Gen Z xăm hình, tẩy tóc để mong hết stress

Thùy Linh đã chi hơn 20 triệu đồng xem tarot để 'mua' cảm giác được lắng nghe và lời khuyên vô thưởng vô phạt từ người trải bài. Còn Như Quỳnh đã thử ít nhất 6 màu tóc khác nhau.

Lần đầu xem tarot, Thùy Linh (24 tuổi) đã nghĩ đây là trò lừa bịp được xây dựng theo câu chuyện, cảm xúc của khách hàng. Tuy nhiên, sau một lần được reader (người đọc bài tarot) đưa ra vài lời khuyên, cô bắt đầu xem đây là liệu pháp xả stress hữu ích.

Chia sẻ với Zing, Thùy Linh cho biết tinh thần cô thường sa sút kéo dài do áp lực từ cả công việc lẫn đời sống cá nhân. Cô từng thử tiếp nhận điều trị từ bác sĩ nhưng không gian phòng bệnh khiến cô ám ảnh.

“Vì vậy, tôi gắn bó với việc xem tarot. Lần nào ra về, lòng tôi cũng trút được gánh nặng. Có thể, hiểu đơn giản hơn, tôi đã tìm được một người lắng nghe mình”, cô kể.

Đến nay, Thùy Linh đã chi hơn 20 triệu đồng cho các buổi trải bài, cả offline và online. Cô xem nhiều đến mức có thể tự hiểu được nội dung sơ bộ của 78 lá bài.

Tuy nhiên, Thùy Linh cũng sợ bị lệ thuộc. Cô thừa nhận khó giải tỏa áp lực nếu không được xem tarot đúng lúc cần thiết. Thậm chí, cô còn chấp nhận xem bài ở những chỗ kém uy tín chỉ để “mua” cảm giác được lắng nghe, dù nhận về lời khuyên vô giá trị.

Tương tự Thùy Linh, nhiều người trẻ đang mắc kẹt vòng lặp căng thẳng và lo âu. Họ thử mọi cách để cân bằng cảm xúc, tuy nhiên, vấn đề thường không được giải quyết triệt để, thậm chí kéo theo nhiều hệ quả ngoài ý muốn.

Đến nay, Như Quỳnh (21 tuổi, TP.HCM) đã thử ít nhất 6 màu tóc khác nhau. Cô xem nhuộm tóc là liệu pháp giải tỏa lo âu, nhất là khi sức khỏe tinh thần của cô thường xuyên gặp vấn đề. Mọi nỗi buồn dường như được tạm gác qua một bên khi cô nhìn thấy màu tóc mới trên đầu mình.

Trong những lần đó, Như Quỳnh yêu thích nhất là lần tẩy tóc đầu tiên. Cảm giác châm chích, ngứa rát dù đau đớn, bù lại là một màu tóc nổi bật và vẻ ngoài hoàn toàn khác.

 Như Quỳnh thay đổi màu tóc thường xuyên.

Như Quỳnh thay đổi màu tóc thường xuyên.

“Tôi xem tẩy, nhuộm tóc là cách đánh dấu các giai đoạn đau buồn. Ngoài ra, thể hiện bản thân qua những màu tóc khác nhau cũng là trải nghiệm khá thú vị. Nó giúp tôi thấy mình xinh đẹp, tự tin hơn”, cô nói.

Thế nhưng, thời gian gần đây, Như Quỳnh có thêm một nỗi căng thẳng khác từ chính sở thích này. Mái tóc trở nên hư tổn nghiêm trọng vì tiếp xúc hóa chất liên tục. Cô chi nhiều tiền cho các sản phẩm chăm sóc và phục hồi nhưng không có kết quả.

Bên cạnh đó, mái tóc thường mọc chân đen hoặc phai sang màu vàng chỉ sau 1-2 tháng nhuộm mới khiến Như Quỳnh không hài lòng. Do đó, cô tiếp tục “vòng lặp” tẩy chân tóc hoặc thay đổi màu nhuộm.

Thậm chí, ở trường hợp của Đàm Quang Minh (24 tuổi, TP.HCM), anh không may bị hói một mảng trên đỉnh đầu sau khi tự tẩy phần chân tóc đen. Trước đó, anh từng tẩy tóc 3 lần và nhuộm các màu nổi bật như hồng, tím, bạch kim…

Giống Như Quỳnh, anh cảm thấy khó có thể thoát khỏi vòng lặp hành hạ mái tóc của mình. Nỗi sợ nhàm chán và nhạt nhẽo khiến Quang Minh liên tục thay đổi màu sắc và kiểu dáng tóc sau mỗi 1-2 tháng.

Gần đây, dù mái tóc đang trong giai đoạn phục hồi và chờ mọc lại, anh vẫn tiếp tục nhuộm màu hồng đậm cho chuyến du lịch Phú Quốc.

“Dù đã nhận được ‘lời cảnh báo’ từ mảng hói trên đầu, tôi chưa có ý định dừng lại. Mỗi lần chân tóc mọc đen, trong đầu tôi chỉ nung nấu ý định nhuộm và tẩy một màu tóc nổi bật hơn nữa”, anh chia sẻ.

 Quang Minh mất một mảng tóc ở lần tẩy thứ 4.

Quang Minh mất một mảng tóc ở lần tẩy thứ 4.

Ngọc Linh (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) coi đi xăm là một nghi thức giải tỏa căng thẳng của mình kể từ hình xăm đầu tiên hồi năm 2020. Đến nay, cô có 4 hình dọc 2 cánh tay, mỗi hình xăm đánh dấu một sự kiện trong cuộc đời.

