Giá trị nhân bản trong các tác phẩm viết về cà phê của Trương Phú Thiện

Trương Phú Thiện được biết đến là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu về cà phê Việt và sự tổng kết, giải mã 3 nguồn vốn quý của bản thân (sức khỏe, trí huệ thời gian) cùng với triết lý 5 chữ B (Biết ăn uống, Biết thở, Biết học, Biết làm, Biết vui chơi): Cà phê Việt thế kỷ XXI - Văn hóa & Kỹ thuật; Tình yêu cà phê Việt - Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê; Tình yêu kỳ diệu - Giải mã bí mật ba nguồn vốn.

Những cuốn sách trên là tư liệu quý cung cấp cho người đọc, người nghe những kiến thức căn bản về cà phê, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, rang xay, tham gia thị trường, cách chế biến và thưởng thức cà phê ngon, chất lượng và cả những bí quyết để trở thành chuyên gia cà phê; văn hóa, lịch sử, cẩm nang khởi nghiệp, văn hóa cà phê ba miền... tình yêu thương, lòng trắc ẩn luôn hiển hiện trên từng trang viết... Ở đó, người đọc nhận ra một Trương Phú Thiện rất tâm huyết với cà phê Việt, anh dành tình yêu và cả sự dấn thân để nghiên cứu một cách chuyên sâu về cà phê. Trước sự phát triển của ngành cà phê Việt với xu hướng trao đổi, buôn bán, xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng được mở rộng. Vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nhiều người đã xem nhẹ những yếu tố liên quan. Là một người nghiên cứu, Trương Phú Thiện canh cánh nỗi lo về sự phát triển không bền vững của cà phê Việt. Ý thức trách nhiệm và nỗi lo của một người trẻ như anh trước thực trạng của ngành cà phê nước nhà trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là điều rất đáng được trân trọng.

Tác giả Trương Phú Thiện (bìa phải) và nhà Phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa.

Điều đặc biệt, dù là sách chuyên về kinh tế, kỹ thuật nhưng ở tập sách nào tác giả Trương Phú Thiện cũng nhấn mạnh và đặc biệt quan tâm đến con người, môi trường sống, môi trường kinh doanh. Anh đề cao và quan đến sự phát triển bền vững, có thể lợi nhuận ít nhưng phải tính về mặt lâu dài, đảm bảo hài hòa, cân đối giữa người nông dân với doanh nghiệp, giữa lợi ích, quyền lợi trước mắt và cả hướng đi lâu dài - bền vững. Đặt lợi ích và sự phát triển song hành với bảo vệ môi sinh, giá trị nhân văn nhân ái trong đời sống xã hội. Điều này cần phải được ý thức từ người kinh doanh, chủ doanh nghiệp đến người lao động và cả những chính sách, những định hướng chiến lược, những quy định của nhà nước trong việc hoạch định phát triển kinh tế của quốc gia.Trương Phú Thiện nhấn mạnh đến yếu tố: “Xanh - Sạch - Thân thiện” với môi trường. Anh cũng chỉ ra cho bạn đọc những điều cơ bản về văn hóa và tinh hoa văn hóa nông nghiệp nói chung, văn hóa nông nghiệp cà phê nói riêng. Trong đó, Chân - Thiện - Mỹ là giá trị cốt lõi.Theo anh, để nâng cao chất lượng cà phê thì chúng ta phải nỗ lực hết mình thay đổi trong văn hóa trồng trọt, kinh doanh. Bên cạnh việc kế thừa những tinh hoa văn hóa, lợi thế về thổ nhưỡng cần phải áp dụng công nghệ tiên tiến. Bởi muốn có sản phẩm cà phê chất lượng cao, đảm bảo sự an toàn cho người dùng thì nhất thiết đặt yếu tố văn hóa nhân bản lên làm đầu. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng của ngành nông nghiệp, công nghiệp cà phê, công nghệ, thị trường kể cả văn hóa tiêu dùng cà phê. Có chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, diện tích trồng đảm bảo bền vững, tránh trường hợp phá bỏ khi cà phê rớt giá hoặc trồng ồ ạt khi cà phê lên giá.

