Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V.GIA

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là phải phấn đấu để xây dựng nền công nghiệp tự chủ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong toàn ngành.

* Nội lực còn yếu

Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam, qua khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp (DN), những khó khăn mà DN phải đối mặt là: Tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...

Thực tế cho đến nay, Việt Nam chưa có một hãng sản xuất máy hoàn chỉnh. Các DN đa phần sử dụng máy cũ của Nhật Bản, nhiều DN đầu tư sản xuất máy mới nhưng không phải tất cả đều làm được. Trong khi ở các nước tiên tiến, mức độ chuyên môn hóa trong sản xuất cao thì ở Việt Nam, DN khó khăn để hoàn thành một cụm chi tiết, do máy móc chưa đủ nên không thể nhận được đơn hàng. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực còn hạn chế, nhất là trong khâu lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi kế hoạch, thực thi và cách hiểu của đội ngũ cán bộ.

Đồng Nai phấn đấu đến hết năm 2025, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỉnh sẽ tìm cách tạo cầu nối liên kết giữa công nghiệp hỗ trợ với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau, phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo.

Hiện nay, nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang bị phụ thuộc vào nước ngoài. Số lượng DN ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và DN hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như: khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt chưa nhiều.

Cùng quan điểm trên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhận định, đặt trong bối cảnh chuyển đổi quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, kết nối tài chính, sự linh hoạt của đối tác sản phẩm buộc Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn. Các DN trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số DN Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

* Tái cơ cấu công nghiệp theo hướng bền vững

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 thì vào năm 2030 Việt Nam là nước có nền công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Riêng đối với công nghiệp hỗ trợ, đề án cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, sản phẩm công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước. Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng Nai đưa ra chỉ tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp lên 40% vào năm 2030. Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh sẽ hỗ trợ các DN đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi công nghệ. Đồng Nai hiện có lợi thế là hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Do đó, nếu làm tốt công tác kết nối DN của từng ngành sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đáng kể, vì nhiều sản phẩm của DN này là đầu vào cho sản xuất của DN khác.

Trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian qua, tỉnh đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Song song với thu hút các dự án lớn, tầm cỡ thì yêu cầu tiên quyết là hàm lượng công nghệ phải cao và có thể tạo ra được chuỗi kết nối đối với các DN trong nước. Các dự án thu hút đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến tăng dần qua các năm và đạt 100% vào năm 2030.

Thực tế, nhu cầu về nguồn nguyên liệu ở thị trường nội địa của các DN nước ngoài trên địa bàn để giảm nhập khẩu là rất lớn. Vì vậy, các DN trong nước có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, gia tăng các phương án kết nối để có thể nâng dần tỷ lệ đáp ứng.

Trong các buổi tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đều khẳng định chủ trương của Đồng Nai sẽ là phát triển theo xu hướng xanh, công nghiệp công nghệ cao với những dự án của tương lai. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai với lợi thế vốn có là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước nên tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN; đồng thời, mong DN mạnh dạn hiến kế, góp phần giúp địa phương trong việc định hình chiến lược phát triển công nghiệp.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/gia-tang-ty-le-noi-dia-hoa-nganh-cong-nghiep-3168892/