Gaza chỉ còn là một thành phố đổ nát

Ẩn mình dọc theo bờ biển của Gaza, Rimal là một khu phố cao cấp, sôi động, xinh đẹp và thịnh vượng vào loại bậc nhất ở Thành phố Gaza, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Rimal nổi bật với các tiệm kem, quán cà phê và cửa hàng quần áo thời trang hấp dẫn.

Bây giờ, nó đã hoàn toàn bị hủy hoại - một dấu hiệu rõ ràng rằng không có khu vực nào ở Gaza, dù là khu dân cư hay nơi nào khác, được an toàn. Điều này cũng có nghĩa là hàng ngàn người Palestine không còn nơi nào để gọi là nhà.

Thành phố Gaza là một thành phố của người Palestine ở Dải Gaza, cũng là thành phố lớn nhất Palestine. Con người đã định cư ở khu vực này ít nhất từ thế kỷ 15 Trước Công nguyên. Rimal được xây dựng trên thành phố cảng cổ của Gaza có tên là Maioumas. Rimal có Dinh Tổng thống Palestine, Dinh Thống đốc, Trung tâm thương mại Gaza, Câu lạc bộ Roots, câu lạc bộ bãi biển của Liên hợp quốc, Trung tâm Nhân quyền Palestine, Bệnh viện chính al-Shifa, Hội đồng Lập pháp Palestine và một số văn phòng chính phủ nước ngoài, bốn khách sạn và tất cả các nhà hàng nổi tiếng của thành phố. Ở đây cũng có Midan Jundi (Quảng trường của người lính), dành riêng cho một người lính Ảrập bản địa đã hy sinh trong Chiến tranh Ảrập-Israel năm 1948. Cảng Gaza nằm ở quận Rimal và là nơi đóng quân của lực lượng Cảnh sát Hải quân Palestine. Rimal là quận ưu tú duy nhất của thành phố.

Một người đàn ông bế thi thể của một đứa trẻ Palestine đã chết ở thành phố Gaza vào ngày 24/11/2023

Kể từ khi Israel bắt đầu ném bom vùng đất ven biển có 2,3 triệu dân sau khi các chiến binh Hamas tiến hành cuộc tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10 thì khu phố Rimal là một trong bốn khu vực của Thành phố Gaza phải đối mặt với các cuộc không kích không ngừng của Israel.

Anh Mohammed al-Hajjar - một phóng viên và cũng là một người dân của Rimal kể rằng, vụ đánh bom đặc biệt tàn khốc ở nơi anh sống, khu vực mà Israel tuyên bố là trụ sở và trung tâm kiểm soát vụ tấn công ngày 7/10. Hajjar sống trong một khu chung cư trên phố al-Galaa. Tuần vừa rồi, anh quyết định mạo hiểm và đi dạo trong khu phố cũ của mình, mọi thứ không còn giống như xưa nữa. Mọi thứ đã biến mất - các tòa nhà, cửa hàng và sân chơi. Những nơi mà anh biết và yêu thích giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Các cửa hàng quần áo mà vợ chồng anh thường đến mua quần áo cho các con đã bị phá hủy hoàn toàn. Họ chỉ có thể nhìn thấy những mảnh quần áo dưới lớp bê tông đổ nát và những mảnh kim loại méo mó đủ hình dạng.

Người Palestine đi ngang một công viên bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza

Phố Omar al-Mukhtar là con phố chính của Thành phố Gaza, thuộc Nhà nước Palestine, chạy từ Quảng trường Palestine đến Cảng Gaza ở quận Rimal, ngăn cách các khu al-Daraj và Zaytoun của Thành phố Cổ. Dãy khách sạn của Gaza là một phần của phố Omar Mukhtar này và hầu hết các tòa nhà quan trọng nhất của Gaza đều nằm dọc theo con phố. Được xây dựng trong Thế chiến thứ nhất bởi Thống đốc Ottoman Jamal Pasha, con phố ban đầu được đặt theo tên ông. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Ottoman bị lật đổ khỏi Palestine vào năm 1917, hội đồng thành phố Gaza do Fahmi al-Husseini đứng đầu đã đặt tên đường phố theo tên Omar al-Mukhtar, một nhà lãnh đạo cách mạng Libya. Omar al-Mukhtar là một đại lộ náo nhiệt, nơi đặt trụ sở của các ngân hàng và sàn giao dịch tiền tệ, bây giờ, hoàn toàn không thể nhận ra nữa. Ban đầu, các ngân hàng và sàn giao dịch tiền tệ bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Israel, sau đó chúng bị cướp phá và cũng không được xác định rõ ràng các vụ cướp phá bởi ai.

