Ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội

Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Hà Nội có 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 19 đến 26-4), trên địa bàn thành phố có thêm 15 trường hợp mắc ho gà tại 11 quận, huyện, tăng 14 ca so với tuần trước đó.

Bệnh nhi mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Khánh Chi

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Trong số 21 quận, huyện ghi nhận ca bệnh ho gà từ đầu năm đến nay, Thạch Thất có nhiều ca nhất (7); tiếp đến là Cầu Giấy, Hà Đông và Phúc Thọ - mỗi nơi có 5 ca; Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Trì - mỗi nơi có 4 ca; Đông Anh và Long Biên - mỗi nơi có 3 ca; các quận, huyện còn lại mỗi nơi có 1-2 ca.

Theo CDC Hà Nội, ca bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).

Ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi trùng, dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em hay người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người lớn bị ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt khiến lầm tưởng là những đợt ho thông thường và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà.

Cũng theo CDC Hà Nội, hiện, thành phố bảo đảm có đủ vắc xin ho gà để tiêm phòng cho trẻ nhỏ. Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, người dân nên đưa trẻ đi tiêm. Do ho gà là bệnh không có miễn dịch trọn đời nên cần duy trì tiêm mũi nhắc vào các mốc thời gian nhất định, cụ thể: Khi trẻ 4-7 tuổi, 9-15 tuổi; phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai. Người lớn cần duy trì tiêm nhắc vắc xin ho gà mỗi 10 năm để cơ thể tiếp tục hình thành kháng thể bảo vệ đối với căn bệnh này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ghi-nhan-60-ca-mac-ho-ga-tai-21-quan-huyen-tren-dia-ban-ha-noi-664747.html