Gặp nhà thơ Nông Quốc Chấn ở Gia Lai

Còn nhớ lần tôi được ông Trịnh Kim Sung (Trịnh Kim Sanh), khi đó là Trưởng ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum mời dự cuộc gặp mặt thân mật với nhà thơ Nông Quốc Chấn-Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin đến thăm và làm việc với tỉnh nhà.

Đối với tôi hồi ấy là một việc vô cùng quan trọng, rất vinh dự vì tôi còn khá trẻ, là một tay lính trông coi thư viện và đội trưởng đội chiếu bóng của Tỉnh đội, mới tập tành viết văn.

Khi tôi đến, nhà thơ Nông Quốc Chấn tay bắt mặt mừng, cầm tay rất lâu và nhắc đến “Những khấc coong chung”-truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ.

Ông bảo: Mình đọc được truyện này nhờ anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Chí Trung tặng tạp chí và giới thiệu. Hai anh nhắc mình trước khi vào Gia Lai-Kon Tum rằng, các anh biết ở trong đó có cậu và Nay Nô viết rất được. Các anh ấy bảo, rất nên gặp cậu và nếu có thể, giúp cậu gia nhập vào nhóm anh chị em viết người dân tộc thiểu số cả 3 miền. Tôi nói với ông, em là người Kinh quê mãi Hải Phòng, ai cho vào.

Ông cười và chỉ vào Trưởng ty Trịnh Kim Sung rồi nói với tôi rằng: Anh Trịnh Kim Sung đây này, cậu nên nhớ anh ấy là người Kinh Bình Định mà sống và làm việc ở Gia Lai-Kon Tum lâu năm quá, nay thành người Bahnar và Jrai rồi.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh tư liệu

Về đơn vị, tôi cứ ấn tượng mãi với sự gần gũi, thân mật và sâu sắc lạ lùng của ông Nông Quốc Chấn. Hôm ấy, tôi và ông Trịnh Kim Sung, nhạc sĩ Văn Chừng-Trưởng phòng Văn nghệ thay mặt anh em giới văn hóa-văn nghệ tỉnh đón tiếp Thứ trưởng với một cung cách rất thân thiện, rất “người nhà”.

Chúng tôi dẫn nhà thơ Nông Quốc Chấn đến phòng làm việc của họa sĩ Xu Man thăm chơi. Một cuộc gặp gỡ thứ 2 khiến tôi tiếp tục lạ lùng khi 2 “ông anh” đều là người dân tộc thiểu số, nhà thơ người Tày phía Bắc ôm chầm lấy họa sĩ người Bahnar, vừa ôm vừa quay vừa lắc, đấm lưng nhau thùm thụp. Hóa ra 2 ông quen biết nhau từ hồi họa sĩ Xu Man ra Hà Nội học.

Họ hỉ hả ngồi xuống đất ngay tại chỗ và cùng anh chị em cán bộ Ty Văn hóa-Thông tin quây quanh ghè rượu. Sau đó thì vừa xem tranh, vừa uống rượu cần, vừa hát hò.

Một cuộc thưởng tranh kỳ lạ, một cuộc tụ họp ngẫu nhiên mà sâu nặng nghĩa tình. Ca sĩ H’Blơng, các anh Yzơn, Nay Quách, Rơ Mah Tenl-người trong nhà của Ty Văn hóa-Thông tin đến góp vui.

Thứ trưởng Nông Quốc Chấn và Trưởng ty Trịnh Kim Sung vít cần rượu cho lần lượt từng cặp đôi, đến lượt tôi và H’Blơng thì nhà thơ Nông Quốc Chấn ra điều kiện, 2 anh em chúng tôi phải uống hết 2 cang liền và theo yêu cầu chung của mọi người, chúng tôi phải song ca 1 bài. Tất nhiên là chúng tôi hát rất vui vẻ.

Thời gian trôi mau, tôi được thuyên chuyển về Trại viết Quân khu 5 đóng tại Đà Nẵng. Sau đó, tôi được ra Hà Nội học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du. Gặp lại nhà thơ Nông Quốc Chấn, nghe ông nhắc lại việc xin nhập vào Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi mừng rỡ làm đơn ngay, đưa ông ký giới thiệu. Đây cũng là một sự ưu ái, đặc biệt một thời của ông đối với tôi.

Bây giờ đọc lại thơ ông, tôi thấy mục tiêu chủ đạo cho sáng tác và cho công việc, đúng hơn là công tác cách mạng của cả đời ông, chính là sự chân thành trong trẻo trong mọi thứ. Sống và viết, đi đâu và đến đâu, dù ở trong tỉnh hay ngoài tỉnh, dù ở trong nước hay đi công tác nước ngoài, thì ở ông cũng toát lên tố chất của người cán bộ cách mạng mẫn cán, trung thành, chân chất hiền lành thật thà dễ thuyết phục, dễ thương mang theo dáng vẻ mộng mơ của một thi sĩ nhưng lại rất quyết đoán khi vào việc.

Ông cùng với đức tính cao đẹp, lối ứng xử hiền hòa đã luôn luôn là một biểu tượng mẫu mực đầy thuyết phục đối với lớp sau như chúng tôi.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gap-nha-tho-nong-quoc-chan-o-gia-lai-post264068.html