Giá của thương hiệu

Cách đây vài hôm, chị Trần Lệ Hằng (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) vào một cửa hàng quần áo thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) mua áo sơ-mi nhãn hiệu Việt Tiến với mức giá gần 600 nghìn đồng/chiếc.

Cách đây vài hôm, chị Trần Lệ Hằng (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) vào một cửa hàng quần áo thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) mua áo sơ-mi nhãn hiệu Việt Tiến với mức giá gần 600 nghìn đồng/chiếc.

Khi thanh toán, nhân viên bán hàng lưu ý: “Hàng đã mua, khách không được trả lại. Chỉ được đổi hàng khi xác định đó là lỗi của nhà sản xuất”. Những tưởng mua áo của hãng có uy tín, chị Hằng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ngay lần ngâm giặt đầu tiên, chiếc áo mầu xanh đã phai mầu loang lổ. Thất vọng, chị Hằng gọi điện đến cửa hàng để phản ánh. Thay vì nhận được lời đề nghị hợp tác đổi hàng thì nhân viên ở đây khẳng định chắc như “đinh đóng cột”, do cách thức ngâm giặt của chị Hằng không đúng khiến mầu áo bị phai, ố, còn sản phẩm hoàn toàn chính hãng. Nếu cần có thể gọi điện thoại vào đường dây nóng của Công ty cổ phần May Việt Tiến để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như để được hỗ trợ khách hàng. Qua nhiều lần trao đổi qua lại, nhân viên May Việt Tiến hướng dẫn cách kiểm tra chất lượng chiếc áo, cuối cùng chị Hằng nhận được câu trả lời chính thức: “Đây là sản phẩm nhái Việt Tiến, không phải hàng chính hãng”. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng vẫn tìm đủ lý do, kiên quyết không chịu đổi trả. Chán ngán, chị Hằng tự nhủ lần sau sẽ không mua sản phẩm ở những nơi không phải cửa hàng phân phối chính hãng.

Trường hợp của chị Hằng không phải chuyện hiếm, bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra nhưng người dân không phản ánh tới các cơ quan chức năng để vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trên thị trường có nhiều cửa hàng, biển hiệu đề may Viettien, May 10, Nhà Bè,... nhưng thực chất chỉ là giả, nhái các cửa hàng, biển hiệu chính hãng của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, hiện có khoảng 65 đến 70% số cửa hàng, biển hiệu trên thị trường làm giả, nhái thương hiệu, nhãn hiệu của May Việt Tiến, 45 đến 50% của May 10,... Tương tự, nhiều năm qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các đơn vị thành viên đã tốn không biết bao nhiêu công sức, làm công văn giấy tờ, đi kiểm tra thực tế để phát hiện các cửa hàng nhái nhãn hiệu, thương hiệu Petrolimex. Mặc dù Petrolimex đã có nhiều công văn gửi đến bên vi phạm yêu cầu dỡ bỏ, thậm chí, gửi văn bản đến các cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc xử lý nhưng tình trạng nêu trên vẫn không giảm mà còn tiếp diễn với mức độ tinh vi hơn. Việc cố tình làm giả, nhái thương hiệu, nhãn hiệu của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường giúp các đối tượng trục lợi bán được nhiều hàng hơn, thu lợi nhiều hơn so với sản phẩm không có thương hiệu. Việc vi phạm này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và xâm hại trực tiếp quyền lợi người tiêu dùng. Vì thế, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường, chính quyền sở tại cần tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Có như vậy mới góp phần quan trọng và tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

MINH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44388802-gia-cua-thuong-hieu.html