Ghé thăm những hòn đảo kỳ lạ dành cho... loài vật

Đảo thiên đường dành cho mèo, đảo hoang của ngựa, cho thỏ, thậm chí cho cua đỏ... là những nơi lý thú mà không phải ai cũng có dịp ghé thăm.

Hòn đảo kỳ lạ, số mèo gấp 5 lần số người

Nếu là một người yêu thú cưng, chắc chắn du khách không thể bỏ qua Aoshima, nơi được mệnh danh là “đảo mèo thiên đường” tại Nhật Bản.

Aoshima là một hòn đảo thuộc thành phố Ozu của tỉnh Ehime, nằm ngay sát các bãi biển nghỉ mát phía nam thành phố Miyazaki, nơi người dân bao đời nay sống bằng nghề chài lưới đánh bắt cá. Đảo có cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn gần như nguyên vẹn với những bãi cát trắng bao quanh bốn bề và trung tâm là khu rừng cận nhiệt đới.

Những con mèo đầu tiên được các ngư dân đưa lên đảo để bắt chuột ở những khu cảng đầy tàu thuyền chở cá. Nhờ điều kiện sống lý tưởng và được cưng chiều, qua thời gian, số lượng mèo ở đây càng phát triển.

Theo số liệu hiện nay, trên đảo Aoshima chỉ còn chưa tới 20 người sinh sống, chủ yếu là người già và trung niên. Trong khi đó, số lượng mèo được ước tính là hơn 100.

Khi thuyền cập vào bến, du khách sẽ nhìn thấy những chú mèo lao xuống đường ngay cạnh cảng. Hầu hết trong số chúng có màu vàng cam hoặc xám.

Vì đảo không có nhà hàng hay máy bán hàng tự động, du khách cần tự chuẩn bị đồ ăn thức uống, mang theo ô và một số túi nhựa đựng rác. Ngoài ra, hãy cho mèo ăn tại một khu vực được chỉ định gần "trung tâm cộng đồng" và không rải đồ ăn quanh bến tàu.

Lưu ý rằng đảo Aoshima không có nhà nghỉ hoặc khách sạn nên du khách sẽ không thể nghỉ qua đêm trên đảo. Nếu muốn trọ lại, bạn có thể chọn nơi nghỉ chân ở gần bến cảng Nagahama như Ryoutei hay nhà trọ Wataroku.

Đảo của những chú thỏ xinh xắn

Okunoshima (lại là Nhật Bản) là thiên đường thỏ ở Nhật với số lượng lên tới hàng trăm con. Sự đáng yêu của những con thỏ là điều hấp dẫn khách du lịch tới đảo.

Đảo Okunoshima (Nhật Bản) cách thành phố Hiroshima (Nhật Bản) khoảng 12 phút di chuyển bằng phà. Nơi đây là điểm du lịch nổi tiếng được mệnh danh là đảo thỏ bởi trên đảo có hàng trăm con thỏ sinh sống, nhiều hơn cả lượng dân cư tại đây. Ảnh: 69akina69.

Hòn đảo có diện tích nhỏ, du khách dành một ngày có thể khám phá hết các địa điểm nổi bật. Khách du lịch trước khi đến Okunoshima cần lưu ý không đưa thú cưng riêng tới đảo do luật địa phương này quy định. Ảnh: lia_zahvatova_pj.

Các hoạt động vui chơi chính tại đây chủ yếu là ngắm nhìn những con thỏ đáng yêu, chơi đùa và cho chúng ăn. Thỏ trên đảo rất hiền lành, chúng ngoan ngoãn để du khách vuốt ve và chụp hình. Địa điểm du lịch nổi tiếng Nhật Bản này rất thu hút các đối tượng du khách gia đình có trẻ nhỏ. Ảnh: wahncai, bluenitez.

Nhiều giả thuyết được đưa ra về sự tồn tại của thỏ trên đảo. Có người cho rằng, thỏ được đưa đến đảo Okunoshima từ Thế chiến thứ 2 làm vật thử nghiệm vũ khí hóa học của quân đội. Luồng ý kiến khác cho rằng, kể từ khi hòn đảo phát triển du lịch, người dân đã nuôi thỏ nhằm thu hút du khách và ngày nay chúng sinh sôi với số lượng lớn. Ảnh: visitjapan.lifestyle, a.nnatian, aile_ryo.

Ông Kodowaki Hirokazu (người địa phương) chia sẻ với kênh Great Big Story: "Nhiều người truyền miệng rằng thỏ lần đầu được đưa đến đảo vào năm 1971, vì một trường học ở Hiroshima không đủ khả năng nuôi chúng". Ảnh: jakejakema, zoe_110.

Hiện tại, những con thỏ như "cư dân" chính của đảo Okunoshima. Du khách đến đây có thể bắt gặp loài vật đáng yêu này ở bất cứ đâu. Từ bãi biển, đường phố, đến các khách sạn hay resort. Ảnh: bunnymoon.tokyo.

