Gia đình - Nơi vun trồng cho nhân cách con trẻ

Nhiều năm qua, có một nhà báo đã dành thời gian viết sách chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình cho các bậc phụ huynh, thông qua thực tiễn đồng hành cùng con giành học bổng của những trường đại học hàng đầu thế giới. Những cuốn sách là trải lòng của tác giả với những trăn trở về cách dạy con nên người, biết nỗ lực để chinh phục ước mơ.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, HanoiTV xin được gửi đến độc giả bài viết của nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu về góc nhìn gia đình với việc hình thành tư duy và nhân cách của trẻ thông qua chính câu chuyện của gia đình chị - một gia đình Hà Nội.

Một nghiên cứu công bố từ Viện Y tế quốc gia Mỹ cách đây ít năm đã chỉ ra rằng: việc nuôi dạy rất quan trọng tới sự phát triển của trẻ em, nhưng đặc điểm đời sống gia đình và trải nghiệm của trẻ trong gia đình có một tầm quan trọng lớn hơn. Theo đó, dù cho ta có cung cấp cho trẻ một sự chăm sóc hoàn hảo tới mấy thì cũng không thể nào tốt như trẻ được nuôi dạy từ chính cha mẹ ruột thịt của mình. (1)

Đó chính là vì sự gắn kết tình cảm, cũng như những giá trị truyền thống gia đình.

Tất nhiên tôi hay các bạn cho dù chưa hề đọc được nghiên cứu này, cũng hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó. Là vì nó khá phổ quát trong xã hội.

Vậy gia đình có thể giúp các con những gì trong việc hình thành nhân cách? Một nghiên cứu rất thú vị của tiến sĩ Ryan Niemiec, nhà tâm lý học nổi tiếng cho thấy gia đình có thể có tác động tới 8 đặc điểm tính cách rất cần cho trẻ em và sự phát triển của chúng sau này. Đó bao gồm sự đồng cảm, tính tò mò, khả năng hòa đồng, khả năng tự hồi phục sau các tổn thương, nhận thức về bản thân, sự chân thật, tháo vát và khả năng sáng tạo.(2)

Về tư duy, rõ ràng điều rất cần với trẻ là hình thành và phát triển tư duy logic- tư duy phản biện. Đây là những bậc phát triển cao nhất của tư duy con người, rất cần cho những ai muốn thực sự học hỏi, mở mang tri thức và không ngừng tự học trong suốt cuộc đời với sự mẫn tuệ và giác ngộ.

Nói về lý thuyết thì như vậy, nhưng đi vào thực tế sẽ có muôn hình vạn trạng về cách làm mà theo tôi, nhiều gia đình ở Việt Nam đã và đang làm rất tốt - từ truyền thống và nền tảng vững chắc của chính mình, với những đặc điểm riêng.

Trong gia đình tôi, ông bà, cha mẹ đều có ảnh hưởng rất sâu sắc lên tính cách và sự phát triển của từng người con.

Đặc tính chung của gia đình tôi là tinh thần cởi mở và hướng ngoại. Nó có thể bắt đầu từ ông nội tôi - một nhà giáo cùng thời với các giáo sư Dương Quảng Hàm, Hoàng Ngọc Phách… Đây là thế hệ các nhà giáo đầu tiên dạy Việt ngữ tại Việt Nam.

Ông nội tôi sinh ra trong một gia đình gốc nhà nho. Cụ nội tôi là nhà nho nhưng chỉ là hàn sĩ, nên kiếm sống thêm bằng nghề thợ mộc. Còn cụ bà thì làm ruộng và trồng rau màu. Gia đình rất nề nếp vì bà nội của ông tôi là một phụ nữ góa chồng từ còn trẻ, ở vậy nuôi con mà nổi tiếng là người nhân hậu và giữ Lễ nghĩa trong làng nên được vua ban 4 chữ “Tiết hạnh khả phong”.

Ông nội tôi học rất giỏi và thi đậu vào trường Hậu Bổ vốn là trường dạy các sĩ tử làm quan thời thuộc Pháp, khi tốt nghiệp có thể làm chức thấp nhất ban đầu là tri huyện, sau đó lên tới Tổng đốc, Tuần phủ hay cao hơn. Nhưng ông tôi suy nghĩ rất kỹ, bàn bạc với bạn bè và về nhà thưa chuyện với cụ nội tôi rồi thống nhất là dù học trường Hậu Bổ ra nhưng vẫn sẽ đi dạy học, chứ không làm quan. Là vì ông tôi mê dạy học và không ưa quan trường. Mà cụ tôi cũng đồng ý ngay vì cho rằng làm thầy dạy học mới là có phúc.

