Giá gạo tăng, người kinh doanh chịu nhiều tác động

Việc giá gạo trong nước tăng giá theo gạo xuất khẩu đang khiến đại lý, quán ăn, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến các loại thực phẩm từ gạo gặp nhiều khó khăn. Tại Lào Cai, thị trường kinh doanh các loại gạo cũng bắt đầu có sự thay đổi.

Tại Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung, giá gạo thường ổn định trong thời gian dài bởi nền nông nghiệp luôn sản xuất đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo nguồn cung cho thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, chỉ trong khoảng gần 1 tháng nay, giá gạo có những ngày điều chỉnh tăng 200 – 300 đồng/kg. Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số cửa hàng, đại lý kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại thành phố Lào Cai so với hơn 1 tháng trước, khi nhập gạo về kho, mức giá chênh lệch đã tăng khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, tương đương 2 - 3 triệu đồng/tấn.

 Một số loại gạo đã tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Một số loại gạo đã tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Theo chia sẻ của các tiểu thương buôn bán gạo, giá tăng là do nguồn cung đang bị “bó hẹp”, cộng với giá gạo thế giới đang lên cao kéo theo giá gạo trong nước cũng tăng theo.

 Tùy loại gạo mà mức tăng khác nhau, từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Tùy loại gạo mà mức tăng khác nhau, từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Ông Vũ Ngọc Dung, một tiểu thương kinh doanh gạo tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai cho biết: Giá tăng một phần do giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, kho bãi tăng nhưng phần lớn vẫn do giá gạo thế giới tăng, khiến giá gạo trong nước có sự thay đổi.

Với những khách hàng mua ít thì tăng giá 1.000 – 2.000 đồng người ta không để ý, gạo ngon là được. Thế nhưng, các bếp ăn, các cơ sở chế biến tiêu thụ theo tạ, tấn/ngày thì chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Vũ Ngọc Dung, tiểu thương kinh doanh gạo, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

So với các loại thực phẩm khác, mức tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg gạo là không đáng kể, bởi nhiều loại thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa...) đều thường xuyên có mức thay đổi, điều chỉnh tăng theo từng tuần, từng tháng. So với nhu cầu tiêu thụ hằng ngày thì giá gạo tăng nhẹ không có nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thế nhưng, với các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến thực phẩm lớn thì mức tăng này tạo nhiều áp lực.

 Mỗi kilogam bún tươi đã tăng 1.000 đồng do tác động từ tăng giá gạo nguyên liệu.

Mỗi kilogam bún tươi đã tăng 1.000 đồng do tác động từ tăng giá gạo nguyên liệu.

Tại cơ sở chế biến bún của ông Nguyễn Văn Cơ, phường Lào Cai thì giá gạo nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất bún cũng tăng, nên buộc cơ sở phải tăng giá bán bún. Gạo để làm bún thường là loại gạo nhập từ các tỉnh phía Nam, đây cũng là loại gạo xuất khẩu và đang chịu tác động lớn nhất trong đợt tăng giá này. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá loại gạo này đã tăng thêm 2 triệu đồng/tấn. Vì lẽ đó, so với tháng trước, mỗi kilogam bún tươi đã tăng 1.000 đồng.

Ông Cơ chia sẻ: "Mỗi ngày chúng tôi sản xuất 1 tấn bún tươi. Nếu giá gạo tiếp tục tăng không dừng lại thì rất khó cho cơ sở sản xuất, tăng giá sản phẩm thì khó tiêu thụ, không tăng theo giá gạo thì không đảm bảo lợi nhuận nên chúng tôi rất lo lắng, luôn phải cố gắng làm sao để cân đối, có mức giá hợp lý nhất trong thời điểm này".

Tương tự, tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chế biến từ gạo như các loại bún, phở, bánh hay các quán cơm đều ít nhiều chịu tác động từ việc gạo tăng giá. Hầu như các cửa hàng kinh doanh đang “nghe ngóng” thị trường, cân đối chi phí đầu vào để điều chỉnh mức giá sao cho hợp lý.

Thị trường tự do chưa có nhiều biến động

Nếu như giá gạo nhập vào tại các đại lý đang có sự biến động thì giá gạo tại thị trường tự do (giá gạo sản xuất và lưu hành tại cơ sở kinh doanh nhỏ và giá mua – bán trong Nhân dân) vẫn khá ổn định.

 Giá gạo tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở có mức tiêu thụ lớn.

Giá gạo tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở có mức tiêu thụ lớn.

Bản tin thị trường của ngành nông nghiệp công bố, giá gạo tẻ thường tại thành phố Lào Cai hiện nay ở mức 15.000 đồng/kg, giá thóc tẻ thường là 12.000 đồng/kg; giá gạo Séng cù là 32.000 đồng/kg; tại các địa phương khác, mức giá này cao hơn hoặc thấp hơn vài giá tùy đặc thù của từng địa phương. Nhìn chung, mức giá này vẫn ổn định so với thời gian trước.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, trong vụ xuân, người dân các địa phương vùng thấp gieo cấy gần 10.000 ha lúa, sản lượng đạt 59.493 tấn. Trong vụ mùa, các địa phương vùng cao gieo cấy hơn 24.000 ha lúa (bao gồm cả diện tích lúa 1 vụ vùng cao và lúa vụ mùa vùng thấp). Lúa 1 vụ vùng cao hiện đang cho thu hoạch; lúa vụ mùa vùng thấp sinh trưởng và phát triển tốt.

Có thể nói, sản lượng lúa, gạo sản xuất trong tỉnh đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bởi vậy, giá gạo sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay không có nhiều biến động.

 Người tiêu dùng nhỏ lẻ chưa chịu nhiều tác động từ việc tăng giá gạo. Ảnh minh họa.

Người tiêu dùng nhỏ lẻ chưa chịu nhiều tác động từ việc tăng giá gạo. Ảnh minh họa.

Vì lí do đó, giá gạo tăng chủ yếu từ các cửa hàng, đại lý nhập gạo với các sản phẩm từ địa phương khác. Thị trường tiêu thụ các loại gạo này chủ yếu tại các đại lý kinh doanh lớn, các bếp ăn công nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm... nên chịu tác động từ giá gạo. Còn tại các cửa hàng nhỏ, các tiểu thương chủ yếu mua gạo từ người dân địa phương nên giá không có nhiều biến động.

Giá gạo cũng có sự thay đổi chủ yếu tại thành phố Lào Cai. Còn tại các địa phương khác, đặc biệt là khu vực nông thôn, người dân chủ yếu tự sản xuất và tiêu thụ, lượng gạo hàng hóa luân chuyển không nhiều nên thị trường ở những khu vực này không chịu tác động từ việc tăng giá gạo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/gia-gao-tang-nguoi-kinh-doanh-chiu-nhieu-tac-dong-post373238.html