Gia Lai: Trời nắng như đổ lửa, dân làng Hnap tổ chức lễ cầu mưa

Sáng 10/4, dân làng Hnap (xã KDang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cùng nhau đến khu vực giọt nước của làng để tổ chức Lễ cầu mưa theo nghi thức truyền thống với mong muốn mùa mưa đến sớm, cây cối tươi tốt, vụ mùa bội thu.

Lễ cầu mưa là nghi lễ đặc trưng, quan trọng đối với cộng đồng cư dân làm nông nghiệp, phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Do vậy, thường vào trung tuần tháng 4 hàng năm, dân làng trong cộng đồng người Bahnar thuộc khu vực phía Đông của tỉnh Gia Lai lại cùng nhau quây quần, chuẩn bị các lễ vật, dọn vệ sinh cùng các món ăn truyền thống để tổ chức Lễ cầu mưa. Đây cũng là nghi lễ độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đa dạng của dân làng nơi đây.

Làng Hnap nơi diễn ra nghi lễ cầu mưa trong động đồng làng của người Bahnar.

Với sự thay đổi trong đời sống xã hội hiện đại, phương thức sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa nên các nghi lễ truyền thống dần mai một theo thời gian và không còn được người Bahnar tại huyện Đăk Đoa tổ chức vào mỗi năm.

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Đăk Đoa cùng phối hợp với UBND xã KDang hỗ trợ kinh phí cho người dân làng Hnap tiến hành phục dựng nghi Lễ cầu mưa theo nghi thức truyền thống.

Các già và dân lang vui múa xoang tai Lễ cầu mưa.

Theo lời các già tại làng Hnap, theo phong tục truyền thống, sau nhiều tháng khô hạn, trời trở nên oi bức, đồng ruộng khô khát, con bò không còn cỏ để ăn thì dân làng sẽ cùng nhau gom góp lễ vật để chuẩn bị cho Lễ cầu mưa.

Với các lễ vật gồm gà, lợn, cơm lam do được dân làng chuẩn bị, thay mặt cho cộng đồng, già làng và những người có uy tín trong cộng đồng đến cạnh khu vực giọt nước của làng, trên tay cầm lễ vật cùng khấn, gọi các vị thần núi (Yang Kông), thần nước (Yang Đak)… cùng về xem dân làng tổ chức nghi lễ, để che chở cho người dân có sức khỏe, lao động sản xuất ngày tốt hơn. Cầu mong các vị thần tiếp tục mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm…

Các phụ nữ cùng nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống với những quả mít non.

Sau khi nghi thức chính diễn ra, các già làng cùng mang lễ vật đến tạ các vị thần ở cạnh giọt nước hướng về cánh đồng nơi mà dân làng luôn mong đợi vụ mùa tươi tốt, lúa về đầy kho. Chung với già làng, các thanh niên nam nữ cùng đông đảo bà con tập trung nhảy múa, uống rượu ghè và thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương.

Những người đàn ông thì ra sức làm các món ăn từ gà, heo do dân làng đóng góp.

Thông qua nghi lễ truyền thống, nhiều dân làng đã hiểu rõ hơn về Lễ cầu mưa đã từng diễn ra trong cộng đồng làng và cùng nhau ra sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Bahnar.

Vui mừng với nghi lễ diễn ra và được đông đảo dân làng tham dự, bà Đặng Thị Hoài, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, cho biết: Người Bahnar ở vùng đất này có nhiều lễ hội truyền thống như: lễ ăn trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, cúng giọt nước… Ngày nay, nhiều lễ hội đã bị mai một, trong đó có lễ mừng lúa mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp hết sức độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng. Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Thời gian đến, Huyện sẽ tiếp tục tiến hành phục dựng các nghi lễ khác góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa trong cộng đồng Bahnar tại Gia Lai.

Cơm lam món ăn không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống tại Tây Nguyên.

Các cô gái Bahnar trong trang phục truyền thống lấy nước đưa về nơi tổ chức nghi lễ cầu mưa.

Các khách mời được già làng mơi uống rượu cần sau khi hoàn tất các nghi lễ quan trọng.

Các thiếu nữ vui mừng khi làng mình đông vui trong nghi lễ truyền thống.

Minh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-troi-nang-nhu-do-lua-dan-lang-hnap-to-chuc-le-cau-mua-post291182.html