Gia tăng giá trị ngành trồng trọt

BHG - Trồng trọt không chỉ đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân. Xuất phát từ thực tế này, tỉnh ta đã tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất trồng trọt nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm chủ lực gắn với tín hiệu thị trường.

Từ thế mạnh của mỗi vùng, miền, địa phương, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác. Trong đó, xác định rõ cây trồng có lợi thế, thị trường, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các loại nông sản chủ lực, sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ Đông theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Đồng thời, xây dựng cơ chế liên kết hợp tác “4 nhà” trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Từ mối liên kết này, doanh nghiệp đã đầu tư giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm giúp người dân an tâm sản xuất, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ, phát triển các sản phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững...

Sản xuất cam Vàng theo quy trình VietGAP giúp gia đình chị Hoàng Thị Dịu, xã Tân Thành (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Sản xuất cam Vàng theo quy trình VietGAP giúp gia đình chị Hoàng Thị Dịu, xã Tân Thành (Bắc Quang) nâng cao thu nhập.

Nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trồng trọt, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 7.900 ha đất trồng ngô kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều mô hình chuyển đổi có tính lan tỏa, được nhân rộng ra sản xuất đại trà và hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao như: Chuyển đổi cây ngô sang trồng cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả có múi, trồng rau màu, dược liệu, cây hoa phục vụ du lịch, cây cỏ phục vụ chăn nuôi. Điển hình như huyện Đồng Văn chuyển đổi 11 ha ngô sang trồng cây Sâm khoai cho năng suất đạt 350 tạ/ha, giá bán 10.000 đồng/kg, giá trị thu được 350 triệu đồng/ha. Còn huyện Xín Mần chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng 3 ha gừng Trâu, 5 ha củ cải phục vụ xuất khẩu, trồng 65 ha cây mướp đắng rừng gắn với chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa Công ty TNHH Vietnam Misaki, Hợp tác xã Sông Chảy với người dân. Điều này không chỉ giúp người dân ổn định đầu ra cho sản phẩm mà còn tạo nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô như trước đây.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 177.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm với tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 411.000 tấn, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực. Tháng 1 vừa qua, 66 vùng trồng trọt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp mã số, bao gồm 5 đối tượng cây trồng (lúa, cam, chè, thanh long và rau, đậu các loại) với tổng diện tích 926 ha và 1.620 hộ trong vùng trồng được cấp mã số thuộc địa bàn các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, tạo đà cho nông sản vươn xa, bắt kịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản chính ngạch ra thị trường quốc tế.

Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên đã tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm trồng trọt của tỉnh. Năm 2023, giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/ha đất canh tác của tỉnh đạt 62 triệu đồng, đạt 104,2% so với năm 2022. Đặc biệt, tại huyện Bắc Quang, giá trị thu hoạch bình quân/ha đất canh tác cây hàng năm đạt 73 triệu đồng, tăng gần 1 triệu đồng/ha so với năm 2021.

Nối tiếp kết quả trên, tỉnh ta đang tập trung phát triển sản phẩm cây trồng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng, đặc sản có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh trên thị trường như: Cây lúa, dược liệu, cây ăn quả có múi. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ trong các liên kết chuỗi, tư vấn và tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra. Mặt khác, mở rộng sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phấn đấu nâng giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân/đơn vị diện tích đất canh tác năm 2024 lên 63 triệu đồng.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202403/gia-tang-gia-tri-nganh-trong-trot-7b83b26/