Già cậy viện dưỡng lão

'Trẻ cậy cha, già cậy con' - câu nói ấy dường như không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội hiện nay khi con cháu và cha mẹ quá khác biệt về lối sống, giờ giấc sinh hoạt, làm việc, ứng xử… khiến người già bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Bài 1: Nỗi cô đơn của những người già

Khi tuổi già ập đến cũng là lúc phải đối mặt với rất nhiều loại bệnh, như cao huyết áp, xương khớp, hô hấp... khiến người già luôn sống trong tâm trạng bất an, “nhỡ có mệnh hệ gì thì không ai biết!”.

Nhiều người cao tuổi đang cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình (Ảnh minh họa).

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh…

Bà Nguyễn Thị Hồng (85 tuổi), cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu, hiện sống phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, tuy có 4 người con (3 gái, 1 trai) nhưng bà vẫn phải sống một mình trong căn phòng tầng 4 khu tập thể cũ.

Ba người con gái của bà sống ở Hà Nội đều có cuộc sống riêng nên thỉnh thoảng mới ghé thăm mẹ. Vợ chồng cậu con trai út bận kinh doanh nhà hàng và chăm sóc hai cháu nội bên Đức.

Bà Hồng sống lủi thủi một mình cho đến một ngày bị đột quỵ, phải nằm một chỗ. Cậu út nghe tin mẹ bệnh nặng nhưng bận làm ăn xa, không thể về nước để thường xuyên túc trực bên mẹ nên đã thuê một người giúp việc để chăm sóc mẹ...

Hoàn cảnh của ông Hoàng Văn Sơn, (75 tuổi, ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) khá éo le khi vợ mất sớm. Anh con trai đón bố lên ở cùng để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, ông không hợp lối sống thành thị khi không quen biết ai, không hàng xóm láng giềng, con cháu thì đi làm, đi học đến tối mới về nên ăn tối rất muộn.

Ở cùng nhà nhưng mỗi người một mối quan tâm riêng, ông cảm thấy lạc lõng. Ông buồn rầu, nhiều lần muốn vào viện dưỡng lão sống nhưng con trai không đồng ý vì sợ mang tiếng với họ hàng, làng xóm.

Những trường hợp như bà Hồng, ông Sơn ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, nỗi cô đơn của người già ngày càng có xu hướng tăng ở Việt Nam.

“Vì đặc thù công việc, nhiều gia đình, con cái khi trưởng thành lên thành phố làm việc và sinh sống, tách khỏi bố mẹ. Thậm chí, có những gia đình, con cái ở nước ngoài. Con cháu và bố mẹ già quá khác biệt lối sống, cách ăn uống, ứng xử... nên không có sự đồng thuận, dẫn đến mất kết nối. Người già không thích ở với con và con cũng không thích ở với bố mẹ đang là một thực tế”, ông Cừ cho hay.

Từ thực tế trên, để người già không còn cô đơn, lệ thuộc vào con cái, ông Trương Xuân Cừ đưa ra lời khuyên, mỗi người cần tạo lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe ngay từ khi còn trẻ; đồng thời chủ động về kinh tế để không lệ thuộc con, cháu khi tuổi xế chiều.

Việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão khó có thể đánh đồng với việc “bất hiếu” vì hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác (Ảnh minh họa).

Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là “bất hiếu”?

Để người già bớt cô đơn và được nâng cao chất lượng cuộc sống thì việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão sẽ là xu thế tất yếu như các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề phát triển các viện dưỡng lão cũng như việc đưa người cao tuổi vào viện dưỡng lão hiện vẫn còn nhiều trở ngại.

Một trong những khó khăn lớn nhất chính là định kiến xã hội. Trong khi dân số đang già đi, cộng đồng đang thay đổi và người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, thì vẫn còn có sự kỳ thị về việc đưa bố mẹ vào các viện dưỡng lão, đồng nghĩa với việc con cái không quan tâm đến mong muốn của cha mẹ.

Với truyền thống gia đình ở Việt Nam, nhiều người quan niệm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là hành động bất hiếu và vô ơn. Áp lực dư luận xã hội với vấn đề này cũng khá nặng nề, trở thành rào cản vô hình ngăn con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão hoặc ngăn cản cha mẹ muốn vào.

“Mặc dù tôi đã nhiều lần nói với các con để mẹ vào nhà dưỡng lão cho tiện chăm sóc và có bạn bè nhưng lại bị chính các con phản đối. Vấn đề không hẳn là tài chính mà do các con tôi còn e ngại dư luận xã hội cho rằng như vậy là bất hiếu”, bà Hồng chia sẻ.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão khó có thể đánh đồng với việc “bất hiếu” vì hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác. Điều con cái nên làm là tôn trọng ý muốn của cha mẹ và tạo cho ông bà môi trường sống tốt nhất.

“Nếu con cái không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo sự an toàn cho cha mẹ, việc đưa họ vào viện dưỡng lão là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi nơi đó có trang thiết bị và điều dưỡng chuyên nghiệp”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Nghiên cứu xã hội học cho rằng: “Nhiều gia đình điều kiện kinh tế không tốt, nhà cửa chật chội, rồi bận bịu công việc mà “nhốt” các cụ trong những căn nhà cao chót vót, chả bao giờ được đặt chân xuống đường ra ngoài thì để các cụ vào viện dưỡng lão là giải pháp hữu hiệu.

Ở đó các cụ được sinh hoạt, vui chơi, giải trí… đầy đủ. Chúng ta nên cởi mở và có cái nhìn tích cực hơn trong việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Việc làm này không đánh giá những người con này là bất hiếu mà nó thể hiện sự phát triển của xã hội hiện đại.

Vậy nên, trong trường hợp phải đưa cha mẹ đến trung tâm thì nhiệm vụ của con cái là cần phải có những giải pháp tâm lý như thường xuyên thăm hỏi, động viên, đưa đón các cụ về thăm nhà là biện pháp tốt”.

"Vào viện dưỡng lão, tại đây có y tá, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản sẽ chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ tới sinh hoạt cá nhân cho các cụ. Ngoài ra, họ còn được thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ, được tham gia các hoạt động thể chất, tinh thần… Các cụ sẽ vui hơn vì có người bầu bạn, được trò chuyện chia sẻ tâm sự, giải tỏa vướng mắc tâm lý”, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nêu quan điểm.

Một kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố năm 2022 cho thấy, cứ 2,2 người cao tuổi thì có 1 người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình mở rộng.

Còn theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống. Trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và nữ đứng thứ 2, tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.

Dự báo đến năm 2034, trung bình 3 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người cao tuổi và đến năm 2049 chỉ còn 2 người trong độ tuổi lao động hỗ trợ 1 người cao tuổi.

Trong đó, khoảng 70% số người cao tuổi sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, đa số có bệnh cần được điều trị. Số người cao tuổi cần chăm sóc sẽ tăng từ 2,5 triệu người năm 2019 lên hơn 10 triệu người vào năm 2049.

Thùy Hương

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/gia-cay-vien-duong-lao-20240323152431559.htm