Gặp người đội trưởng biệt động thời khói lửa

Thời kỳ chống Mỹ - ngụy, trên chiến trường Quảng Trị, có một đội biệt động từng khiến quân địch phải rợn tóc gáy mỗi khi nhắc đến. Người đứng đầu đội biệt động nổi tiếng 'xuất quỷ, nhập thần' ấy là ông Lê Văn Đẳng, bí danh Xuân Thương (sinh năm 1947), hiện trú tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng.

Ngôi nhà nhỏ của ông Đẳng là điểm đến quen thuộc của các bạn trẻ khi muốn tìm hiểu về những sự kiện lịch sử của quê hương, đất nước - Ảnh: QH

Tình nguyện nhận “giấy báo tử sớm”

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ký ức một thời hoa lửa lại ùa về trong tâm trí ông Lê Văn Đẳng. Từng trải qua khói lửa chiến tranh, ông Đẳng hiểu sâu sắc và trân quý giá trị của hòa bình. Để có hôm nay, ông cùng nhiều người khác đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu. “Đội biệt động thị xã Quảng Trị thường gọi với mật danh H145. Chúng tôi gồm hơn 40 người. Sau chiến tranh, 24 thành viên trong đội đã vĩnh viễn nằm xuống”, ông Đẳng thổn thức nói.

Chuyện trò trong ngôi nhà thơm hương lúa đồng, ông Đẳng cho biết, đội H145 thành lập năm 1967, trực thuộc Thị đội Quảng Trị. Thời bấy giờ, quyết định tham gia đội H145 gần như đồng nghĩa với việc nhận “giấy báo tử sớm”. Bởi, nhiệm vụ mà thành viên trong đội đảm trách vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng, ông Đẳng không ngần ngại. Đối với ông, việc đứng chân vào đội H145 là niềm vinh dự, tự hào. Trước mỗi lần nhận nhiệm vụ, ông Đẳng đều gửi gắm đồng đội tâm thư cho người thân, phòng khi không thể trở về.

Tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của ông Đẳng được hun đúc từ truyền thống quê hương và gia đình. Là những người nông dân bình dị, ba mẹ ông Đẳng sớm giác ngộ, bí mật trở thành cơ sở nuôi giấu cách mạng. Chị gái đầu của ông là bà Lê Thị Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng là một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước. Từ nhỏ, ông Đẳng đã mong muốn khoác chiếc áo quân giải phóng.

Năm 17 tuổi, ông trở thành cơ sở cách mạng, ngược xuôi nắm tình hình, thông tin cho bộ đội ta. Từng 2 lần bị địch bắt đi quân dịch nhưng ông trốn về, rồi lên đường theo tiếng gọi của non sông. Niềm vui lớn nhất của ông là được chọn cử đi học lớp trinh sát biệt động.

Cuối năm 1966, tình hình chiến trường Quảng Trị nóng như chảo lửa. Địch ráo riết tuần tra, càn quét, truy lùng, khiến phong trào cách mạng của ta gặp muôn vàn khó khăn. Dưới ách kìm kẹp của giặc, nước mắt nhiều người dân gần như vơi cạn. Ngọn lửa hung ác của quân thù thiêu rụi nhiều làng mạc, ngôi nhà. Trở thành một phần của đội H145 đúng vào thời điểm này, ông Đẳng vẫn không hề nao núng, thậm chí càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình. “Đời người chỉ một lần chết. Nếu được chết vì sự nghiệp cách mạng thì tôi không tiếc”, ông khẳng định.

Người khiến quân giặc khiếp sợ

Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với ông Đẳng sôi nổi hơn khi nhắc đến những chiến công của đội H145. Nhìn gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền, ít ai nghĩ, ông Đẳng từng là chỉ huy đội H145 khiến quân thù khiếp sợ. Dù cố sức điều tra, lùng sục nhưng chúng vẫn không thể biết ông là ai. Những thông tin mà quân địch thu nhặt được chỉ là sự gan dạ, mưu trí của người đội trưởng và những chiến công “xuất quỷ, nhập thần” mà đội H145 lập nên.

Ông Lê Văn Đẳng bên những tấm ảnh tư liệu quý giá mà bản thân vẫn còn lưu giữ. (Ảnh trên: Ông Đẳng tham gia bảo vệ lãnh tụ Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ảnh dưới: Ông Đẳng cùng đồng đội tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972) - Ảnh: Q.H

Tiếp nối dòng hồi ức, ông Đẳng kể, sau gần một năm trở về quê hương nhận nhiệm vụ, ông được cấp trên phân công làm đội trưởng đội H145. Nhận nhiệm vụ giữa hằng hà khó khăn, ông xác định việc quan trọng là phải bám trụ địa bàn, xây dựng cơ sở, bí mật hoạt động trong lòng địch.

Trong thời gian ấy, không ít lần, ông Đẳng phải nuốt nước mắt chứng kiến những mất mát, đau thương. Có đợt, quân giặc đánh phá, càn quét, bắt bớ hơn 80 người, chủ yếu là cơ sở chí cốt của cách mạng. Lúc đó, hai chị em ông Đẳng cũng bị bắt, còn ba và mẹ bị ép đi giữ cầu cống, trụ sở, sống cảnh “màn trời, chiếu đất”...

Sau chuỗi ngày chờ đợi, cuối cùng, ông Đẳng và đồng đội nhận thấy thời cơ đã chín muồi. Không thể để lỡ, các thành viên đội H145 bắt đầu triển khai kế hoạch cải trang, đột nhập, tập kích vào sào huyệt địch để tiêu diệt những tên ác ôn, nợ máu.

