Giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành động lực phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại' do Học viện Chính trị, Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết, khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các tham luận tập trung phân tích và khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến và chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện sức mạnh của Quân đội nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Báo Quân đội nhân dân điện tử giới thiệu, trích đăng ý kiến của các tướng lĩnh, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà chiến lược thiên tài

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích của thế kỷ XX; trong đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi. Nguyên nhân của thắng lợi đã được nhìn nhận khác nhau nhưng vai trò quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không thể phủ nhận. Con người ấy không chỉ mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc mà còn tạo lập nên những chiến công mang tầm thời đại và Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình.

PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết.

Theo tôi, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được nhìn nhận trong toàn bộ cuộc kháng chiến mà Người đóng vai trò là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất. Điều này thể hiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tìm ra cách thức xoay chuyển tương quan lực lượng để tiến tới tổng phản công. Không chỉ là người chỉ đạo cao nhất mọi đường hướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm chính xác về thắng lợi ở Điện Biên Phủ và về cuộc chiến đấu mới, những "Điện Biên Phủ mới" sẽ diễn ra ở Việt Nam.

70 năm trôi qua, nhưng tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc. Vì thế, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân loại không dừng ở những kỳ tích mà Người đã tạo lập trong thế kỷ XX mà còn ở sức sống, khả năng soi chiếu, dẫn dắt để Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đi đến mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Người.

----------

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị:

Mở Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định lịch sử

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quyết định này, Điện Biên Phủ đã chính thức trở thành trận quyết chiến chiến lược giữa ta và thực dân Pháp. Sau 70 năm nhìn lại cho thấy, đây chính là một quyết định chính xác, mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; mở đường cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Theo tôi, ý nghĩa lịch sử của quyết định này thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời cho thấy một tư duy quân sự sắc sảo, trí tuệ tuyệt vời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng; phù hợp với khát khao giải phóng của dân tộc Việt Nam và sự mong đợi của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; làm thay đổi lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Quyết định lịch sử ấy để lại cho cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý, đó là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược kiên quyết, nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cả nước để giành thắng lợi. Những bài học kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường cách mạng tiếp theo, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

----------

Thiếu tướng, TS TRẦN MINH TUẤN, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng:

Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam

Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng vang dội của chiến dịch cũng thể hiện rõ nét những yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Về nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân, Đảng ta xác định là cuộc kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đóng góp nhiều nhất sức người, sức của để làm cách mạng. Thế trận chiến tranh nhân dân ấy đã trở thành bức thành đồng vững chắc đè bẹp bè lũ bán nước và cướp nước.

Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn.

Về nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận, ta đã tích cực chuẩn bị chiến trường, điều địch vào Điện Biên Phủ, đẩy đối phương vào thế bất lợi. Đồng thời, chủ động tạo lập thế trận trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, toàn dân kháng chiến. Đồng thời, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích rộng khắp trên phạm vi cả nước với các hoạt động tác chiến của đơn vị chủ lực, ta đã thành công trong việc kìm giữ, giam chân một số đơn vị chủ lực địch trên một số chiến trường.

Về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, thay đổi phương châm tác chiến là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã cân nhắc và rất khó khăn mới đưa ra quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”...

----------

Thiếu tướng BÙI ĐỨC HIỀN, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không quân:

Khống chế đường không, chặn đường tiếp vận

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Để đánh bại các thủ đoạn trên không của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, tập trung bao vây khống chế cầu hàng không địch ở cả hai đầu vận chuyển: Đánh địch ngay từ căn cứ xuất phát ở hậu phương kết hợp với đánh địch ở chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đó, nòng cốt là lực lượng phòng không, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác trên mặt trận, kiên quyết tiến công, khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch.

Thiếu tướng Bùi Đức Hiền.