Ngân hàng Hồi giáo Quốc gia, mà Israel tuyên bố đã được sử dụng để chuyển tiền cho các cuộc tấn công, cũng đã bị san phẳng. Anh Hajjar kể rằng, anh nhớ rất rõ các nhân viên và đám đông khách hàng tụ tập ở lối vào ngân hàng. Một số người đứng và hút thuốc trong khi những người khác xếp hàng để nhận được mức lương họ cần. Bây giờ ngân hàng này, giống như một số ngân hàng khác, đã hoàn toàn biến mất.

Trong tầm mắt Hajjar có thể nhìn thấy, không có gì ngoài đống đổ nát và những hố đất. Ngay cả việc tiếp cận các con đường cũng gặp khó khăn do bê tông vỡ rải khắp đường nhựa. Việc tạm dừng giao tranh đã mang lại chút thời gian nghỉ ngơi cho người Palestine, những người đã phải chịu đựng hơn 48 ngày bị Israel ném bom.

Một nhà thờ Hồi giáo bị hư hại ở thành phố Gaza do cuộc không kích của Israel

Israel đã buộc người Palestine phải quay trở lại miền bắc, nhưng hàng trăm người vẫn cố gắng quay trở lại để tìm kiếm những gì còn sót lại của cuộc sống trước đây của họ. Nhưng sau bảy tuần chiến tranh, mùi chết chóc vẫn còn vương vấn trong không khí. Nó tràn ngập đầy không gian và đôi khi mạnh đến nỗi khiến cơ thể người dân cảm giác nôn nao khó chịu.

Đối với những người sống sót, cuộc sống ở đây đã thay đổi mãi mãi. Có rất ít người Palestine đủ can đảm để đi bộ trên đường phố hoặc còn sống để làm điều đó. Nơi này thực sự là một thị trấn ma.

Không hài lòng với việc cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nước, điện và nhiên liệu cho Gaza, Israel còn cô lập người dân Palestine tại đây bằng cách cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài khi phá hủy các dịch vụ điện thoại và internet trên lãnh thổ.

Vào ngày đầu tiên của vụ đánh bom, Tháp Watan, đối diện với văn phòng công ty điện thoại di động gần khu phố al-Galaa, đã trở thành mục tiêu và phá hủy. Ở gần đó, người dân Palestine có một số nhà thờ Hồi giáo - chính xác là 14 nhà thờ. Nhưng cho đến hôm nay, đúng như dự đoán của người dân, chỉ có một nhà thờ vẫn đứng vững. Phần còn lại bị phá hủy bởi các cuộc không kích hoặc pháo kích.

Sự thay đổi khủng khiếp so với những ký ức đầu tiên của người dân về Thành phố Gaza, nơi họ từng cầu nguyện trong nhiều nhà thờ Hồi giáo của thành phố và lắng nghe nhiều bài kinh Qur'an khác nhau.

Trẻ em bị thương vẫn có thể được khám tại Bệnh viện al-Shifa kể từ ngày 24/11/2023

Giờ đây, nhà thờ Hồi giáo duy nhất còn hoạt động chỉ có thể chứa được một số ít tín đồ. Nếu cuộc chiến này kết thúc, và đó là một chữ “nếu” lớn, chúng ta có thể thấy người dân Palestine đang cầu nguyện trên đường phố.

