Gia Lai: Cồng chiêng vang vọng giữa trung tâm phố núi Pleiku

Trong 2 ngày 13 - 14/4, tại trung tâm TP. Pleiku, 1.000 nghệ nhân trong tỉnh Gia Lai sẽ tham gia trình diễn cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ dân tộc, đan lát, dệt thổ cẩm cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc khác.

Các hoạt động trên nằm trong chương trình Ngày hội văn hóa các DTTS lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Sức sống cội nguồn” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức. 1.000 nghệ nhân DTTS tham gia trình diễn đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai.

Các nghệ nhân nhí thuộc đoàn TP. Pleiku tham gia trình diễn thu hút đông đảo nhân dân và du khách

Nơi diễn ra các sự kiện văn hóa được sắp xếp tập trung tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, từng đoàn được bố trí các vị trí khác nhau, qua đó sẽ tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng với khung cảnh ngôi làng, nhà rông, bến nước và tất cả thành viên sẽ trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt vải, tham gia các trò chơi dân gian khác.

Không gian văn hóa Tây Nguyên được người dân Bahnar tại huyện Đăk Pơ tái hiện với nghề đan lát truyền thống

Ngày hội văn hóa các DTTS năm nay có thêm các hoạt động như: Trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng và các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nhảy bao bố, giã gạo chày đôi…

Ngay trong buổi sáng khai mạc, ngay khi âm vang của cồng chiêng ngân lên giữa trung tâm phố núi Pleiku đã có rất nhiều người dân và du khách gần xa đã cùng nhau đến trải nghiệm các chương trình văn hóa đặc sắc của tỉnh Gia Lai và cũng là cơ hội để tìm hiểu về văn hóa, lối sống của cộng đồng các DTTS đang sinh sống và phát triển tại khu vực Bắc Tây Nguyên.

Các sắc màu văn hóa truyền thống của cộng đồng Tây Nguyên được phô diễn sinh động

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai là hoạt động thường niên, góp phần kết nối tinh thần Đại đoàn kết của các dân tộc trong tỉnh, tạo động lực trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, khát vọng và tình yêu lớn lao đối với di sản quý báu được lưu truyền, bảo tồn đến ngày nay.

Các em nhỏ vui thích khi được trải nghiệm nghề đan lát truyền thống của người DTTS đang được lưu truyền qua các thế hệ trong cộng đồng của người Jrai, Gia Lai

Trong khuôn khổ Ngày hội, các hoạt động như triển lãm ảnh về di dản văn hóa, các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng nông, lâm sản, ẩm thực của địa phương để người dân và du khách tham quan, mua sắm. Cùng với đó, đêm hội giao lưu và gặp gỡ các dân tộc tỉnh Gia Lai thu hút hàng trăm lượt du khách theo dõi, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội góp phần chuyển tải nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại Gia Lai đến các bạn bè trong nước và quốc tế.

Các nhiếp ảnh gia đến từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia sáng tác. Trong số họ có nghệ sĩ đã có nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế về đề tài Tây Nguyên

Du khách và các bạn nhỏ yêu thích sự lạ lẫm trong trang phục lễ hội truyền thống của người Bahnar, huyện Chư Pah

Một góc buôn làng được tái hiện ngay giữa trung tâm phố núi Pleiku

Các dụng cụ được làm từ mây, tre do các nghệ nhân đan và dùng trong cuộc sống thường ngày trong cộng đồng làng

Thế hệ trẻ học tập các nghệ nhân thực hiện kỹ thuật tạc tượng gỗ dân gian

Minh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-cong-chieng-vang-vong-giua-trung-tam-pho-nui-pleiku-post291627.html