Gia tăng người trẻ bị suy thận

Nước ta hiện có hơn 800.000 người suy thận giai đoạn cuối cần điều trị thay thế bằng chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận

Dù mới 30 tuổi nhưng anh H.V.S (ở quận 12, TP HCM) đã có 3 năm chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Trước khi mắc bệnh, anh S. không có triệu chứng gì, chỉ đến khi chân bị phù, thường xuyên đau đầu, mắt mờ và không ăn uống được mới đi khám.

Nhiều người đi lọc máu

Trước khi phát bệnh, thỉnh thoảng anh S. đau đầu và bụng, trào ngược dạ dày nhưng nghĩ rằng do thường xuyên thức khuya làm việc và nhậu nhiều nên mới bị, bệnh không đáng lo ngại. Khi được bác sĩ giải đáp, anh mới nhận ra có thể do bị tăng huyết áp nhưng không biết vì không có triệu chứng. "Thật ngỡ ngàng sau khi bác sĩ thông báo bị suy thận giai đoạn cuối. Trước đó, tôi không thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường. Còn trẻ song không nghĩ mình bệnh nặng như vậy" - anh S. rầu rĩ.

PGS-TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu - Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đến khám và được phát hiện suy thận giai đoạn cuối gia tăng. Đáng chú ý, nhiều người dưới 30 tuổi lần đầu đến khám bệnh đã phải chạy thận. "Số lượng người trẻ suy thận ngày càng nhiều khiến chúng tôi băn khoăn, cần phải có phương án dự phòng để người bệnh lần đầu tiên phát hiện bệnh không phải chạy thận nhân tạo" - bác sĩ Bách cho biết.

Khoảng 20% bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đang chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Thống Nhất

Theo bác sĩ Bách, chỉ riêng nơi đây dù là đơn vị chuyên về lão khoa nhưng có khoảng 20% bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đang chạy thận định kỳ. Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ suy thận như bệnh viêm cầu thận, viêm ống thận kẽ, lạm dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng không theo chỉ định, lối sống sinh hoạt không hợp lý…

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ đầu năm đến giữa tháng 3-2024, Khoa Thận nhân tạo cũng đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 người dưới 35 tuổi, chiếm 15%.

Theo Hội Lọc máu TP HCM, hiện nay số bệnh nhân mắc bệnh thận mạn ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề y tế toàn cầu. Trước đây, suy thận giai đoạn cuối thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nhiều người trẻ tuổi đang đối mặt với bệnh nguy hiểm này. "Bệnh thường diễn tiến âm thầm. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng biến chứng suy thận giai đoạn cuối. Lúc này, bệnh nhân buộc phải lọc máu hoặc ghép thận" - PGS-TS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Lọc máu TP HCM, cảnh báo.

Gánh nặng trong điều trị

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam nguồn ghép tạng rất khan hiếm, chi phí đắt đỏ nên đối với những người suy thận mạn, lọc máu định kỳ để duy trì sự sống vẫn là phương pháp phổ biến hiện nay.

Bệnh thận mạn xảy ra không đột ngột mà thường diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm, nhiều người chỉ phát hiện khi ở giai đoạn cuối là suy thận mạn. Lúc này, bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Điều này gây ra gánh nặng lớn trong điều trị và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác. Khi phát hiện bệnh sớm dễ chữa trị, bệnh nhân cũng có ý thức phòng bệnh, thường xuyên thăm khám định kỳ. Việc điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Bách lưu ý để phòng bệnh thận mạn, mọi người hãy thường xuyên quan sát màu nước tiểu. Nếu có màu vàng chứng tỏ chưa uống đủ nước. Nếu xuất hiện màu đỏ bất thường phải đi khám ngay. Cần duy trì lối sống lành mạnh bằng các nguyên tắc vàng gồm: tăng cường vận động, tập thể dục; có chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật, ăn ít muối; không tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc không có nguồn gốc; uống đủ nước (2 lít/ ngày); thường xuyên kiểm tra huyết áp; kiểm tra đường huyết; kiểm tra chức năng thận (nếu có các yếu tố nguy cơ tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì…); không hút thuốc.

BS chuyên khoa I Trần Trọng Nhân, Phó Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), lưu ý những người bị suy thận mạn không ăn các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối (dăm bông, xúc xích, chả lụa, thịt hộp, dưa muối chua…). Người bệnh nên tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng. Trong quá trình lọc thận sẽ dẫn đến sự thiếu hụt các vitamin như B1, B6, B12, Acid Holic, vitamin C, sắt, can-xi. Bên cạnh đó, ăn các thực phẩm giàu năng lượng và chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…); ăn ít muối, ít kali, ít phospho.

Ngoài 3 bữa ăn chính cần bổ sung các cữ ăn phụ như khoai lang, miến xào, sữa giàu đạm… Trước khi lọc thận nên ăn một bữa ăn đủ chất (cơm, cháo, miến, khoai củ kèm với thịt, cá, trứng, rau củ…) thêm 1 ly sữa hoặc ăn thực phẩm giàu chất đạm và năng lượng cao. Bên cạnh đó, có thể bổ sung dầu ăn khi chế biến các món ăn (cho thêm vào cháo, xúp, canh, trộn, chiên, xào…) để tăng cường năng lượng.

Bài học phòng bệnh từ Nhật Bản

Theo BS Nguyễn Bách, Nhật Bản đã thanh toán bệnh lý thận ở người trẻ từ năm 1990. Bởi họ có chương trình tầm soát quốc gia bằng cách đến trường học để tầm soát bệnh lý thận, xét nghiệm nước tiểu nếu có bất thường sẽ chuyển về trung tâm để đánh giá tìm hướng điều trị sớm, tránh dẫn đến suy thận. Để xác định bệnh nhân có nguy cơ bệnh lý thận chỉ mất khoảng 20 phút. Trong đó, bác sĩ sẽ đo huyết áp, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Chi phí này dao động vài chục ngàn đồng đến 100.000 đồng nhưng có thể sớm phát hiện những nguy cơ để kịp thời kiểm soát và điều trị.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-tang-nguoi-tre-bi-suy-than-196240327203618758.htm