Giá gạo xuất khẩu tăng, nông dân được lợi

Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường để ổn định giá gạo trong nước đã khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, kéo theo đó là giá lúa trong nước cũng tăng theo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa hạt dài được thu mua tại ruộng từ 6.650 - 6.750 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với tuần trước), lúa thường từ 6.800 - 6.850 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).

Người trồng lúa khấp khởi

Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho biết vụ thu đông này ông sản xuất 2 ha lúa OM 18, tuy xuống giống mới mấy tuần nhưng đã có thương lái đến đặt cọc mua. "Nói chung năm nay lúa có giá nên thu nhập rất khá. Vụ hè thu vừa qua năng suất lúa của tôi đạt hơn 6 tấn/ha, với giá bán 6.700 đồng/kg, thu lãi gần 40 triệu đồng/ha. Nghe nói giá gạo xuất khẩu đang tăng nên hy vọng khi thu hoạch mùa này thì hiệu quả càng cao" - ông Bé tính toán.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, cho rằng Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc nước này cấm xuất khẩu gạo trắng sẽ tác động đến cả thị trường gạo. "Nguồn cung gạo cho các thị trường nhập khẩu chắc chắn bị tác động, giá gạo sẽ tăng theo quy luật cung - cầu. Ngoài ra, Nga và Ukraine dừng thỏa thuận ngũ cốc có khả năng tác động kép tới thị trường gạo, nhu cầu gạo có thể tăng hơn. Giá gạo của nước ta có thể tăng mạnh nhưng giá lúa tăng không nhiều vì diện tích trồng lúa đã khai thác tối đa, ngành lúa gạo cũng đã tới ngưỡng" - ông Nghiêm phân tích.

An Giang là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm; trong đó xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo/năm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hơn 250 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường đã tạo điều kiện cho giá lúa hiện nay ở An Giang cao, dao động từ 6.700 - 6.900 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân An Giang tăng giá trị từ cây lúa. "Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đang phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại doanh nghiệp cần vùng nguyên liệu thế nào, sản lượng bao nhiêu để từ đó tổ chức sản xuất đạt hiệu quả và xuất khẩu bù vào các nước có nhu cầu, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường" - ông Lâm thông tin.

Còn về phía nông dân, giá lúa cao, cộng với trúng mùa đã giúp họ được tăng lợi nhuận đáng kể sau mùa vụ. Ông Nguyễn Thành An (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) canh tác hơn 1 ha lúa sắp đến ngày thu hoạch. "Hiện nay, giá lúa tại đồng hơn 6.700 đồng/kg, nông dân có lãi nhiều. So với năm rồi, vụ hè thu năm nay, bà con ở địa phương mới thu hoạch, đều trúng mùa lại được giá. Lợi nhuận cao, ai cũng mừng" - ông An phấn khởi nói.

Cũng vui vì giá lúa cao nhưng ông Phan Văn Luận (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) lại lo lắng thời tiết có mưa nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng lúa. "Cả tháng nay, mưa bão nhiều, đúng lúc thu hoạch lúa nên nhiều bà con thu hoạch khó khăn. Lúa ướt nên làm tăng chi phí thu hoạch và ảnh hưởng giá bán lúa. Ai ở vùng này cũng đều vui khi giá lúa cao, chỉ lo thời tiết" - ông Luận chia sẻ.

Giá gạo tăng sẽ góp phần tăng lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân tại đồng bằng sông Cửu LongẢnh: NGỌC TRINH

Cần chiến lược căn cơ

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, phân tích tuy giá lúa cao nhưng Đồng Tháp sẽ không nóng vội tăng diện tích trồng, bởi diện tích sản xuất lúa đang phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, dư địa để tăng diện tích sản xuất lúa theo chuỗi giá trị bền vững còn rất nhiều, khi diện tích này mới đạt 20% so với tổng diện tích sản xuất lúa trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng chương trình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị bền vững để chuẩn bị cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. "Trong thời điểm hiện nay, nông dân đang có cơ hội tăng giá trị của ngành lúa gạo, do các đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, giá cả cũng tốt hơn, nên nông dân có nhiều lợi nhuận hơn. Chúng tôi đang phối hợp Sở Công Thương để nắm rõ các đơn hàng xuất khẩu, các điều kiện nhập khẩu của các nước để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững (bao gồm vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, mã đóng gói...) để khẳng định thị trường. Khi có khách hàng mới, thị trường mới, chúng tôi sẽ có đủ sản phẩm đạt tiêu chuẩn và sẵn sàng xuất ngay" - ông Minh nhấn mạnh.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Theo đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội từ thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Mỹ, các quốc gia khu vực Bắc Mỹ…

"Ngành nông nghiệp nghiêm túc thực hiện công điện trên, chỉ đạo sản xuất chặt chẽ, bảo đảm thắng lợi, lấy thu nhập của người dân làm cơ sở. Những nơi nào sản xuất lúa thuận lợi thì tập trung, chỗ nào không thuận lợi thì chuyển đổi cơ cấu lúa qua thủy sản sẽ có thu nhập tốt hơn. Đây là chiến lược căn cơ, lâu dài chứ không phải dựa theo tình huống nhất thời" - ông Trần Thái Nghiêm phân tích.

Ông Phan Thành Bắc, Giám đốc HTX Sơn Hòa (tỉnh An Giang):

Tranh thủ giá gạo đang cao

Chúng tôi đang thu hoạch lúa hè thu, năng suất tốt từ 7 - 7,5 tấn/ha với giá bán 7.000 - 7.200 đồng/kg (lúa thường), lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Hơn 10 năm qua, chưa bao giờ nông dân trồng lúa có được mức lợi nhuận như vậy nhờ giá lúa tăng (cùng kỳ năm ngoái chỉ 5.600 đồng/kg) và giá phân bón giảm. Tính thêm lợi nhuận vụ đông xuân, nông dân trồng lúa tại đây đã lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/ha và nông dân đang chuẩn bị trồng vụ 3 để tranh thủ giá gạo đang cao.

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Không để mất cơ hội

Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo tăng cao nên doanh nghiệp xuất khẩu trước tiên phải bảo đảm tỉ lệ tồn kho theo quy định để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Đồng thời, nên tranh thủ lúc giá gạo đang cao để xuất khẩu vì có thể Ấn Độ sau khi ổn định tình hình giá gạo trong nước sẽ quay trở lại thị trường, khi đó giá gạo sẽ giảm.

Việt Nam đã có bài học năm 2008, giá gạo tăng rất cao nhưng Việt Nam lại cấm xuất khẩu nên lỡ mất cơ hội. Thực tế, Việt Nam không lo mất an ninh lương thực khi lúa gạo được thu hoạch quanh năm ở khắp các vùng trên cả nước.

Ng.Ánh ghi

VĨNH KỲ - CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/gia-gao-xuat-khau-tang-nong-dan-duoc-loi-20230725214839279.htm