Giá sắt thép trong nước đầu năm dự báo không tăng đột biến

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), cho rằng lực kéo từ lĩnh vực bất động sản, phân khúc tiêu thụ khoảng 60 - 65% nhu cầu sắt thép trong nước, được kỳ vọng dần 'thoát khỏi đáy' và bắt đầu phục hồi từ quý II/2024, sẽ là nhân tố chính hỗ trợ giá. Cho nên, nhìn chung, giá sắt thép trong nước vào những tháng đầu năm cũng sẽ tốt hơn giai đoạn trước, tuy đà tăng không đột biến.

Giá sắt thép trong nước trong thời gian qua đang cùng chiều với xu hướng quốc tế. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá sắt thép trong nước và thế giới từ tháng 11/2023 đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng thị trường sắt thép đã khởi sắc và giá cũng có xu hướng tăng rõ rệt kể từ tháng 11/2023 đến nay. Riêng hai tháng cuối năm 2023, giá sắt thép thế giới đã tăng khoảng 17%, thậm chí có thời điểm còn thiết lập mức đỉnh cao nhất trong vòng hơn 6 tháng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2024 đến nay, đà tăng của giá sắt thép đã chững lại, thậm chí có thời điểm đi xuống khi đánh mất từ 5 - 7% giá trị.

Hiện giá quặng sắt giao dịch liên thông với Sở Singapore dao động trên 130 USD/tấn, cao hơn giai đoạn đầu tháng 11/2023 khoảng 8%. Giá thép cuộn HRC Trung Quốc ở mức trên dưới 4.000 USD/tấn, tăng gần 5% trong hơn hai tháng qua. Thép thanh xây dựng ở mức giá thấp hơn một chút, khoảng 3.800 USD/tấn.

Trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô tại Trung Quốc liên tục tăng cao vào cuối năm 2023, các doanh nghiệp thép trong nước cũng đã có 5 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp kể từ ngày 21/11/2023, chấm dứt chuỗi giảm giá 19 lần. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 7/1, các doanh nghiệp sản xuất đã tăng giá bán thêm 150.000 - 370.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng (tùy từng thương hiệu, chủng loại)...

Nhìn một cách tổng thể, theo tôi, giá sắt thép trong nước trong thời gian qua đang cùng chiều với xu hướng quốc tế, dần đi lên từ mức đáy 3 năm mặc dù có một số độ trễ nhất định.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong mấy tháng qua?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Thứ nhất, đà tăng mạnh của giá sắt thép giai đoạn hai tháng cuối năm 2023, theo tôi xuất phát từ một vài tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia tiêu thụ hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc. Quốc gia này đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp nhằm vực dậy ngành bất động sản, vốn có mối quan hệ mật thiết tới tiêu thụ sắt thép. Tâm lý tích cực góp phần củng cố cho hoạt động sản xuất và các kỳ vọng về bối cảnh nhu cầu sớm khởi sắc.

Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ trên thực tế lại chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của thị trường, nên giá sắt thép thế giới mới có chiều hướng đi xuống kể từ đầu năm đến nay. Tính đến hết tháng 11, sản xuất thép toàn cầu ghi nhận tháng giảm thứ 8 liên tiếp. Xuất khẩu thép Trung Quốc, phản ánh tiêu thụ trên thế giới giảm 3,5% trong tháng 12 so với tháng 11/2023. Bối cảnh kinh tế cũng gặp nhiều rào cản. Chi phí vay ở mức cao tại Mỹ, châu Âu có thể được duy trì trong khoảng thời gian lâu hơn. Tăng trưởng của Trung Quốc trong quý IV thấp hơn kỳ vọng của thị trường, trong khi doanh số bán nhà tiếp tục lao dốc. Tất cả các yếu tố bất lợi này đã hạn chế đà tăng của giá sắt thép.

Thứ hai, khi xét thị trường trong nước, tôi nhìn thấy bức tranh có vẻ tích cực hơn khi cả kênh tiêu thụ nội địa và xuất nhập khẩu đều ghi nhận đà khởi sắc nên đã tạo nên diễn biến tăng giá trong thời gian qua.

Điều này một phần là thành quả bước đầu từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, việc thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn cuối năm, cùng với hoạt động sản xuất công nghiệp khác, cũng góp phần đem lại hiệu ứng tốt cho giá sắt thép.

PV: Trong những tháng đầu năm 2024, dự báo giá sắt thép trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, giá sắt thép thế giới sẽ duy trì ở mức ổn định trong tháng đầu năm nay do hoạt động sản xuất và tiêu thụ thường khá yếu trước giai đoạn châu Á bước vào kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên đán. Các áp lực tăng trưởng tại Trung Quốc từ lĩnh vực bất động sản hay hoạt động sản xuất suy giảm tại Mỹ và châu Âu vẫn sẽ tạo ra sức ép nhất định cho giá.

Đối với thị trường trong nước, tôi kỳ vọng xu hướng cũng tương tự. Đà tăng có thể tạm thời chững lại trong tháng đầu năm 2024 khi đây chưa phải là mùa tiêu thụ cao điểm. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực từ giá thép thế giới sẽ giúp thép trong nước hưởng lợi. Quan trọng hơn, lực kéo từ lĩnh vực bất động sản, phân khúc tiêu thụ khoảng 60 - 65% nhu cầu sắt thép trong nước, được kỳ vọng dần “thoát khỏi đáy” và bắt đầu phục hồi từ quý II/2024, sẽ là nhân tố chính hỗ trợ giá.

Trong trường hợp này, tôi cho rằng giá thép xây dựng có thể lên mức 15 triệu đồng/tấn vào khoảng quý II năm nay. Cho nên, nhìn chung, giá sắt thép trong nước vào những tháng đầu năm nay cũng sẽ tốt hơn giai đoạn trước tuy đà tăng không đột biến.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-sat-thep-trong-nuoc-dau-nam-du-bao-khong-tang-dot-bien-143903.html