Gia Lai hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã trao kinh phí 52 triệu đồng/nghệ nhân, hỗ trợ bốn nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số gồm: A Lip, nghệ nhân chỉnh chiêng (làng Groi Wêt, xã Glar, huyện Đắk Đoa); Rơ Châm Tih, nghệ nhân chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai); Đinh Văn Hmưnh, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng (làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); Rơ Ô Bhung, nghệ nhân thực hành lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng và truyền dạy cồng chiêng (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa).

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih chế tác các nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih chế tác các nhạc cụ dân tộc.

Việc trao kinh phí nhằm ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; đồng thời khuyến khích các nghệ nhân có thêm nhiều hoạt động, sáng tạo trong việc trao truyền văn hóa cho các thế hệ kế cận... Số tiền nêu trên được trích từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giới thiệu giải pháp và công nghệ Israel cho cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Phòng Kinh tế và Thương mại-Đại sứ quán Israel tại Hà Nội vừa tổ chức hội thảo giới thiệu giải pháp và công nghệ Israel cho cây trồng chủ lực tại Tây Nguyên. Đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khác ngoài thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vì các tỉnh Tây Nguyên rất phù hợp để triển khai các giải pháp công nghệ. Trong đó, Đắk Lắk là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Israel giới thiệu các giải pháp công nghệ mà doanh nghiệp, nông dân tỉnh Đắk Lắk có thể áp dụng vào quá trình sản xuất của các thương hiệu về giải pháp tưới tiết kiệm, phân bón hòa tan kết hợp đến từ Israel, như: Metzerplas, Netafim, GAT, ICL, Rivulis.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer mong muốn, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) có hiệu lực vào đầu năm 2024, các doanh nghiệp giữa hai nước sẽ hợp tác hiệu quả hơn nữa. Hiện, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Israel hợp tác với tỉnh Đắk Lắk, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đắk Nông đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột chuyển đổi số của Đắk Nông trong năm 2023. Đối với xã hội số, tỉnh đã, đang đẩy mạnh thực hiện và đạt được kết quả bước đầu trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đánh giá, trong sáu tháng đầu năm 2023, các ngân hàng thương mại đã triển khai ứng dụng hạ tầng và dịch vụ thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết, tích hợp với một số hệ thống khác.

Đến ngày 30/6, đã có một số sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được phát triển. Toàn tỉnh hiện có 84 máy ATM (tăng bốn máy ATM so với đầu năm). Mạng lưới máy chấp nhận thẻ (POS) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có 328 máy (tăng 44 máy so với đầu năm), doanh số thanh toán qua POS trong kỳ ước đạt 96 tỷ đồng. Tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử. Các khoản thu ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch qua ngân hàng ước đạt 1.005 tỷ đồng. Hiện có 100 cơ sở điện lực trên địa bàn chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Có 9/9 cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt...

Thu hoạch chè tại Lâm Đồng.

Thu hoạch chè tại Lâm Đồng.

Giá trị xuất khẩu của Lâm Đồng đạt hơn 595 triệu USD

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, tám tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt hơn 595,4 triệu USD, tăng 0,83% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 64% kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh nghiệp trong nước đạt hơn 365 triệu USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 229,9 triệu USD, giảm 2,78%, chiếm 39% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, như alumin và hydroxit nhôm hơn 482,8 nghìn tấn, đạt giá trị 167,7 triệu USD, tăng 8,2% về lượng, giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ; cà-phê nhân 61,5 nghìn tấn, đạt giá trị hơn 137 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và 18,9% về giá trị; chè chế biến hơn 3 nghìn tấn, đạt 8 triệu USD, giảm 1,8% về lượng, tăng 6,2% về giá trị; rau quả hơn 37,5 nghìn tấn, đạt giá trị 57,8 triệu USD, tăng 100,3% về lượng và 46,8% về giá trị và mặt hàng hoa đạt hơn 47 triệu USD.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-lai-ho-tro-kinh-phi-cho-nghe-nhan-uu-tu-nguoi-dan-toc-thieu-so-post771166.html