Chiến tranh cũng ảnh hưởng đến các trung tâm mua sắm - những nơi từng là cuộc sống và linh hồn của thành phố bị bao vây và nghèo khó này. Capital Mall, có trụ sở trên phố al-Mukhtar, nằm trong số những mục tiêu. Mặc dù một phần của nó vẫn còn đứng vững nhưng các cửa hàng bên trong đã bị cướp phá. Một lần nữa, không rõ là ai cướp phá.

Các siêu thị và quầy bán báo cũng bị san bằng. Một trong những khu vực quan trọng nhất trong khu vực lân cận là siêu thị Atallah, thuộc sở hữu của gia đình Atallah. Nó đã bị đánh bom, cũng như khu dân cư liền kề, xóa sổ cơ sở kinh doanh Atallah và hầu hết các gia đình ở đó. Các cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 35 trẻ em và thành viên nhỏ tuổi của gia đình Atallah. Trong số đó có một chàng trai trẻ có khiếu hài hước, làm nhân viên thu ngân tại cửa hàng. “Anh ấy luôn pha trò và truyền niềm vui cho khách hàng”, anh Hajjar nhớ lại một cách sâu sắc.

Một trong những cảnh đau lòng nhất đối với anh Hajjar khi đi dạo quanh thành phố là cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua bánh mì. Là một biểu tượng phổ biến trong nền văn hóa của người dân dải Gaza, họ thường mua bánh mì, bánh ngọt, bánh nướng và bánh ngọt tự làm từ tiệm bánh al-Sharq.

Các tiệm bánh là trung tâm cuộc sống trên khắp thế giới Ả Rập, với bánh mì đồng nghĩa với thực phẩm và thậm chí cả cuộc sống. Như những cuộc xung đột gần đây đã cho chúng ta thấy - bánh mì cũng là một công cụ tuyệt vời để kiểm soát dân số đói khát và nghèo khó.

“Sharq Bakery đã là thương hiệu vượt lên trên cả những loại bánh ngọt mà nó sẽ bán. Đi ngang qua cửa hàng, những món ăn đầy sáng tạo và khác lạ sẽ cạnh tranh với những gì được trình chiếu trên các chương trình truyền hình như Great British Bake Off hay School of Chocolate của Amaury Guichon”, anh Hajjar hồi nhớ. Gần đó, trên phố al-Wahda, có những miệng hố lớn trên con đường dẫn đến Bệnh viện al-Shifa. Các cửa hàng quần áo, cửa hàng đồ cưới, cửa hàng đồ trang trí - tất cả đều bị phá hủy.

Con trai 7 tuổi Majd của anh Hajjar theo học tại Trường tiểu học dành cho nam sinh New Gaza. Nằm trên Phố al-Nasr, bây giờ, nó đã bị quân đội Israel chiếm đoạt, lực lượng này sử dụng nó để giam giữ những cư dân mà họ đã bắt giữ.

Khi đi loanh quanh, anh Hajjar nhớ lại những cảnh tượng ở al-Shifa, một trong những cảnh tượng đau đớn nhất mà anh từng chứng kiến. Có tới 7.000 người bị mắc kẹt bên trong bệnh viện mà không có thức ăn, nước uống và điện trong khi bị bao vây; bao gồm trẻ sinh non, bệnh nhân nguy kịch, những gia đình phải di dời và cả nhân viên y tế.

Mặc dù bị cô lập và nghẹt thở do bị bao vây kéo dài suốt 17 năm, người dân Palestine đã cố gắng đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua và cố gắng vượt qua hoàn cảnh khủng khiếp để tồn tại.

Nhưng giờ đây, thành phố Gaza yêu dấu của người dân Palestine là nơi của chết chóc, hủy diệt và đau khổ. Đây là khoảng thời gian đau khổ nhất đối với người Palestine và khi họ phải chờ đợi những điều chưa biết, tất cả những gì họ còn lại là ký ức của mình, vì mọi thứ khác đều nằm trong đống đổ nát.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/gaza-chi-con-la-mot-thanh-pho-do-nat--i717914/