Gấp rút đổi mới tư duy an ninh lương thực

Tư duy lạc hậu về an ninh lương thực trở thành một trong những vòng xoáy đi xuống, góp phần vào quá trình tụt hậu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Năng suât lúa đụng trần

Giá lúa tăng nhưng lợi nhuận của nông dân trồng lúa lại có xu hướng giảm là một kết luận quan trọng rút ra từ nghiên cứu Thực trạng sản xuất lúa gạo của ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2023(*) của nhóm tác giả Đặng Kiều Nhân, Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Hồng Tín thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ.

Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh minh họa: TTXVN

Trình bày tại Lễ công bố Báo cáo thường niên ĐBSCL do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright và VCCI Cần Thơ phối hợp thực hiện, TS. Đặng Kiều Nhân cho biết trong 10 năm qua, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong cơ cấu chi phí sản xuất lúa đã tăng từ 50% niên vụ 2011-2012 lên 62% niên vụ 2022-2023, tương ứng với số tuyệt đối từ 4.000 đồng đến 7.000 đồng/kg/năm trong khi giá lúa chỉ tăng 2.000 đồng/kg (khoảng 150 - 200 đồng/kg/năm). Tiết giảm chi phí hợp lý từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như lao động, cơ giới hóa, tưới tiêu, thu hoạch… cũng không bù đắp nổi gánh nặng chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận của những người trồng lúa bị bào mòn.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho thấy nếu làm một năm ba vụ lúa, năng suất vụ Đông Xuân giảm 5% - 10% so với sản xuất lúa một năm hai vụ. Càng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa càng có xu hướng giảm. “Thành ra nông dân phải sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp để duy trì năng suất lúa”, ông Nhân nói. Việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp vừa làm tăng chi phí, vừa làm giảm độ phì nhiêu của đất đai trong bối cảnh phù sa bồi đắp cho vùng châu thổ bị những đập thủy điện giữ lại trên thượng nguồn.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giữ 3,5 triệu ha đất lúa đến năm 2030, trong đó ĐBSCL chiếm khoảng 50% diện tích. Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam vẫn duy trì cách tiếp cận truyền thống về bảo đảm an ninh lương thực dựa trên số lượng và tập trung vào lúa, thay vì tư duy theo giá trị. “Tại sao cứ phải đặt chỉ tiêu xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo/năm mà không phải mục tiêu xuất khẩu gạo hằng năm 5-7 tỉ USD”, ông Cung nói với phóng viên Người Đô Thị.

Phải giảm diện tích đất lúa

“Tư duy an ninh lương thực mới chú trọng tới khả năng tiếp cận, chất lượng, sự an toàn, khả năng chống chịu và thích nghi trước các cú sốc về kinh tế và môi trường”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng chính sách an ninh lương thực là thách thức trọng yếu của ĐBSCL vì ba lý do. Một là lợi ích giữ diện tích đất lúa ngày càng giảm khi nhìn từ phía cung, Việt Nam lâu nay không thiếu lương thực thực phẩm trong khi dư địa tăng sản lượng lúa cũng không còn nữa.

Tái cơ cấu kinh tế cần tái cơ cấu sử dụng đất vì đất đai là đầu vào quan trọng của tất cả ngành kinh tế ở ĐBSCL"

TS. Vũ Thành Tự Anh

Hai là chi phí giữ diện tích đất lúa ngày càng tăng do suy thoái môi trường đất và nước. Giảm diện tích đất lúa, hiện phát thải gần phân nửa lượng khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, đồng thời đóng góp vào cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 phát thải ròng về 0 vào 2050. Ba là chi phí cơ hội từ việc không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang mục đích khác hiệu quả hơn làm lãng phí tài nguyên đất nước.

Kết quả Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2018 (VHLSS) cho biết thu nhập ròng bình quân của một nông hộ trên một ha trong mỗi chu kỳ trồng lúa nước ước đạt 8,763 triệu đồng (377 USD), so với trồng cây lâu năm là 11,688 triệu đồng (502 USD), chăn nuôi đạt 29,273 triệu đồng (1.259 USD), đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 20,860 triệu đồng (897 USD).

Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo sản lượng lớn nhất thế giới. Ở khía cạnh kinh tế, độ co giãn của cầu theo giá gạo thấp, có nghĩa rằng giá gạo tăng lên người ta cũng không tiêu thụ ít đi, mà giá gạo giảm người ta cũng không tiêu dùng nhiều hơn. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể kiềm chế sản lượng ở mức lành mạnh cho nền kinh tế bằng cách giảm 25% diện tích đất lúa từ mức hiện hành theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới mà vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực cũng như giá trị xuất khẩu.

“Đừng hiểu nhầm chúng tôi đề xuất hy sinh ngành lúa gạo”, ông Tự Anh nhấn mạnh. Giảm diện tích đất lúa tạo điều kiện tái cơ cấu. Những doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao tiếp tục mở rộng diện tích, và những thửa đất kém hiệu quả sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng, tạo ra tiềm năng phát triển lớn cho ĐBSCL.

Khuê Anh

_______________

(*) Nghiên cứu không xem xét vụ Thu Đông năm 2023.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/gap-rut-doi-moi-tu-duy-an-ninh-luong-thuc-42403.html