Giá lúa tăng kỉ lục, nông dân Tiền Giang ồ ạt gieo sạ vụ Thu đông

Vụ Hè Thu này, giá lúa tăng cao ở mức kỉ lục trong 20 năm qua, nên vừa thu hoạch lúa xong, rất nhiều nông dân các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang ồ ạt gieo sạ vụ lúa Thu đông, không tuân thủ chủ trương cắt vụ để tránh hạn mặn.

Vụ lúa Hè Thu năm nay, với diễn biến thị trường có nhiều đột biến, nông dân tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi do trúng giá. Sau khi thu hoạch, trung bình người trồng lúa lãi gần 40 triệu đồng/ha. Do đó, dù UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương cắt vụ lúa Thu Đông ở các huyện phía Đông (tức vùng ngọt hóa Gò Công) để tránh hạn mặn xâm nhập gây thiệt hại vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, song hiện nay có nhiều hộ dân khu vực này vẫn xuống giống gieo sạ lúa vụ tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân xã Long Chánh, Thị xã Gò Công cho biết, người dân ở đây sống nhờ vào trồng lúa nên tranh thủ xuống giống, thu hoạch sớm bán giá cao: “Ở đây, nông dân sạ lại nhiều, nhà tôi sạ hơn 5 ngày rồi. Đất tại đây hơi lầy nên dân sạ giống 5451, giống này cứng cây, không bị ngã và bán có giá hơn. Tỉnh có chủ trương cắt vụ nhưng dân không chịu vì làm một năm có 3 vụ lúa, lúa này nếu có đủ nước thì năng suất cũng cao”.

Vừa thu hoạch vụ lúa Hè thu, nông dân khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương làm đất gieo sạ vụ Thu đông

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chỉ riêng vùng ngọt hóa Gò Công, nông dân đã xuống giống trên 7.200ha lúa Thu Đông; trong đó, tập trung nhiều ở huyện Gò Công Tây gần 6.000 ha, huyện Gò Công Đông 230 ha, Thị xã Gò Công 1.200 ha...

Trước thực trạng nông dân bất chấp rủi ro, không tuân thủ khuyến cáo cắt vụ của UBND tỉnh, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương chỉ tuyên truyền, vận động chứ không có biện pháp nào ngăn cản. Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Vụ Thu Đông dù tuyên truyền, vận động cắt vụ nhưng vẫn có một số diện tích nông dân xuống giống. Giải pháp chỉ tiếp tục tuyên truyền, vận động chứ hiện không có biện pháp chế tài nào đối với hộ sản xuất. Các xã hiện vẫn tiếp tục vận động, hiện nay có khó khăn là giá tăng đột biến. Năm rồi vụ Thu đông vẫn gieo sạ hơn 200 ha và không có thiệt hại”.

Nông dân huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang gieo sạ lúa Thu đông

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, tình hình mặn xâm nhập mùa khô 2023 - 2024 tương đương với năm 2015 - 2016 hoặc có thể như năm 2019 - 2020. Tổng lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5% - 10%, trong tháng 10 lượng mưa sẽ giảm dần. Mùa mưa sẽ kết thúc vào nửa cuối tháng 10-2023 và không có mưa trái mùa như những năm trước. Do đó, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn. Nếu gieo sạ vụ lúa Thu đông thời điểm này thì cuối tháng 11, đầu tháng 12-2023 mới thu hoạch. Khi gieo sạ vụ lúa Đông xuân thì tháng 3-2024 mới có thể thu hoạch có nguy cơ bị thiệt hại do xâm nhập mặn đến sớm.

Đối vối các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang khi nước mặn xâm nhập sâu, khi cống Xuân Hòa (tại huyện Chợ Gạo) đóng thì nước mặn từ sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre sẽ lấn sang, nguy cơ gây thiếu nước ngọt cho sản xuất. Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, do làm tốt công tác trích trữ nước nên vài năm gần đây, vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh đều đủ lượng nước, nhưng năm nay chưa lường trước được.

Nhiều diện tích lúa Thu đông gieo sạ sớm để thu hoạch bán giá cao

“Về thủy lợi thì vụ này, nước yên tâm, chỉ sợ dân làm tiếp, vụ lúa Đông Xuân mình hơi lo. Ngay từ tháng 12 là nhồi nước trữ, còn dự báo có chính xác hay không, từ tháng 10 mới biết năm nay mặn sớm hay trễ. Năm vừa rồi, vụ lúa Đông Xuân dư nước, tụi tôi còn tháo ra cho nông dân thu hoạch mà. Thủy lợi thì tinh thần nước có bao nhiêu thì mình khai thác phục vụ cho nhân dân sản xuất. Theo tôi, nếu chỉ có huyện Gò Công Tây sạ lúa thì không ngại, chỉ sợ huyện Gò Công Đông vì họ xuống giống trễ. Trách nhiệm mình là ngăn không cho mặn xâm nhập, lấy nước ngọt tối đa”, ông Đỗ Thành Sơn thông tin.

Lãi cao là điều người trồng lúa luôn mong mỏi, song người dân nên tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn, không nên vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến vụ lúa chính trong năm - vụ Đông Xuân khi hạn mặn có khả năng đến sớm, có thể gây thiệt hại cho chính người trồng.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/gia-lua-tang-ki-luc-nong-dan-tien-giang-o-at-gieo-sa-vu-thu-dong-post1045347.vov