Gặt hái 'quả đầu mùa' chuyển đổi số trong công tác xét xử

Xây dựng Tòa án điện tử - một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp. Đây là cơ hội để hệ thống tòa án nước ta tiếp tục nâng cao niềm tin vào công lý của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng tòa án hiện đại. Công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của chiến lược cải cách tư pháp. Nhân dịp Xuân mới, phóng viên (PV) chuyên trang Pháp luật và Xã hội có cuộc trò chuyện với Chánh án TAND huyện Thanh Oai Nguyễn Bá Thắng.

Chánh án TAND huyện Thanh Oai, Hà Nội:

Chánh án TAND huyện Thanh Oai trao đổi với phóng viên.

Chánh án TAND huyện Thanh Oai trao đổi với phóng viên.

- Đồng chí Chánh án có thể chia sẻ đôi nét về công tác xét xử năm qua của TAND huyện Thanh Oai?

- Năm 2023, TAND huyện Thanh Oai đã gặt hái được những thành tựu khá nổi bật, đặc biệt là về công tác xét xử. Cụ thể, công tác xét xử đều được chú trọng và ngày càng được nâng lên. Năm 2023, tổng số các loại vụ án thụ lý, giải quyết tăng so với năm 2022 trong khi lượng cán bộ tòa án mỏng. Tính đến hết năm công tác (từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023), TAND huyện Thanh Oai đã thụ lý 600 vụ, việc các loại, đã giải quyết được 560 vụ, đạt tỷ lệ 93,3%. Đây là một điểm đáng nổi bật thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí thẩm phán, cán bộ tòa án.

Về giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, TAND huyện Thanh Oai thực hiện tiến độ giải quyết và chất lượng xét xử các vụ án hình sự đạt 100%, giảm thiểu tối đa các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị, bị hủy, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Nhờ vậy, số vụ án hình sự bị kháng cáo, kháng nghị trong năm qua thấp hơn so với các năm trước, kết quả xét xử phúc thẩm không có bản án, quyết định bị hủy do nguyên nhân chủ quan của Hội đồng xét xử.

Về giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động về cơ bản đạt chỉ tiêu của ngành đề ra và cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là sau khi có sự can thiệp của công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đây là một quy định mới được triển khai trong vài năm gần đây, song đã thể hiện những hiệu quả bất ngờ. Trên tinh thần xác định công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một giải pháp hữu hiệu góp phần làm giảm bớt áp lực cho hệ thống tòa án trước tình hình các tranh chấp ngày càng không ngừng tăng cao theo quy mô của nền kinh tế và quy mô dân số.

TAND huyện Thanh Oai với đội ngũ hòa giải viên có kinh nghiệm pháp lý, chất lượng hòa giải, đối thoại tại Tòa án luôn đạt trên 60%, áp lực của hệ thống tòa án được giảm thiểu một cách đáng kể.

Ngoài ra, trong năm 2023, nhằm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử, từng bước hội nhập với thời kỳ chuyển đổi số trên thế giới, ngay từ đầu năm, TAND huyện Thanh Oai đã phổ biến, quán triệt và tổ chức công tác theo hướng vừa đảm bảo chất lượng xét xử, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp bằng cách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp và chuyển đổi số trong hệ thống tòa án.

Tiêu biểu có thể kể đến triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến, triển khai sử dụng phần mềm trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán trong đơn vị nhằm phục vụ công tác xét xử và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các thẩm phán và đẩy mạnh công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến, góp phần linh hoạt hơn trong hoạt động xét xử nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Công tác chuyển đổi số trong ngành Tòa án Hà Nội là điểm sáng trong năm qua, tại TAND huyện Thanh Oai, việc xây dựng Tòa án điện tử được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp của thế giới. Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của tòa án, trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số.

Việc chuyển đổi số trong ngành Tòa án nói chung và tại TAND cấp huyện nói riêng đã và đang được chú trọng và được xem xét đặt làm ưu tiên thực hiện cùng với việc đảm bảo chất lượng xét xử. Trong những năm vừa qua, việc chuyển đổi số tại TAND huyện Thanh Oai được thực hiện có hiệu quả, thể hiện rõ nét thông qua một số những thành tựu tiêu biểu. Đó là công tác xét xử trực tuyến, công tác hành chính tư pháp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân thông qua Cổng thông tin điện tử của tòa án, quản lý án bằng phần mềm quản lý của TAND TC,... Việc số hóa một số nhiệm vụ của ngành, ngoài phục vụ tốt người dân, DN, đơn vị cũng cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu biên chế, giảm bớt khối lượng công việc hành chính của ngành.

