Ghé thăm 'rốn nước' Yên Dũng

Mãi cho đến lúc xe qua khỏi địa phận thành phố Bắc Giang và đi vào địa phận huyện Yên Dũng thì anh bạn Thế Phương, một đồng nghiệp ở báo Bắc Giang mới bật mí cho chúng tôi biết: Cả ngày hôm nay mời các anh về thăm 'rốn nước' Yên Dũng.

Một khúc sông Thương đoạn chảy qua Yên Dũng.

Vùng đất huyền tích

Mãi cho đến lúc xe qua khỏi địa phận thành phố Bắc Giang và đi vào địa phận huyện Yên Dũng thì anh bạn Thế Phương, một đồng nghiệp ở báo Bắc Giang mới bật mí cho chúng tôi biết: Cả ngày hôm nay mời các anh về thăm “rốn nước” Yên Dũng.

Chúng tôi về huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) theo cách “không được báo trước” như thế, âu cũng là cách mà Thế Phương gây hứng khởi cho cả đoàn.

Không được báo trước mà lại đúng vào sáng chủ nhật nên chúng tôi có chút phân vân, phân vân vì chỉ lo về tới huyện lại chẳng gặp được những người mình cần cho công việc, và cũng vì sợ ngày nghỉ thì liệu mình có thu thập được tư liệu gì không. Thoáng nhận thấy vẻ phân vân của chúng tôi, nhưng anh Thế Phương ngồi ghế trước xe cứ đủng đỉnh nói, kiểu như muốn tạo thêm sự bất ngờ cho chúng tôi.

Mà cũng bất ngờ thật. Đường phố thị trấn Nham Biền, huyện lỵ huyện Yên Dũng vắng vẻ, xe cộ và người qua lại thưa thớt. Chủ nhật có khác, có nhà còn đóng cửa im ỉm. Có nhà dù có hé cửa nhưng chẳng thấy ai vào ra. Vậy mà khi xe chở chúng tôi vừa dừng trước cổng khu liên cơ của các cơ quan huyện Yên Dũng thì ngay lập tức được anh Trần Đức Hoàn - Giám đốc Trung tâm VHTT&DL huyện Yên Dũng đứng chờ. Lại thấy cô Minh Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm và cô Lê Thị Khơi - cán bộ của Trung tâm đứng bên. Chúng tôi chỉ kịp xuống xe bắt tay rồi lại lục tục lên xe. Xe của Trung tâm chạy trước dẫn đường, còn xe chúng tôi một mực theo sau, nhưng không rõ là được dẫn đến đâu.

Xe leo lên dốc núi, tuy đây là núi không cao lắm nhưng leo dốc rồi lại chạy giữa rừng cây thông chợt thấy trong lòng thanh thản lạ. Nhoáng cái đã tới sân Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Trước mắt chúng tôi là một ngôi chùa khá mới, cao và rộng. Từ đây nhìn ra thấy khung cảnh rất nên thơ và thanh bình. Bấy giờ cô Minh Hiền mới cho hay: “Mời đoàn vào lễ chùa. Cô Lê Thị Khơi sẽ là người giới thiệu về chùa cho đoàn chúng ta”.

Huyện Yên Dũng giáp tỉnh Bắc Ninh với con sông Cầu nên thơ làm ranh giới; giáp với tỉnh Hải Dương với sông Lục Nam và sông Thương làm ranh giới.

Với địa bàn sông nước bao bọc như vậy nên từ xa xưa mảnh đất này từng được ví là “rốn nước” của tỉnh Bắc Giang. Nhưng chính nơi gọi là đất trũng ấy lại uy nghi dãy núi Nham Biền.

Huyền tích kể lại rằng: Dãy núi Nham Biền chạy ngang huyện theo hướng đông tây, tương truyền chính là dãy núi thiêng. Sự linh thiêng ấy còn cho hay rằng có đàn chim phượng hoàng gồm 100 con bay về đây để tìm đất định đô. Không may dãy Nham Biền chỉ có 99 ngọn núi nên trong đàn chim Phượng Hoàng có một con chim không tìm được núi để đậu. Đó là con chim Phượng Hoàng đầu đàn. Chim đầu đàn đã vỗ cánh bay đi kéo theo cả 99 con còn lại. Vùng đất thiêng ấy đã không thành đất định đô nhưng suốt quá trình khai phá sông nước núi non để lập làng ấy đã để lại nhiều dấu tích oai hùng.

Nghe nói chuyện đất trũng lại lắm sông của Yên Dũng tôi bèn như một “thầy địa lý” mà góp: “Đất trũng theo phong thủy là đất tụ thủy. Tụ thủy nghĩa là đón nhận nhiều tài lộc. Lại có dãy núi Nham Biền nổi lên đã cho thấy đây là vùng đất thiêng. Đất và người tuy sống bình yên nhưng dạn dày và dũng cảm”. Lời nói góp của tôi được mọi người cùng ngồi nghe chuyện có chiều gật gù.

Thời Trần huyện Yên Dũng có tên là Cổ Dũng, đến thời Lê thì danh xưng Yên Dũng mới chính thức và được biết đến tận ngày nay.