Tác phẩm của Trương Phú Thiện.

Như vậy, sản phẩm cà phê mang giá trị Chân - Thiện - Mỹ phải hội đủ các yếu tố: chất lượng tốt, bảo đảm “sạch” - an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, thương mại bình đẳng, có tác dụng chia sẻ giá trị cuộc sống nhằm ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội và tạo nên giá trị tinh thần cao đẹp trong đời sống. Để làm tốt được điều này phải có sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, đoàn thể, giữa Viện nghiên cứu, các trường đại học với nông dân, giữa công ty kinh doanh cà phê và cả ngành giáo dục. Sư phối hợp đồng bộ sẽ là tiền đề tốt cho tất cả mọi người nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trồng và kinh doanh cà phê. Đừng vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi tính nhân văn nhân bản, kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn liên quan đến tương lai sau này.
Khi đọc tập sách Cà phê Việt thế kỷ XXI - Văn hóa & Kỹ thuật, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho rằng: “Việt Nam hiện nay không những là nước sản xuất cà phê tốt, xuất khẩu đứng nhì thế giới sau Brasil mà còn là nước có nhiều quán cà phê nhỏ với tỉ lệ đầu người chắc cũng cao vào hàng đầu thế giới. Hy vọng những ai đang làm chủ quán cà phê nhỏ hay những ai mê, nghiện cà phê đọc được cuốn sách này, nắm được các bí quyết về chất lượng rang cà phê, pha chế cà phê Việt, sẽ cùng nhau nâng cao chất lượng cà phê Việt, nâng cao chất lượng văn hóa cà phê Việt; góp thêm niềm tự hào, phát triển kinh tế Việt Nam. Tôi cũng mong tác giả và các thân hữu thành lập các tổ chức kể cả các công ty tư vấn, đào tạo các chuyên viên quảng bá các bí quyết nâng cao chất lượng cà phê một cách toàn diện. Từ việc chọn đất, chọn giống, cách trồng, cách thu hoạch, cách lựa chọn hạt rồi đến bí quyết rang, pha chế phối trộn, cả nguồn nước và cách phục vụ người uống cà phê Việt...
Kinh tế dịch vụ, kinh tế tri thức Việt Nam sẽ đóng góp cho đất nước giàu mạnh trong một tương lai không xa, nếu có những thế hệ trẻ như tác giả cuốn sách này (người say mê xây dựng văn hóa ngay từ sản phẩm cà phê Việt). Dĩ nhiên ngành giáo dục và văn hóa phải vào cuộc cùng nhau xây dựng niềm tự hào văn hóa Việt, trong đó có văn hóa cà phê để góp phần xây dựng đất nước cường thịnh”.
Trong Tình yêu cà phê Việt - Bí quyết trở thành chuyên gia cà phê, chuyên gia cà phê Trương Phú Thiện dành hẳn 1 chương gần 100 trang sách để bàn về Khoa học của Thịnh vượng - Hạnh phúc - An lạc. Tác giả đi sâu vào luận bàn vấn đề này trong 8 nội dung:
1/ Năm chữ T: Tâm, Tín, Tầm, Tài, Tự học trong triết lý sống người Việt
2/ Tình yêu thương, lòng biết ơn, niềm tin và sự can đảm
3/ Xây dựng tầm nhìn, mục tiêu cho cuộc đời
4/ Phát triển 4 giá trị cốt lõi cho bản thân. Tầm quan trọng của năng lực cốt lõi
5/ Làm việc hiệu quả hướng đến mục tiêu: Bí mật của nụ cười - Bí mật của kết nối
6/ Sự sáng tạo bắt nguồn từ năng lượng tình yêu
7/ Lập kế hoạch, chiến lược, cách tổ chức quản lý để gặt hái thành công
8/ Tổ chức học tập, hình thành năng lực cốt lõi