Ông nội tôi vì thoát ly và trở thành nhà giáo giỏi ở Hà Nội và Hải Phòng. Bà nội tôi giỏi kinh doanh và mở mang kinh thương từ Hà Nội - Hải Phòng, Sài Gòn, Phnom Penh… Gia đình có hệ thống làm ăn và nhà cửa tại các vùng này. Ông bà tôi tạo cho gia đình đời sống ổn định và một nền tảng vững vàng về học vấn. Tất cả các con của ông bà tôi đều được ăn học đàng hoàng, dù gặp nhiều biến cố của thời cuộc. Và tinh thần hiếu học, cởi mở, hướng ngoại là phổ biến trong đại gia đình tôi.

Vì thế, mặc dù ông tôi mất rất sớm khi bố tôi mới 9 tuổi, sau đó gia đình phải trải qua các biến cố lớn như tản cư vào năm 1946, khi bắt đầu kháng Pháp, cải cách ruộng đất… khiến cho tài sản mất sạch, người thân ly tán, nhưng nếp nhà học hành vẫn khiến cho bố tôi và các anh chị em ruột của ông sau khi tham gia kháng chiến về vẫn ráng học hết đại học.

Bố tôi trưởng thành từ một y tá quân đội tham gia trận Điện Biên Phủ, về lại Hà Nội thi đậu Đại học Y khoa Hà Nội, học chính quy. Sáu năm sau ông về tiếp quản Thủ đô và trở thành bác sĩ.

Thời đó đi ra nước ngoài là rất khó khăn. Nhưng bố tôi rất ham học ngoại ngữ. 50 tuổi ông vẫn học tiếng Pháp thành thạo để thi đậu đi làm chuyên gia y tế tại châu Phi và sau đó đi thăm thú hầu hết các quốc gia Đông Âu ( do hồi đó chưa được phép qua Tây Âu).

Khi ra nước ngoài, bố tôi rất chịu khó đi bảo tàng, thư viện, nghe hòa nhạc và mang về rất nhiều sách vở, băng đĩa, tranh ảnh cho các con có thể học hỏi và mở mang. Trong nhà tôi khi nào cũng có vài tủ sách to, nghe nhạc cổ điển dù chỉ nghe qua những phương tiện đơn sơ thời đó. Bố tôi biết chơi đàn, biết hát nên thỉnh thoảng cũng cùng các con ca hát để vui vầy và giải trí.

Bố tôi, vì thế cho tôi đi học ngoại ngữ từ rất bé, khi chỉ học lớp 3, trong bối cảnh những năm hậu chiến rất đói khổ, khó khăn và hầu hết mọi người chỉ được học ngoại ngữ khi đã vào cấp 3. Người dạy ngoại ngữ cho tôi khi đó là ông Hoàng Kỳ, con trai của thi sĩ Hoàng Cầm, một người rất thông thái và uyên bác.

Bố tôi cũng gửi tôi vào một lớp học thêm Toán cho trẻ con tiểu học chỉ có 6 đứa nhỏ theo học, đều là con cái các bạn của bố tôi. Hồi đó hầu như không ai cho con đi học thêm từ bé như vậy. Nhưng cụ kén thày giáo dạy tôi là một thạc sỹ ,giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội hẳn hoi tên là Dũng. Thầy Dũng khi đó chỉ chưa đầy 30 tuổi, vừa đi du học nước ngoài về nên đầu óc rất cởi mở, và truyền cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng về khám phá, học hành, về việc cần nhìn ra thế giới, cần nỗ lực tiến bộ… Mặc dù khi đó Việt Nam vẫn đang bị cấm vận. Những gì bố tôi, hay các thày giáo đầu đời dạy cho tôi đã giúp tôi rất nhiều sau này.

Từ những nền tảng đó, gia đình riêng của tôi cũng là một gia đình mang tính cởi mở và hướng ngoại, cho dù vẫn rất tôn trọng và giữ gìn nề nếp, văn hóa truyền thống. Chồng tôi cũng là một kỹ sư du học ở Đông Âu về.

