Gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên

Mất sức lao động, bệnh tật đeo bám, di truyền qua nhiều thế hệ, kinh tế khó khăn… là hoàn cảnh chung của nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin và bảo trợ xã hội (NKT, NNDC/dioxin và BTXH) huyện Cam Lộ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực chăm lo cho các nạn nhân bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ và nhiều việc làm thiết thực giúp gia đình NNDC/dioxin vượt khó vươn lên.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Hoàng Ngọc Thuyên, ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ luôn nỗ lực trong cuộc sống để chăm lo cho 3 người con bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: H.T

Gia đình anh Hoàng Ngọc Thuyên (sinh năm 1970) và chị Hoàng Thị Yến (sinh năm 1976), ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ có 3 người con thì cả 3 đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC/dioxin) dẫn đến thiểu năng trí tuệ, bại liệt.

Sinh ra và lớn lên ở Cam Lộ, anh Thuyên không biết mình đã nhiễm CĐDC từ bao giờ cho đến khi lần lượt sinh ra những đứa con mang dị dạng về hình hài, trí tuệ.

Thế nhưng, không đầu hàng số phận, vợ chồng anh Thuyên luôn động viên nhau nỗ lực và dốc hết sức mình để gây dựng kinh tế gia đình.

Từ việc mạnh dạn vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển các mô hình sản xuất với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh tưởng chừng như không thể vượt qua được, đến nay, sau bao năm tích cóp, dẫu vẫn còn nhiều lo toan nhưng cuộc sống gia đình anh chị đã dần ổn định hơn khi đã thoát khỏi hộ nghèo nhờ mô hình xay xát lúa tại nhà.

“Con trai lớn nhất của vợ chồng tôi năm nay 28 tuổi, con trai thứ 2 năm nay 25 tuổi và con gái út 15 tuổi. Từ khi sinh ra, các cháu đã bị di chứng của CĐDC, không nói, không cười và không thể bước đi trên đôi chân của mình như bạn bè đồng trang lứa. Mọi sinh hoạt cá nhân của các cháu đều không thể tự chủ được. Mặc dù cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ của Hội NKT, NNDC/dioxin và BTXH huyện, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng với sự nỗ lực vươn lên, vợ chồng tôi đã luôn động viên nhau lao động, sản xuất và phát triển kinh tế gia đình để làm điểm tựa cho các con”, anh Thuyên chia sẻ.

Còn đối với bà Lê Thị Sinh (sinh năm 1961) ở thôn Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, 36 năm qua, bà chưa bao giờ ngừng hy vọng đến một ngày con trai út của bà là anh Đào Duy Thành (sinh năm 1987), bị bại não phải nằm liệt giường do nhiễm CĐDC sẽ hồi phục được sức khỏe để trở thành người bình thường như bao người khác. Đó cũng chính là niềm tin, sức mạnh để bà Sinh nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên từng ngày.

Đặc biệt, vừa qua, được sự hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện của Hội NKT, NNDC/dioxin và BTXH huyện, gia đình bà Sinh đã được tặng 8 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản, từng bước thoát nghèo.

Bà Sinh cho biết: “Bản thân tôi đã già yếu, lại mắc nhiều căn bệnh mãn tính nhưng hằng ngày phải chăm sóc con trai bị nhiễm CĐDC, bại não, nằm liệt giường thật vất vả. Năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ bò giống sinh sản để tạo nguồn sinh kế ổn định hơn, đến nay bò phát triển tốt và đã sinh được 1 con bê. Đây thực sự là niềm động viên để tôi có thêm điều kiện chăm lo cho đứa con trai bệnh tật, kém may mắn của mình”.

Chủ tịch Hội NKT, NNDC/ dioxin và BTXH huyện Cam Lộ Nguyễn Xuân Biểu cho biết: “Huyện Cam Lộ hiện có 1.878 người là NNDC, trong đó có 52 hộ có từ 2 - 4 nạn nhân trong một gia đình. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã di truyền đến thế hệ thứ 4. Đa số hoàn cảnh gia đình các NNDC đều vô cùng khó khăn, bi đát do hậu quả, di chứng nặng nề, dai dẳng mà chất độc da cam gây ra. Thấu hiểu được những mất mát, thiệt thòi mà những NNDC/ dioxin và gia đình họ gánh chịu, những năm qua, các cấp hội đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh; phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì nạn nhân CĐDC” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các hội viên. Cùng với đó, hội còn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ hội viên”.

Kết quả, 5 năm qua, Hội NKT, NNDC/dioxin và BTXH huyện Cam Lộ đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho 8 hộ có NNDC/ dioxin; hỗ trợ sinh kế, trao tặng hàng trăm con bò, gà, vịt giống và hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh buôn bán nhỏ cho các gia đình nạn nhân; cung cấp hàng trăm thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: bếp ga, nồi cơm điện, quạt…

Hỗ trợ 45 xe lăn, 3 xe lắc, 25 xe đạp… cho các NNDC. Không chỉ chú trọng giúp đỡ hội viên về đời sống vật chất, tinh thần, Hội NKT, NNDC/ dioxin và BTXH huyện còn làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi cho các NNDC, chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giám định người phơi nhiễm CĐDC được hưởng chế độ.

Những hoạt động thiết thực của hội cùng với sự chung tay của các ban, ngành đoàn thể và toàn xã hội đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các gia đình nạn nhân có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

“Cùng với việc phát triển tổ chức và hoạt động của hội ngày càng vững mạnh, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm chắc tình hình hội viên, huy động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các NNDC. Tăng cường vận động nguồn lực, phối hợp tốt với các ngành chức năng để tranh thủ và tạo điều kiện thực hiện tốt các chính sách, chăm sóc, giúp đỡ cho NNDC. Bằng những việc làm thiết thực, Hội NKT, NNDC/dioxin và BTXH huyện đang từng bước khẳng định là mái nhà chung, nơi kết nối những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của cộng đồng đối với các NNDC/dioxin trên địa bàn, kịp thời động viên gia đình các NNDC/dioxin không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Xuân Biểu khẳng định.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/gia-dinh-nan-nhan-chat-doc-da-cam-vuot-kho-vuon-len/178968.htm