Chia sẻ với Zing, Ngọc Linh cho biết năm 2020 là quãng thời gian “kinh khủng và muốn quên đi”. Thời điểm đó, cô mới vào TP.HCM công tác không lâu thì làn sóng dịch bệnh Covid-19 ập đến.

“Đó là lần đầu tôi sống xa gia đình và bạn bè thân quen, phải một mình tự lo toan mọi thứ trong thời gian giãn cách nên nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Chưa kể đến việc tôi mắc Covid-19 ngay giai đoạn đầu dịch bệnh”, cô kể lại.

Dù đã tìm mọi cách giữ tâm trí bận rộn, Ngọc Linh vẫn cảm thấy lo âu, thậm chí nhiều lần khóc một mình mỗi khi đêm xuống.

 Hình xăm mới nhất của Ngọc Linh.

Hình xăm mới nhất của Ngọc Linh.

Không lâu sau khi thành phố mở cửa trở lại, cô quyết định kết thúc nỗi ám ảnh này bằng một hình xăm bông tulip ở bắp tay - điều cô luôn muốn làm trước đây nhưng chưa đủ can đảm.

“Tôi có cảm thấy đau, nhưng cơn đau phần nào khiến tôi sảng khoái như thể trút bỏ được gánh nặng tâm lý. Hình xăm cũng nhắc nhở rằng tôi đã kiên cường và mạnh mẽ vượt qua quãng thời gian khó khăn ở TP.HCM như thế nào”, cô chia sẻ.

Trao đổi với Zing, ThS Cao Thị Thùy Trang, giảng viên tâm lý học tại Đại học Quốc tế Sài Gòn, cho biết khi gặp phải áp lực, căng thẳng hoặc biến cố xảy ra trong cuộc sống, người trẻ thường mất phương hướng, không tìm thấy giá trị, tự chê trách và dằn vặt bản thân.

Để thoát khỏi cảm giác trên, họ tìm cách tự cứu lấy mình. Nhiều trong số đó tìm đến xăm mình hay nhuộm tóc như một cách đánh dấu bước tiến mới, coi đó là việc đã bỏ lại sai lầm và quá khứ sau lưng.

“Họ có thể không thay đổi được ai đó hoặc thế giới xung quanh, nhưng ít nhất họ có quyền với chính cơ thể của mình”, cô cho biết.

Đối với những người trẻ xem tarot khi gặp khó khăn, chuyên gia tâm lý cho rằng khi rơi vào hoang mang, họ cần sự gợi ý, đồng tình hoặc ủng hộ từ ai đó để vững tin.

“Có lẽ chẳng có ai sẵn sàng và mạnh dạn nêu ý kiến hay đưa lời khuyên nhiệt tình cho bạn như những người xem bói, bởi ai cũng sợ chịu một phần trách nhiệm nếu can thiệp. Bởi vậy, mối quan hệ giữa người trải bài, xem bói và khách hàng có thể hiểu đơn giản là người nói với người nghe. Một người cần được chia sẻ, với một bên sẵn sàng đưa lời khuyên”, cô đánh giá.

 Nhiều giải pháp chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, cụ thể là chuyển nỗi đau tinh thần sang thể xác như một dạng giảm đau không lâu dài. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhiều giải pháp chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, cụ thể là chuyển nỗi đau tinh thần sang thể xác như một dạng giảm đau không lâu dài. Ảnh: Phạm Thắng.

Tuy nhiên, ThS Thùy Trang nhấn mạnh rằng các giải pháp trên chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, cụ thể là chuyển nỗi đau tinh thần sang thể xác như một dạng giảm đau không lâu dài.

Khi nguồn gốc vấn đề không được giải quyết tận gốc, nguy cơ tái phát là rất cao. Bên cạnh đó, tiếp xúc hóa chất và lạm dụng nó thời gian dài sẽ gây nhiều nguy hiểm tiềm ẩn cho cơ thể.

Theo chuyên gia, người trẻ có thể học cách giải tỏa cảm xúc lành mạnh hơn. Đầu tiên là nhận diện, gọi đúng tên tổn thương, nhận diện mong muốn ẩn sâu bên dưới cảm xúc đó là gì. Khi làm được điều này, bạn sẽ làm chủ được một phần cảm xúc của mình.

Sau đó là chấp nhận những giai đoạn mệt mỏi, căng thẳng và không bắt ép bản thân luôn lạc quan, vui vẻ, đồng thời không khinh ghét bản thân, không trốn tránh cảm xúc, thừa nhận mình đang không ổn.

Tiếp theo, hãy nhìn sâu vấn đề, tập trung, quan sát chính mình. Cuối cùng, hãy tách biệt những suy nghĩ, tổn thương ấy, không để những cảm xúc ấy điều khiển bạn.

Để triệt để, hãy lên tiếng và tìm đến những người có khả năng, chuyên môn như các chuyên gia tâm lý để giúp đỡ.

“Thực tế, ai cũng có tổn thương tâm lý, dù nhẹ hay nặng. Những bất ổn tâm lý không thể giải quyết lâu dài được bằng tác động bên ngoài. Hãy gọi tên chính xác những tổn thương của mình. Nếu cần, hãy tìm tới các chuyên gia để được giúp đỡ dưới góc nhìn khoa học. Đôi khi, những vấn đề được 'chữa trị' quá nhanh chóng, không tận gốc rễ, khi quay trở lại, chúng còn nghiệm trọng và nặng nề hơn", ThS Thùy Trang nói.

Hồng Chang - Hồng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gen-z-xam-hinh-tay-toc-de-mong-het-stress-post1346496.html