Giá trị lễ hội Ok Om Bok

Lễ hội Ok Om Bok mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Việc duy trì tổ chức lễ hội hàng năm góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Cùng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta, Ok Om Bok là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng - vị thần theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer giúp người dân bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cuộc sống no ấm cho người dân.

Lúc này, đồng bào Khmer vui mừng tổ chức lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ cúng trăng hay lễ đút cốm dẹp. Đồng bào Khmer xem Mặt Trăng là vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vào đêm 15-10 âm lịch, khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ cúng Mặt Trăng.

Thành viên đội đua ghe ngo xã Thới Quản, huyện Gò Quao (Kiên Giang) tích cực luyện tập chuẩn bị tham gia thi đấu tại ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XV năm 2023 gắn lễ hội Ok Om Bok.

Lễ vật dâng cúng đơn giản, gần gũi, chủ yếu là sản vật do người dân trồng được, trong đó có cốm dẹp. Tất cả lễ vật được trưng bày trên chiếc bàn giữa sân, mọi người cùng cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Sau đó, các vị sư sãi, À Cha, người có uy tín hoặc người cao tuổi nhất trong gia đình chọn thức ăn mỗi thứ một ít nắm vào tay, trong từng nắm ấy luôn có cốm dẹp. Người chủ sự lần lượt đút vào miệng từng trẻ nhỏ, vỗ nhẹ sau lưng cùng câu hỏi các em ước muốn gì. Người Khmer tin rằng những câu trả lời của các em là niềm tin, động lực của người lớn vào năm tới.

Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống và mọi người cùng quây quần thưởng thức với ý nghĩa chung hưởng lộc của thần Mặt Trăng, thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình thân. Bà Thị Hồng, ngụ xã Định Hòa (Gò Quao) chia sẻ: “Ok Om Bok là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, một năm chỉ có một lần nên chúng tôi đóng góp cho chùa, ước nguyện cuộc sống tốt đẹp, viên mãn, thể hiện lòng biết ơn đấng tạo hóa. Tới lễ hội ai cũng vui”.

Hàng năm, vào dịp lễ hội Ok Om Bok, tỉnh tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú tại thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đem đến không khí rộn ràng, vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Cuộc thi đua ghe ngo được mọi người mong đợi nhất. Lễ hội Ok Om Bok, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc chứ không riêng của đồng bào Khmer.

Hưởng ứng lễ hội Ok Om Bok cũng như ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gò Quao tạo điều kiện cho đồng bào Khmer tham gia các hoạt động. Xã Thới Quản có đông đồng bào Khmer, chiếm gần 50% dân số.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thới Quản Nguyễn Thị Hồng Thắm, cấp ủy, chính quyền xã Thới Quản có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo nâng cao chất lượng đời sống gắn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Đến nay, đời sống người dân được cải thiện, trình độ dân trí phát triển, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm đáng kể.

Vào các dịp lễ hội của đồng bào Khmer, nhất là dịp lễ hội Ok Om Bok, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh, xã tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân tham gia các hoạt động, thi đấu, tạo không khí vui tươi mùa lễ hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Nhờ được đông đảo người dân hưởng ứng tích cực, năm 2022, ở nội dung thi đua ghe ngo, đội thi xã Thới Quản, huyện Gò Quao xuất sắc giành giải nhất cự ly 1.200m, giải nhì cự ly 800m.

Anh Danh Sơn Tùng, ngụ ấp Thới Bình, xã Thới Quản chia sẻ: “Lễ hội Ok Om Bok có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Khmer. Mỗi năm đến mùa lễ hội, tôi háo hức tham gia các hoạt động. Dù bận rộn tôi vẫn tham gia luyện tập bơi ghe ngo để cùng các thành viên trong đội chuẩn bị thi đấu với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao”.

Bài và ảnh: THẾ LỰC

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/le-hoi/gia-tri-le-hoi-ok-om-bok-17790.html