Theo như lời giới thiệu của cô Lê Thị Khơi thì ngôi chùa này được gọi là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Một ngôi chùa nằm trong quần thể Trúc Lâm Yên Tử. Tôi ngắt lời xen ngang: “Vậy chùa này là sự tiếp nối thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông lập ra. Một thiền phái của người Việt và thuần Việt”. Thấy tôi nói vậy thì mọi người cùng tán đồng bằng tiếng cười vui.

Cô Khơi hướng dẫn chúng tôi “làm thủ tục” khấn lễ trong chùa xong thì cho hay: “Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng này được khởi công vào năm 2011. Thiền viện chính là sự tiếp nối tư tưởng của dòng phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền thuần Việt do chính vua Trần Nhân Tông (Phật hoàng Trần Nhân Tông) khai sáng”.

Theo như Tiến sĩ văn học Trần Đức Hoàn bổ sung thì trên mảnh đất Yên Dũng này có nhiều đình chùa khá linh thiêng và nổi tiếng, đó là: Địa bàn huyện Yên Dũng còn có chùa Kem (Sùng Nham Tự) ở xã Nham Sơn. Đây là một ngôi chùa nằm trong hệ thống di tích quốc gia đặc biệt cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Có đền Thanh Nhàn ở thị trấn Nham Biền thờ Thái sư Trần Thủ độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Đền Thanh Nhàn tuy mới được phục dựng nhưng từ lâu vị trí này đã được người dân lập đền thờ hai vị “khai quốc” của Nhà Trần.

Được biết ở xã Đồng Việt còn có ngôi đền Cổ Phao nổi bật ngay ngã ba Phượng Nhãn, nới sông Lục Nam hòa vào sông Thương. Ngôi đền này thờ một vị tướng nông dân đã có nhiều công lớn giúp quan quân nhà Trần đánh quân Nguyên Mông xâm lược hồi thế kỷ 13 trên dòng Lục Đầu oai hùng.

Góc chùa Vĩnh Nghiêm.

Non nước hữu tình

Nhắc đến Bắc Giang, không thể không nói đến vẻ đẹp văn hóa tâm linh của nơi đây, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Cô Minh Hiền bổ sung: “Chùa Vĩnh Nghiêm có tên gọi khác là chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự), chùa được mệnh danh là “danh lam cổ tự” tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên.

Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ 13, được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Chỉ tiếc là sáng nay đoàn ta không sang bờ bắc sông Thương nên không tới lễ chùa Vĩnh Nghiêm được”. Nghe cô Minh Hiền nói vậy chúng tôi cứ tiếc và “thầm trách” con sông Thương đã vô tình chia huyện Yên Dũng thành hai phần nam - bắc.

Anh Trần Đức Hoàn cho biết thêm: “Chùa Vĩnh Nghiêm có các khối kiến trúc chính: Cổng Tam quan, tòa Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, nhà Tổ đệ nhị, hai dãy hành lang đông - tây, khu vườn tháp. Năm 1964 chùa được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện tại, chùa lưu giữ nhiều hiện vật cổ như hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, tranh, bia đá”.

Được biết, chùa Vĩnh Nghiêm nổi bật nhất là hơn 3.000 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian…

Những bản mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, chữ rất sắc nét, có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới. Ngày 9/9/2013, Bộ VHTTDL đã công nhận Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 23/12/2015, chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

Rồi anh Trần Đức Hoàn háo hức cho hay: Cùng với Côn Sơn - Yên Tử, với Yên Tử hiện chùa Vĩnh Nghiêm đang hoàn tất hồ sơ để trình lên UNESCO sớm công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hy vọng ước nguyện sẽ sớm tới”.

Sắp tới, khi cầu Đồng Việt một cây cầu dây văng lớn nhất tỉnh Bắc Giang bắc qua sông Thương được hoàn thành sẽ nối thông đường bộ tới Hải Dương và Quảng Ninh. Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ được kết nối với hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh trong vùng Bắc Giang - Quảng Ninh như: Đền Kiếp Bạc, non thiêng Yên Tử. Và cùng với sự cấu thành của hệ thống các di tích văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng hứa hẹn một tương lai tươi đẹp nơi vùng quê Yên Dũng.

Thiên nhiên hay là tạo hóa đã cho huyện Yên Dũng hội đủ cả ba dòng sông mà tỉnh Bắc Giang có. Đó là con sông Lục Nam chảy mạn phía đông, đồng thời cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Là con sông Cầu nước chảy lơ thơ, ranh giới giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Và đó là con sông thi ca mang một cái tên vô cùng “suy ngẫm” - sông Thương. Chỉ hiềm một nỗi là khi sông Thương chảy vào đất Yên Dũng lại chia huyện thành hai phần cách trở.

Bấy giờ anh bạn Thế Phương mới tủm tỉm cười giảng giải cho chúng tôi về cái danh “rốn nước”, thì ra phần phía nam của huyện Yên Dũng cũng chính là dòng Lục Đầu nổi tiếng (Lục Đầu giang). Thì ra danh xưng “rốn nước” bắt nguồn từ chính 6 dòng sông cùng hợp lưu ở nơi đây - nơi thiên nhiên “ban” cho sự tụ thủy linh thiêng và rất phong thủy.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ghe-tham-ron-nuoc-yen-dung-10278264.html