Gấp rút đào tạo lái tàu, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 6/2024

Đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội có thể vận hành vào giữa năm 2024, để kịp với tiến độ này thì công tác đào tạo đội ngũ lãi tàu đang được gấp rút hoàn thiện.

Video tàu trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội chạy vận hành thử nghiệm:

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) có thể vận hành vào tháng 6/2024.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2024. Cuối tháng 6/2024 hoàn thành công tác chứng nhận an toàn hệ thống, kiểm tra nghiệm thu bàn giao của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước để bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đưa vào vận hành thương mại.

Để chuẩn bị cho việc vận hành tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao từ Depot đến ga S8), MRB đang thực hiện chương trình đào tạo thực tế (RAMP-UP) cho 50 học viên lái tàu và đào tạo kỹ thuật viên.

Gấp rút đào tạo lái tàu tuyến đường sắt đô thị Nhồn – Ga Hà Nội để chuẩn bị bước vào vận hành.

Gấp rút đào tạo lái tàu tuyến đường sắt đô thị Nhồn – Ga Hà Nội để chuẩn bị bước vào vận hành.

RAMP-UP được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tập trung các nhân sự vận hành (nhân sự thuộc phòng điều khiển OCC và nhân sự thuộc tổ lái tàu) còn giai đoạn 2 hướng tới tất cả các nhân sự còn lại là các nhân sự phòng điều khiển OCC và đội lái tàu sẽ phối hợp với các nhân sự vận hành nhà ga và tổ bảo trì bảo dưỡng.

Khóa đào tạo thực tế RAMP-UP gồm: Đào tạo Nhà ga, đào tạo lái tàu và đào tạo phòng điều khiển - OCC. Trong đó, đào tạo nhà ga bao gồm các vị trí: Trưởng khu ga, Trưởng ca, Nhân viên quản lý tổng hợp, Nhân viên vé, Nhân viên phụ trách an toàn. Đào tạo lái tàu bao gồm các vị trí: Trực ban, lái tàu, quản lý kỹ thuật lái tàu. Đào tạo phòng điều khiển (OCC) bao gồm các vị trí: Trưởng OCC, nhân viên điều độ chạy tàu, nhân viên điều phối điện, nhân viên giám sát tín hiệu, nhân viên điều độ - kiểm soát môi trường...

Bên cạnh việc đào tạo vận hành tàu thì kiểm tra, đánh giá công tác chạy thử nghiệm cũng rất quan trọng.

Bên cạnh việc đào tạo vận hành tàu thì kiểm tra, đánh giá công tác chạy thử nghiệm cũng rất quan trọng.

Quá trình RAMP-UP sẽ được diễn ra dưới sự giám sát của chuyên gia nước ngoài. Để được cấp chứng chỉ lái tàu metro, các học viên cần hoàn thành 3.000 km lái thử và đánh giá chất lượng an toàn.

Một số dự án đường sắt đô thị khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm: Tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi); Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai); Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai); Tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) và tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi).

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, trong năm 2024, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành, phục vụ hành khách trên cung đường Nhổn - Cầu Giấy. Với những con số ấn tượng đường sắt đô thị đạt được trên tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, có thể chắc chắn, sản lượng khách của vận tải hành khách công cộng Hà Nội sẽ tăng nhanh hơn nữa. Từ đó, việc thúc đẩy người dân lựa chọn tàu điện, xe buýt làm phương tiện di chuyển chính sẽ hiệu quả hơn nữa.

Dự báo thời tiết 25/2: Miền Bắc rét nhất trong đợt không khí lạnh này.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gap-rut-dao-tao-lai-tau-van-hanh-tuyen-duong-sat-nhon-ga-ha-noi-vao-thang-6-2024-169240224181308571.htm