Giá cà phê tăng nóng từng ngày

Năm 2023, đặc biệt là từ cuối năm 2023 đến nay, giá nguyên liệu cà phê ở thị trường thế giới lẫn trong nước liên tục tăng cao. Thời điểm hiện tại, giá cà phê thô trong nước đã vượt 76 ngàn đồng/kg và là giá cao nhất trong lịch sử.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng làm khó nhà sản xuất cà phê

Giá nguyên liệu tăng mang lại niềm vui cho người trồng và một phần nào đó là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, song những đơn vị sản xuất, cung ứng hàng nội địa thì tình hình ngược lại.

* Đà tăng giá dự báo còn kéo dài

Tăng nóng là xu hướng chung của giá cà phê thế giới. Thời gian qua, giá cà phê tại châu Âu, Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao, mặc dù sau dự báo thời tiết các vùng trồng cà phê chính ở miền nam Brasil sắp có mưa với lượng mưa rất đáng kể, làm giảm mối lo khô hạn.

Ngoài ra, còn có mối lo thiếu hụt nguồn cung vì sự ách tắc của tuyến hàng hải Á - Âu qua Biển Đỏ. Bên cạnh đó, thông tin nông dân các nước sản xuất ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục găm hàng do kỳ vọng giá cà phê tại London sẽ tăng cao hơn nữa khi không có sự hỗ trợ của bất kỳ nguồn cung nào.

Trong khi thị trường nội địa chật vật thì thị trường xuất khẩu có khởi sắc hơn. Theo Tổng cục Hải quan, trong kỳ nửa đầu tháng 1-2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 96 ngàn tấn, trị giá 283 triệu USD, tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Tại Việt Nam, trong ngày 27-1-2024, giá cà phê khu vực Tây nguyên tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 76 ngàn đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê Lâm Đồng tăng 1,1 ngàn đồng/kg, lên mức 76 ngàn đồng/kg; tại Gia Lai tăng 1 ngàn đồng/kg, lên mức 76,4 ngàn đồng/kg; Đắk Lắk tăng 1 ngàn đồng/kg, lên mức 76,5 ngàn đồng; Đắk Nông là 76,7 ngàn đồng/kg… Chỉ tính riêng trong tuần qua, giá cà phê trong nước đã tăng đến 5,7 ngàn đồng/kg, đưa mức giá lên cao chưa từng có trong lịch sử.

Đến thời điểm này, khu vực Tây nguyên đã gần như hoàn tất việc thu hoạch cà phê của niên vụ 2023-2024. Trong năm 2024, tình hình nguồn cung tại Việt Nam được dự báo sẽ chưa cải thiện, tác động đến giá cà phê cả trong nước lẫn thị trường quốc tế.

Theo Hiệp hội Cà phê - cacao Việt Nam (Vicofa), dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024) giảm 10% so với niên vụ trước đó, xuống còn 1,6 triệu tấn. Điều này là do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, cây ăn trái.

Cùng với giảm sản lượng, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới cũng ở mức thấp nhất qua các năm. Nếu như ở niên vụ 2022-2023, lượng tồn kho chuyển từ vụ trước đó khoảng 160 ngàn tấn thì năm nay con số này chưa bằng một nửa, khoảng 58 ngàn tấn.

Những số liệu nói trên cho thấy thị trường cà phê trong nước cũng như thế giới sẽ tiếp tục biến động. Các chuyên gia dự báo giá cà phê niên vụ 2023-2024 sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, bởi đây là lúc các nhà rang xay trên thế giới mua tồn kho và nhu cầu sẽ càng tăng, vì vậy giá cà phê khó có cơ hội đi xuống.

* DN sản xuất gặp khó

Giá nguyên liệu cà phê tăng cao đang gây khó khăn cho DN, nhất là những DN quy mô nhỏ và vừa, DN chuyên sản xuất, tiêu thụ nội địa.

Giám đốc Công ty TNHH Laven Group (H.Thống Nhất) Đinh Thành Thiện chia sẻ, chỉ trong 1 năm, giá cà phê nguyên liệu đã tăng lên gấp đôi. DN của ông chuyên cung ứng các sản phẩm cà phê cho thị trường Đồng Nai và một số tỉnh, thành lân cận gặp rất nhiều khó khăn. Với các DN nhỏ, việc dự báo thị trường chưa có nhiều thông tin, bên cạnh đó nguồn vốn mỏng nên mặc dù có thể đoán được giá cà phê nguyên liệu tăng nhưng cũng chỉ có thể mua dự trữ được từ 2-3 tháng.

Cũng theo ông Thiện, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá thành bán ra lại không thể tăng một sớm một chiều.

“Giá nguyên liệu tăng cao, nhà sản xuất sản phẩm thành phẩm cà phê bị ăn mòn hết lợi nhuận, bởi giá đầu ra 6 tháng mới tăng một lần. Bên cạnh đó, các cửa hàng cà phê, đối tác tiêu thụ chính cũng thưa vắng khách hàng hơn, từ đó mà nhu cầu sử dụng sản phẩm của chúng tôi bị sụt giảm theo” - ông Thiện cho hay.

Tương tự, bà Lê Thị Hải, chủ Cơ sở sản xuất, chế biến cà phê Hải Việt (H.Vĩnh Cửu, thương hiệu Havi Coffee) nói, cứ mỗi ngày trôi qua, nhìn bảng giá nguyên liệu rất sốt ruột. Doanh số kinh doanh tính ra ổn nhưng chi phí sản xuất lại tăng nhanh khiến cho đơn vị gặp nhiều khó khăn. Qua 20 năm chế biến cà phê, đây là lần đầu tiên bà Hải thấy thị trường đầu vào biến động tăng mạnh như vậy. So với các đơn vị khác, cũng may mắn là Havi Coffee đã tích trữ được một số lượng đáng kể nguyên liệu nên vẫn còn có thể “cầm cự” được.

“Chúng tôi tích lũy được nguyên liệu để có thể trang trải trước 6 tháng chứ cứ để đến gần cuối năm như thường lệ thì bài toán hiện giờ chưa biết như thế nào. Giá cà phê tăng giúp nông dân bớt chặt bỏ diện tích, nhưng tăng dựng đứng lại làm khó nhà sản xuất, nhất là các đơn vị chuyên làm hàng tiêu thụ nội địa” - bà Hải khẳng định.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/gia-ca-phe-tang-nong-tung-ngay-33b5821/