Ta tổ chức từng đơn vị đặc công nhỏ, tinh nhuệ, tập kích táo bạo, bất ngờ vào các sân bay, căn cứ, kho tàng, những nơi có sinh lực cao cấp và các loại vũ khí, trang bị hiện đại của địch liên quan đến nguồn cung cấp tiếp vận cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Điển hình là những trận ta tập kích vào các sân bay: Đồ Sơn, Cát Bi và Gia Lâm, đã gây tổn thất lớn cho địch, làm giảm sút khả năng hoạt động tiếp vận ở các đầu cầu hàng không (hơn 80 máy bay địch đã bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu và kho bom bị cháy).

Lực lượng pháo binh pháo kích khống chế các sân bay Mường Thanh và sân bay Hồng Cúm không cho địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp vận trên không. Lực lượng pháo binh chiến dịch đã bắn phá các sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, phá hủy máy bay đang đậu trên sân bay, bắn cháy kho xăng dầu. Các đợt tiếp theo, ta tiếp tục bắn khống chế sân bay và không phận Điện Biên Phủ bằng pháo binh và pháo cao xạ và bằng cả hỏa lực của bộ binh, làm cho phi công địch không thể hạ cánh xuống sân bay mà phải chuyển sang phương pháp thả dù tiếp vận từ trên không, nên đã hạn chế đáng kể hiệu quả sử dụng cầu hàng không của địch.

Cùng với đó, lực lượng phòng không khống chế, bao vây trên không, ngăn chặn, cắt đứt cầu hàng không. Các đơn vị phòng không đã nhanh chóng triển khai trận địa và thiết lập được vùng hỏa lực phòng không bao trùm, khống chế toàn bộ không phận của đối phương, giành quyền làm chủ vùng trời, khống chế hoạt động đường không vốn là chỗ mạnh, ưu thế tuyệt đối của địch.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng phòng không đã cùng các lực lượng khác bắn rơi 62 máy bay và bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

----------

Trung tướng, PGS, TS PHAN XUÂN TUY, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân:

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đầu não của chiến dịch

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công an nhân dân là lực lượng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Do đó, lực lượng Công an nhân dân xác định rõ: “Công tác bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn này”, trong đó coi công tác bảo vệ lãnh tụ và Bộ Chỉ huy chiến dịch là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy có nhiều khó khăn nhưng bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ, các cơ quan đầu não kháng chiến và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Trung tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy.

Quán triệt phương châm chỉ đạo chiến lược của Đảng và Bộ Công an, lực lượng Công an nhân dân đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ quân đội, phát động mạnh mẽ phong trào “phòng gian bảo mật” trong mọi tầng lớp nhân dân và các cơ quan đơn vị, lập trạm kiểm soát ra vào căn cứ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn để điều tra, phá hoại. Ở khu vực có Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng quân, công an lập danh sách số đối tượng hiềm nghi, điều chuyển ra nơi khác để làm trong sạch địa bàn, đồng thời thành lập các đội tuần tra canh gác bảo vệ nghiêm ngặt cả vòng trong lẫn vòng ngoài.

Khi các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng bố trí bảo vệ trên suốt tuyến đường, nhất là ở những địa bàn hiểm trở, đèo dốc phức tạp dễ bị kẻ địch lợi dụng địa hình mai phục, tấn công. Do có sự chủ động trong kế hoạch bảo vệ, đặc biệt có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng và sự ủng hộ, giúp đỡ che chở của nhân dân nên lực lượng Công an nhân dân đã bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời, giữ vững an ninh, trật tự nơi cơ quan Đảng, Chính phủ và Bộ Chỉ huy chiến dịch đứng chân.

----------

TS ĐẶNG KIM OANH, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng:

Chiến thắng Điện Biên Phủ sáng ngời tinh thần đại đoàn kết

Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, để lại nhiều bài học có giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo.

Phát huy giá trị được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là bài học quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc xây dựng thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân, tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” trong thời kỳ đổi mới.

Thực tiễn thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã minh chứng: Chỉ có quy tụ, tập hợp được “lòng dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, chúng ta mới khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…”.

Với ý nghĩa đó, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-chien-dich/gia-tri-chien-thang-dien-bien-phu-da-tro-thanh-dong-luc-phan-dau-xay-dung-dat-nuoc-hung-cuong-770179