Một ngày cuối tháng 12/1967, ông Đẳng cùng 3 đồng đội cải trang thành biệt động quân vượt qua bao đồn bốt của giặc vào thị xã Quảng Trị, đột nhập nhà, đến tận phòng ngủ tiêu diệt một tên ác ôn khét tiếng. Sau vụ việc này, bọn ngụy quyền hoang mang, nao núng tột độ. Trái ngược, phong trào cách mạng của ta lại lên rất cao.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh của quân địch chỉ mới là sự khởi đầu. Tiếp nối chiến công ấy, ông Đẳng và đồng đội còn có nhiều lần đột kích khác. Có lần, ông cùng đồng đội tập kích ở Cầu Vôi thuộc địa phận thôn Tích Tường, xã Hải Lệ, tiêu diệt một lần 3 tên bán nước cầu vinh. Lần khác, đội H145 phối hợp với xã đội Triệu Thượng khiến 3 tên ác ôn phải trả giá cho những tội lỗi của mình.

Sau xã đội Triệu Thượng, đội tiếp tục phối hợp với du kích xã Hải Lệ dùng mìn khiến một tên chiêu hồi và một xã trưởng chết tại chỗ. Vụ việc khiến quân thù bất an nhất là ông Đẳng và đồng đội bí mật đưa 10 kg bộc phá vào chôn trong phòng làm việc, rồi kích nổ làm tên T., đại diện xã Hải Lệ tử vong. Có trận, dù bị chống trả quyết liệt, ông vẫn trực tiếp chỉ huy đơn vị tiêu diệt hơn 20 tên lính địa phương quân.

Ít ai biết, để chiến công nối tiếp chiến công, đội H145 phải đánh đổi bằng những mất mát, hy sinh. Kẻ thù với lực lượng đông, vũ khí trang bị đến tận chân răng không phải lúc nào cũng dễ đối phó. Có trận, ông Đẳng bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Sau 5 tháng điều trị, ông trở lại trong sự vui mừng khôn xiết của đồng đội. Từ đó cho đến ngày đất nước hòa bình, ông cùng đồng đội tiếp tục góp lửa cho nhiều trận đánh lớn nhỏ làm quân địch “thất điên, bát đảo”.

Pho sử sống” giữa thời bình

Nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Đẳng trở thành điểm đến quen thuộc của những người mong muốn tìm hiểu trang sử vàng của quê hương, đất nước. Đặc biệt, các em nhỏ đến đây rất đông để nghe ông Đẳng kể chuyện về lính biệt động, những người thường chỉ được nghe danh qua màn ảnh nhỏ. Mỗi lần có khách đến nhà, ông Đẳng đều đón tiếp thiện tình dù đó là lúc ông mới đặt lưng xuống nghỉ ngơi, đang dùng dở bữa cơm hay người không được khỏe. “Ở tuổi này, tôi không thể cống hiến gì nhiều. Bản thân chỉ mong những câu chuyện kháng chiến mình kể sẽ đắp bồi thêm tình yêu quê hương, đất nước trong lòng thế hệ trẻ”, ông Đẳng trải lòng.

Ông Đẳng chia sẻ với người thân những câu chuyện về đội H145 - Ảnh: Q.H

Theo lời kể của ông Đẳng, sau năm 1975, đội H145 hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Sau giải thể, cái tên của đội chỉ còn trong sách sử và trí nhớ một số người. Cũng như nhiều đồng đội, ông Đẳng và các thành viên đội H145 trở về với cuộc sống bình dị. Chiến tranh không chỉ để lại những vết thương trên thân thể mà còn gieo mầm bi kịch trong người vợ chồng ông.

Chất độc da cam khiến một người con của ông bà mất từ khi lọt lòng. Một người con khác của họ tuy đã lớn tuổi nhưng suy nghĩ, hành động vẫn mãi như một đứa trẻ. Đối diện với cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”, có thời điểm, ông bà và các con phải vào Nam để kiếm kế sinh nhai.

Sống xa quê hương, trái tim của người đội trưởng đội biệt động năm xưa vẫn đau đáu hướng về nơi chôn nhau, cắt rốn, chiến trường xưa và đồng đội. Trong giấc ngủ, ông thường thấy đồng đội đã khuất. Họ nhờ ông sống thay phần mình và giúp thế hệ sau không quên những chiến công của đội H145.

Đó là động lực thôi thúc ông Đẳng hồi hương và trở thành một “pho sử sống” giữa thời bình. “Tôi không thể nhớ hết số đoàn, số người mình đã từng tiếp và chia sẻ những câu chuyện về một thời máu lửa. Với ai, tôi cũng nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ như đang làm thay phần đồng đội mình”, ông Đẳng bộc bạch.

Theo thời gian, sức khỏe ông Đẳng ngày càng tỉ lệ nghịch với tuổi tác. Dẫu vậy, những nỗi lo thường nhật của cuộc sống vẫn chưa cho phép ông ngơi nghỉ. Thế mà, khi nói về nguyện vọng của mình, ông Đẳng không dành bất cứ từ ngữ nào cho cá nhân. Người lính già này chỉ mong sao quê hương, đất nước luôn hòa bình, phát triển. Về phần đội H145, ông Đẳng mong những đồng đội của mình năm xưa sẽ được ghi công một cách xứng đáng. Ông vẫn như vậy, là một đội trưởng đội biệt động luôn trăn trở nghĩ suy, sẵn sàng hy sinh cho tất cả, chỉ quên mình.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gap-nguoi-doi-truong-biet-dong-thoi-khoi-lua-185184.htm