Ở cuối tập sách Tình yêu kỳ diệu - Giải mã bí mật ba nguồn vốn, Trương Phú Thiện đã đưa ra những suy nghiệm và đúc kết có ý nghĩa: Không có tình thương thì mọi thứ trở nên vô nghĩa; Sách là bạn, là thầy, là kho tàng tri thức; Thành công nhỏ ắt sẽ có thành công lớn; Tiền bạc danh vọng chỉ như áng mây, có ích gì khi ta đã mất?; Cuộc sống là món quà kỳ diệu chỉ khi trái tim ta tràn đầy tình thương và lòng trắc ẩn; Càng cho đi thì tâm hồn càng được thanh tẩy và thanh tịnh; Càng học thì cái tôi càng nhỏ lại - nghĩa là bạn đang sống có ý nghĩa; Tâm hồn tĩnh lặng là bạn đang bước vào cánh cửa của tự do; Cuộc sống hiện thời của bạn chính là kết quả của những hành động bạn đã và đang làm, nó biểu lộ giấc mơ của chính bạn...
Thế kỉ XXI, thế kỉ của văn minh và sự tiến bộ. Điều đáng quan tâm hơn cả là sức khỏe, sự sáng tạo, những đột phá trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội... Một thế kỉ mà nền khoa học phát triển như vũ bão đã đem lại những hiệu ứng và lợi ích thiết thực cho con người. Tuy nhiên, vấn đề môi trường, đức tin lại đặt ra những thử thách lớn và mang tính cấp thiết đối với tất cả chúng ta. Những tập sách của Trương Phú Thiện bên cạnh những thông tin thiết thực, bổ ích về cà phê và những gì liên quan đến nó đã gợi mở ra nhiều thông điệp về tình yêu thương, lòng trắc ẩn của con người trong đời sống hiện đại.
“Người Việt chúng ta thích uống và yêu cà phê, và câu chuyện về cà phê luôn là đề tài gây nhiều tranh luận. Đã từng có thời gian, câu chuyện cà phê Việt đã bị khoác lên mình những huyễn hoặc gây mơ hồ cho người uống và cả người làm cà phê. Do vậy, chúng ta thực sự cần nhiều kiến thức trong lĩnh vực này để hướng đến việc làm cà phê thật đối với những nhà sản xuất, chế biến cà phê, giúp những người yêu thích cà phê có thể biết được thế nào là cà phê sạch. Những tập sách viết về cà phê của Trương Phú Thiện đã đưa ra những nền tảng cơ bản đó và mong rằng chúng ta sớm được thưởng thức nhiều ly cà phê tử tế và chất lượng” (Lê Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty cà phê SIMEXCO).
Được biết, Trương Phú Thiện đang thai nghén tập sách mới: “Văn hóa lãnh đạo doanh nghiệp” bằng tất cả tấm lòng, sự nhiệt huyết của một người có tâm, có tầm đối với sự phát triển doanh nghiệp. Ở đó có sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sự phát triển bền vững mang lại giá trị nhân văn, nhân ái...
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thời hội nhập, phần lớn người ta nghĩ đến lợi ích về kinh tế trước mắt mà thường bỏ qua hoặc xem nhẹ sự phát triển bền vững lâu dài. Nhất là yếu tố môi sinh, con người, niềm tin, giá trị nhân bản, bản sắc văn hóa... Một người trẻ như Trương Phú Thiện lại có hướng nghiên cứu, quan tâm đặc biệt về cà phê và có những giải pháp thiết thực cho một tương lai vì sự phát triển bền vững trên nền tảng Chân - Thiện - Mỹ thì thật là điều đáng quý!

Nguyễn Văn Hòa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-tri-nhan-ban-trong-cac-tac-pham-viet-ve-ca-phe-cua-truong-phu-thien-a24532.html