Gia Lai: Nỗ lực vì cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Gia Lai đã khai thác được thế mạnh vốn có, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ xây dựng 28 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng kinh phí gần 3,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tổ chức các phiên chợ, hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với chính sách, hỗ trợ đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Từ đó, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

 Đông đảo du khách và người dân thăm quan, mua sắm tại các gian hàng ở Phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Chư Păh năm 2023

Đông đảo du khách và người dân thăm quan, mua sắm tại các gian hàng ở Phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Chư Păh năm 2023

Đặc biệt, các địa phương đã chủ động triển khai các hoạt động thương mại, tuyên truyền như: Phối hợp với các đơn vị xây dựng các điểm bán hàng Việt, những sản phẩm OCOP tại các huyện vùng xa như Krông Pa, Chư Pưh, Đăk Đoa, Chư Păh… để triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối hàng hóa của Gia Lai lên các siêu thị, trung tâm bán hàng lớn.

Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện một trong những nội dung của Dự án 3 Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi , tỉnh Gia Lai đã tổ chức 10 Hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi; 12 lớp tập huấn với 630 học viên.

Đồng thời, các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi thông qua các cơ quan truyền thông, các chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản OCOP cho các hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông tổ chức các hoạt động trải nghiệm kéo sợi bông ngay tại phiên chợ khiến du khách khá thích thú

Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông tổ chức các hoạt động trải nghiệm kéo sợi bông ngay tại phiên chợ khiến du khách khá thích thú

Điển hình là Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) thành lập. Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2022 nhưng Tổ liên kết đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách về nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Jrai.

Chị Niê H’Uyên, Tổ trưởng Tổ liên kết “đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” cho biết: “Trước đây, bà con trong làng chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Từ khi thành lập tổ liên kết, chúng tôi đón được nhiều du khách đến tham quan, được đưa sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác, có thêm thu nhập cho gia đình. Trong thời gian tới, Tổ liên kết sẽ tiếp tục kết nối các nghệ nhân trên địa bàn xã, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm. Đồng thời, các sản phẩm làm ra của bà con được đưa về một mối là Tổ liên kết để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho bà con”.

Chú trọng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hay đơn cử như phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Chư Pah năm 2023 được tổ chức vào đầu tháng 12/2023. Phiên chợ nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Păh cho biết: “Phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 nhằm giới thiệu và quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và các mặt hàng chế biến từ sản phẩm nông nghiệp đã đạt OCOP trên địa bàn huyện đến với người tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”.

 Lớp đào tạo nghề may cho lao động DTTS tại huyện Kbang

Lớp đào tạo nghề may cho lao động DTTS tại huyện Kbang

Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, về việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Gia Lai đã mở 179 lớp học đào tạo nghề cho gần 5.000 học viên là đồng bào DTTS trên địa bàn.

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Năm 2023, các cơ quan, đơn vị tuyển sinh và đào tạo nghề cho 15.297 người, đạt 122,4% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 38,42% năm 2022 lên 40%.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn học nghề nên số lượng lao động người DTTS tham gia học nghề ngày càng đông chiếm hơn 90%. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất; xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 Gia đình chị H’Phim (huyện Đăk Pơ, Gia Lai) xây dựng thương hiệu "Rượu ghè bà Tuyết” để nâng cao giá trị, đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho nhiều hộ gia đình

Gia đình chị H’Phim (huyện Đăk Pơ, Gia Lai) xây dựng thương hiệu "Rượu ghè bà Tuyết” để nâng cao giá trị, đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho nhiều hộ gia đình

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh, trong 2 năm 2022 - 2023, tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cho tỉnh Gia Lai gần 1.479 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là gần 774,3 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp là hơn 704,2 tỷ đồng.

Tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án và các dự án đều đã phát huy hiệu quả ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào DTTS.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-no-luc-vi-cuoc-song-am-no-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post278381.html