Không chỉ chơi đùa với thỏ, du khách ghé đảo Okunoshima còn được hòa mình với thiên đường biển yên bình, xanh mát. Hòn đảo sở hữu những bãi biển cát trắng trải dài và hàng dừa xanh rì, cao vút. Ảnh: yh0405.

Đảo của hàng triệu con cua đỏ

Nằm ở phía Tây nước Úc, cách bờ biển 2600km có một hòn đảo với tên gọi cực kỳ ấn tượng: đảo Christmas - hay còn gọi là đảo Giáng Sinh. Và trên hòn đảo này tồn tại loài cua đỏ - một loài cua đất cực kỳ nổi tiếng trên thế giới, khi tạo ra những cuộc di cư lên đến hàng triệu con.

Hàng năm khoảng tháng 11-12, hàng triệu chú cua đỏ trong mùa sinh sản ngập tràn nhiều con đường tạo thành cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú. Khi mùa mưa đến gần và thủy triều dâng cao, những con cua bắt đầu xê dịch, chui ra từ những hang sâu trong rừng mưa và bò nhịp nhàng ra biển. Các cửa hàng, sân chơi golf hay phương tiện xe cộ đều ngừng hoạt động để nhường đường cho cua đỏ.

Du khách đến đảo thời gian này sẽ có cơ hội được chứng kiến cuộc di cư của cua đỏ. Tuy nhiên, chính vì lo ngại du khách hay người dân, xe cộ qua lại trên đường sẽ giết chết không ít cua đỏ nên chính quyền nơi đây đã làm những con đường riêng cho chúng di chuyển. Nhiều nơi đã đặt biển cấm người và xe cộ qua lại. Người dân cũng dựng lên những rào chắn bằng bạt hai bên đường và những chiếc cầu giúp cua băng rừng, vượt… đường cao tốc an toàn.

Đảo "tàu đắm" của 400 ngựa hoang

Nằm cách thành phố Halifax 300km về phía Đông Nam, thuộc tỉnh Nova Scotia (Canada), đảo Sable được hình thành từ cát, do đó có tên gốc Pháp là "L'île de Sable" (Đảo Cát). Diện tích của đảo Sable chỉ khoảng 34km² vuông, kéo dài 35km, có hình như một chiếc lưỡi liềm.Đảo nằm trũng thấp giữa biển khơi bao la, điểm rộng nhất đo được trên đảo cũng chỉ vỏn vẹn 1,6km.

Tuy không phải là "đảo cát" lớn nhất trên thế giới, nhưng đây lại là một chiếc bẫy vô cùng nguy hiểm với các tàu thuyền qua lại trên Đại Tây Dương. Do được hình thành từ bãi cát ngầm giữa vùng nước nông của thềm lục địa và biển cả, Sable có vị trí khá biệt lập.

Thêm vào đó, dòng hải lưu lạnh Labrador khi chảy từ Bắc Băng Dương về đây sẽ kết hợp với dòng biển nóng tạo nên các khối sương mù dày đặc, thậm chí cả những cơn "cuồng phong" đáng sợ. Vì thế, tàu thuyền khi di chuyển qua vùng đảo này sẽ bị mất phương hướng, đâm vào các chướng ngại vật và chìm xuống đáy đại dương.

Vụ đắm tàu đầu tiên xảy ra tại đây vào năm 1583. Đây là một trong những chiếc tàu được sử dụng trong cuộc thám hiểm vùng đất Canada của chính trị gia Vương quốc Anh- Humphrey Gilbert. Delight cứ thế bị nhấn chìm xuống độ sâu 10 mét và kéo theo 85 sinh mạng trong đó xuống đáy biển.

15 năm sau đó, chiếc thuyền Marquis de La Roche trở thành nạn nhân tiếp theo của hòn đảo này. Chỉ có duy nhất có 12 thuyền viên sống sót và lưu lạc trên đảo, cho đến năm 1603 họ mới được giải cứu.

Theo ghi nhận lịch sử, vụ đắm tàu cuối cùng xảy ra vào năm 1947, khi Manhasset cùng phi hành đoàn của mình vận hành chiếc tàu hơi nước qua vùng biển Đại Tây Dương. May mắn thay, nhờ có nhân viên cứu hộ tại trạm khí tượng, toàn bộ phi hành đoàn đều được cứu sống và an toàn quay trở về.

Ngoài việc nổi tiếng với các vụ đắm tàu, đảo Sable còn là ngôi nhà của hơn 400 con ngựa hoang.

Chúng chính là hậu duệ của những con ngựa khi xưa bị tịch thu từ chuyến hàng ở Acadians, khi đi ngang qua hòn đảo mà buộc phải để lại một cách bất đắc dĩ.

May mắn là hòn đảo và những con ngựa được chính phủ Canada bảo vệ nghiêm ngặt như một công viên quốc gia. Tại thời điểm này, chỉ có một số lượng nhỏ các nhà khoa học sống trên đảo để nghiên cứu thêm về hệ thực vật và động vật.

NS (th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/diem-den/ghe-tham-nhung-hon-dao-ky-la-danh-cho-loai-vat-20221202134840197.htm