Tài sản lớn nhất trong nhà riêng của chúng tôi xưa nay là âm nhạc và sách vở. Chúng tôi có một bộ sưu tập rất lớn các loại băng gốc, đĩa CD gốc và đĩa than nhạc cổ điển thế giới mọi thời kỳ. Đồng thời chúng tôi cũng có rất nhiều sách với mọi đề tài, từ lịch sử, tâm lý, triết học, nghệ thuật, văn chương, quản trị kinh doanh, y khoa, ngoại ngữ.

Chúng tôi cho con học tiếng Anh từ rất nhỏ, cho đọc sách, nghe nhạc, xem phim, cho đi du lịch trong và ngoài nước khi có thể. Và quan trọng là gia đình tôi rèn các con nếp tự lập, tự học, tự làm mọi việc bằng cái đầu và đôi tay của mình, tự đi bằng đôi chân của mình chứ không lo hộ và làm hộ con như cách nhiều cha mẹ vẫn làm .

Chúng tôi muốn các con hiểu tự giải quyết các vấn đề của mình vì cha mẹ không thể đi theo con được mãi, rằng quan trọng nhất là cần học hỏi và hiểu biết cái mới, cái lạ, cái hay. Và khi các con còn trẻ thì đó là cơ hội vàng để học, để khám phá, tìm tòi, chinh phục tri thức. Bởi vì quy luật của đời sống là trẻ thì phải đi tới những chân trời mới, khi nào lớn tuổi có thể về quê để sống bình an và vui vẻ những ngày cuối đời, gọi là lá rụng về cội.

Tất cả những điều này, tôi nghĩ không chỉ có trong một gia đình tôi, mà có hàng ngàn hàng vạn gia đình ở xứ ta cũng có đời sống sinh động như vậy, tuy có thể khác nhau. Nhưng nếu nhìn lại, nó sẽ là một dòng chảy.

Khi nền tảng gia đình tạo ra một dòng chảy mạnh mẽ, theo một hướng nào đó tùy chọn, thì chúng ta sẽ có tác động rất lớn tới sự hình thành tư duy và phát triển tính cách của con. Ví dụ trong gia đình tôi đó là tính cởi mở và hướng ngoại. Định hướng này sẽ giúp cho các con thiên về hướng hòa đồng, vui vẻ, dễ tiếp xúc, không sợ cái mới cái lạ, không ngại va chạm và tổn thương để từ đó trưởng thành. Đồng thời bọn trẻ cũng cần trở nên chân thật và có khả năng sáng tạo, tháo vát.

Các con cũng cần quan tâm tới việc hình thành và phát triển tư duy logic - tư duy phản biện. Vì ai muốn xa nhà, đi học hỏi, tìm hiểu, khám phá, làm việc, sinh sống ở xứ khác thì rất cần hình thành và trau dồi các tư duy và tính cách đó.

Tất nhiên đây chỉ là một hướng trong rất nhiều thiên hướng mà các gia đình có thể chọn lựa, dựa vào nền tảng và truyền thống của mình. Miễn làm sao cho con cái hình thành tư duy, phát triển tính cách sau này giúp chúng biết sống tốt với bản thân, với gia đình, với mọi người xung quanh, và hữu ích cho xã hội.

Những gì mà chúng ta - với vai trò là ông bà cha mẹ, làm hàng ngày như chăm sóc con, trò chuyện với con, chơi với con, đọc sách tìm hiểu cùng con… và sau đó là khuyến khích chúng mở mang, khám phá, chinh phục thế giới, chấp nhận thất bại, đứng dậy sau mỗi khó khăn, tự lập trong cuộc sống…

Những việc nho nhỏ đó khi được làm đều đặn, kiên nhẫn mỗi ngày rất có tác dụng cho trẻ sau này. Bởi nó thể hiện sự gắn kết bền vững của GIA ĐÌNH, qua nhiều thế hệ, với một truyền thống và tình cảm yêu thương tha thiết với nhau.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Hậu

Đồ họa: Thanh Nga

Chú thích:

(1) https://www.nih.gov/news-events/news-releases/family-characteristics-have-more-influence-child-development-does-experience-child-care

(2) https://www.rootsofaction.com/character-traits-for-kids/

Tin liên quan Gia đình là nền tảng văn hóa ứng xử ngoài xã hội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/gia-dinh---noi-vun-trong-cho-nhan-cach-con-tre-d201529.html