc tế mà còn áp dụng một cách sáng tạo.

Các hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ, vùng biển, quản lý biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và các nước láng giềng được ký kết đầy đủ và hợp tác toàn diện; hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia, biên phòng được ban hành kịp thời, đồng bộ, khép kín đã phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gia-tri-va-thuc-tien-cua-luat-phap-ve-bien-gioi-lanh-tho-post466053.html