Gia Lai tăng cường phòng chống cháy rừng cao điểm mùa khô

Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng đã và đang ngày đêm túc trực, triển khai phương án, sẵn sàng chủ động ứng phó với 'giặc lửa'.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 600.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 478.749 ha, rừng trồng 155.522 ha và rừng trồng chưa thành rừng 14.000 ha. Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các điểm cháy, tránh để xảy ra cháy lớn, lây lan nhanh, Hạt Kiểm lâm các huyện và đơn vị chủ rừng trên địa bàn đã đồng bộ các biện pháp phòng, chống cháy. Đồng thời, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng của tỉnh Gia Lai…

Tuyên truyền, vân động người dân ký cam kết an toàn lửa rừng, thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR.

Ngay từ đầu mùa khô đến nay, để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Gia Lai đã công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, chủ động thực hiện tốt công tác PCCCR. Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để… Chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã chủ động tham mưu, trình UBND huyện ban hành các văn bản triển khai công tác PCCCR; đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng và bố trí lực lượng trực 24/24 tại các điểm nóng. Phân vùng các diện tích rừng dễ cháy và rất dễ cháy, qua đó phân công bố trí lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng nhằm kịp thời ngăn chặn, tham gia chữa cháy rừng kip thời khi xảy ra cháy…

Các đơn vị chủ rừng đang ngày đêm túc trực, triển khai phương án, sẵn sàng chủ động ứng phó với "giặc lửa".

Ông Đào Duy Tuấn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ, cho biết: “Trên địa bàn huyện có hơn 50.000 ha rừng, nhiều tháng nay trên địa bàn không có mưa, nhiệt độ tăng cao khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao. Diện tích rừng trồng tập trung lớn, vật liệu cháy nhiều cùng với ý thức của một số người dân còn hạn chế trong việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

“Trước những diễn biến bất thường của thời tiết năm 2024, đơn vị đã chủ động tham mưu, trình UBND huyện ban hành các văn bản triển khai công tác PCCCR; đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR và bố trí lực lượng trực 24/24 tại các điểm nóng. Phân vùng các diện tích rừng dễ cháy và rất dễ cháy, qua đó phân công bố trí lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng nhằm kịp thời ngăn chặn, tham gia chữa cháy rừng kip thời khi xảy ra cháy…”.

Theo ông Lê Thái Hùng – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, xác định việc phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu mùa khô đến nay, Ban đã dốc toàn bộ lực lượng để tuần tra, ngăn chặn cháy rừng trên địa bàn.

“Nhằm giảm nguy cơ cháy rừng, từ đầu mùa khô, đơn vị đã chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng thực hiện tốt việc tổ chức đốt thực bì có kiểm soát ngày đêm tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt là ở các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Hàng năm đơn vị luôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết an toàn lửa rừng, thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và PCCCR. Và tăng cường tuần tra, kiểm soát, trực 24/24, đơn vị cũng phối hợp với các tổ nhận khoán tuyên truyền về công tác PCCCR”, ông Hùng thông tin.

Tương tự, huyện Kông Chro cũng là địa phương dễ xảy ra cháy rừng bởi thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng vào cuộc nhằm chung tay quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Minh Sự - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa cho biết: Công ty rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, trực 24/24 tại các khu vực trọng điểm cháy; quản lý chặt chẽ việc đốt dọn nương rẫy. Đồng thời, Tổ chức tuyên truyền và cho các hộ dân có nương rẫy giáp với rừng ký cam kết thông qua các buổi họp làng. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR.

Tương tự, ông Nguyễn Tất Thành - Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thông tin: Đơn vị được giao quản lý hơn 9.000ha (trong đó: TP.Pleiku hơn 1.850 ha, Chư Păh gần 7.170 ha, Ia Grai hơn 64 ha, Đăk Đoa hơn 1,5ha). Hàng năm, đơn vị phối hợp với Chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động người dân canh tác nương rẫy giáp ranh với rừng để bà con thực hiện tốt công tác QLBVR – PCCCR; triển khai làm hơn 67 km đường ranh cản lửa; đốt trước có điều khiển 131,1km; đóng biển cảnh báo lửa rừng tại các lối ra vào rừng; phát đốt giảm vật liệu cháy…Nhờ đó, công tác PCCCR trong thời gian qua tương đối tốt, không xảy ra vụ cháy nào.

Để chủ động trong công tác PCCCR, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, cộng đồng, hộ nhận khoán... quản lý chặt chẽ việc đốt thực bì để sản xuất nương rẫy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; nghiêm cấm mọi hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng trong những ngày nắng nóng…

Thùy Dung

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/gia-lai-tang-cuong-phong-chong-chay-rung-cao-diem-mua-kho-427124.html