TAND huyện đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động xét xử. Việc số hóa bằng một mô hình chung, giúp cho TAND cấp huyện dễ dàng quản lý số đơn, số án của đơn vị, tránh được tình trạng đơn tồn, đơn được gửi đến Tòa án nhưng không được giải quyết vì bỏ sót đơn, án tồn nhiều năm. Thông qua việc này, các tòa án cấp trên cũng có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình của các TAND cấp huyện, kịp thời chỉ đạo, khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Hiệu quả của việc chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống Tòa án nói chung, TAND cấp huyện nói riêng là không thể phủ nhận. Song, đi đôi với nó là một số hạn chế, bất cập chưa thể khắc phục. Đánh giá về việc chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án, tuy nhiên, việc số hóa toàn bộ hoạt động của Tòa án có đảm bảo được tính bảo mật thông tin không lại là một vấn đề khá “đau đầu” khi mà các hành vi đánh cắp thông tin trên không gian mạng diễn ra ngày càng nhiều, với tính chất phức tạp và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Ngoài ra, việc chuyển đổi số tại TAND cấp huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với công tác thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa được triển khai có hiệu quả tại cấp huyện, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ Tòa án chưa được nâng cao, gây khó khăn trong quá trình số hóa. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể nhằm đồng bộ hóa, thể chế hóa việc chuyển đổi sống trong hệ thống Tòa án Việt Nam.

Một phiên tòa dân sự được xét xử trực tuyến tại TAND quận Đống Đa. Ảnh: Chu Hiệp

Một phiên tòa dân sự được xét xử trực tuyến tại TAND quận Đống Đa. Ảnh: Chu Hiệp

- Để khắc phục những khó khăn trong công tác chuyển đổi số trong công tác xét xử tại TAND huyện Thanh Oai, theo đồng chí cần những giải pháp nào?

- Bản chất của chuyển đổi số trong công tác xét xử của Tòa án là hình thành nên một phương thức mới trên nền tảng số. Muốn công tác chuyển đổi số thành công, chúng ta cần chú trọng các yếu tố sau:

Thứ nhất, về yếu tố cơ sở vật chất, cơ sở vật chất có đảm bảo thì việc ứng dụng công nghệ thông tin mới thành công. Thực tế, cơ sở vật chất hiện tại của TAND huyện Thanh Oai chỉ đáp ứng được yêu cầu trong công tác xét xử theo hình thức truyền thống, trực tiếp, các trang thiết bị không đảm bảo cho công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến theo yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra.

Do vậy, muốn thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong công tác xét xử, thì việc đầu tư tài chính, cơ sở vật chất để ngày càng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện điện tử phục vụ cho hoạt động xét xử, đặc biệt là yếu tố đường truyền, mạng Internet là một giải pháp hữu hiệu cần được ưu tiên thực hiện.

Thứ hai, một yếu tố rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả việc thay đổi mô hình truyền thống sang mô hình số hóa trong hoạt động xét xử đó là yếu tố nhân sự và trình độ chuyên môn của cán bộ tòa án. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong xét xử cho những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là các cán bộ Tòa án là điều quan trọng hơn cả.

Sự thành công của mô hình chuyển đổi số trong công tác xét xử phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân sự của Tòa án. Do vậy, cần có những giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ Tòa án về việc sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử thông qua những buổi tọa đàm, tập huấn, thực hành trực tiếp với tần suất thường xuyên; kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể đã có những thành tích, đóng góp tích cực trong việc chuyển đổi số này.

Thứ ba, việc chuyển đổi số trong hoạt động xét xử là một xu thế tất yếu, tuy nhiên, dù trên phương diện hay mô hình nào đi chăng nữa, nhiệm vụ của Tòa án là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý và duy trì pháp luật trong xã hội. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, người dân cũng cần hiểu biết về mô hình chuyển đổi số này. Để làm được điều đó, Tòa án cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phổ biến các quy định của tố tụng nói chung cũng như thủ tục, hình thức phiên tòa trực tuyến để người dân cũng như các đương sự biết và chủ động tham gia; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua những buổi tọa đàm, thực hành trực tiếp; hướng dẫn cách tra cứu bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án,...

- Cảm ơn đồng chí! Chúc đồng chí và gia đình đón xuân vui tươi. Chúc TAND huyện Thanh Oai bước vào một năm mới thành công hơn nữa!

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gat-hai-qua-dau-mua-chuyen-doi-so-trong-cong-tac-xet-xu-369238.html