Gặp lại cựu chính trị viên 'đội quân tóc dài' huyền thoại

Chiến tranh đã qua đi, nhưng ký ức về những năm tháng sát cánh cùng Trung đội nữ du kích Củ Chi vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của cựu chính trị viên Lê Thị Sương

Những ngày tháng hào hùng

Những ngày tháng tư, theo trục đường chính dẫn chúng tôi đến địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) - nơi được mệnh danh "Đất thép thành đồng" giàu truyền thống cách mạng, gắn liền bao chiến công lịch sử vẻ vang. Nơi đây còn nổi tiếng với Trung đội nữ du kích từng xông pha chiến trận, vì nước, vì dân, quên cả tuổi thanh xuân.

Đón tiếp chúng tôi trong căn "Nhà tình nghĩa" được xây từ nhiều năm, do cán bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh trao tặng, cô Năm Sương (tên thường gọi của cô Lê Thị Sương) - một trong những người chiến sĩ đầu tiên của Trung đội nữ du kích Củ Chi - bồi hồi nhớ lại thời khắc chiến tranh ác liệt năm xưa. Cô Năm Sương kể lại: Đội nữ du kích Củ Chi được thành lập ngày 10/11/1965, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân tham chiến trên toàn chiến trường miền Nam, đưa những sư đoàn quân tinh nhuệ nhất xuống mảnh đất Củ Chi, lập phòng tuyến thứ hai để bảo vệ Sài Gòn và làm bàn đạp tấn công "tìm và diệt" Việt cộng trên các chiến khu biên giới. Ban đầu, đội nữ du kích chỉ có 3 người gồm: Đội trưởng Bảy Nê (Nguyễn Thị Nê, xã đội phó xã Phú Hòa Đông), chị Út Nhỡ (Trần Thị Nhỡ, xã đội phó xã Nhuận Đức) và tôi - đội viên đội du kích xã Trung Lập Thượng. Dần dần, đội nhanh chóng kết nạp thành một trung đội với gần 60 chị em, được huyện đội đưa đi huấn luyện quân sự rồi chia thành từng tổ, nhập vào các đơn vị chiến đấu ở vành đai vòng ngoài, trực tiếp đối mặt với địch ở căn cứ Đồng Dù.

Trung đội nữ du kích Củ Chi

Đầu năm 1966, trong trận đánh đầu tiên chống càn Mỹ - Ngụy vào hướng Phú Hòa Đông, đội du kích nữ kết hợp với bộ đội chủ lực chia thành 3 mũi ém quân, chặn địch tại Cây Trắc (ấp Phú Mỹ). Lúc này, Ban chỉ huy dự kiến đội nữ ở giữa là mũi thứ yếu, hai mũi do nam giới đảm nhiệm sẽ đối đầu với địch. Nhưng bất ngờ, địch lại tiến thẳng vào mũi thứ yếu. "Không chần chừ, chúng tôi đã nổ súng, hai mũi còn lại tạo thành thế gọng kìm tấn công, khiến địch rối loạn hàng ngũ. Kết quả, trận đó đã tiêu diệt được 30 tên địch, riêng đội nữ du kích diệt được 3 lính ngụy, thu 3 lựu đạn, 3 khẩu súng cùng nhiều đạn dược, quân dụng khác" - cô Năm Sương nhớ lại.

Tháng 5/1967, tinh thần chiến đấu càng dâng cao, đội nữ du kích liên tiếp chiến thắng tại nhiều trận đánh khác ở ngã ba Nhuận Đức, căn cứ Đồng Dù (Tây Ninh ngày nay), tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ, phá hủy nhiều xe tăng, đạn pháo… Nhiều lần chống càn, đánh giáp mặt kẻ thù, hóa trang trinh sát, mật báo, xây dựng cơ sở trong lòng địch… nhưng có lẽ, điều khiến cô Năm Sương nhớ nhất là trận đánh năm Mậu Thân 1968, địch dùng hàng trăm xe tăng, pháo binh các loại, rải chất độc da cam nhằm phá địa đạo bằng chiến dịch "3 sạch" (giết sạch - đốt sạch - phá sạch). Nhưng về phía ta, ngay lập tức thực hiện đáp trả "3 không" (đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng) trong những lần phục kích. "Lúc này, đội nữ du kích được lệnh nằm mai phục dưới địa đạo đến 2 tuần để chờ thời cơ đánh. Mọi sinh hoạt đều khó khăn, thiếu thốn, ngột ngạt, nhiều khi không có nước mà uống, phải ăn cơm vắt, uống nước ve để chịu đựng. Không chỉ vậy, chị em tôi nhiều lần phải úp mặt vào nước tiểu để khử chất độc hóa học trong không khí" - cô Năm Sương tự hào.

Trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội

Sau mùa Xuân 1975, hòa với niềm vui chiến thắng của đất nước, có cả niềm tự hào dành cho 24 nữ du kích Củ Chi đã anh dũng hy sinh, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quyết tử cho sự nghiệp cách mạng. Trong đó, có đội trưởng Bảy Nê (hy sinh năm 1969, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 1995), cô Tô Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Xiết, cô Cán, Yếp, cô Dung và nhiều đồng đội ngã xuống khi tuổi đời chưa tròn đôi mươi.

Bà Lê Thị Sương hiện đang sống cùng gia đình tại Củ Chi

Năm 2013, nhà nước đã có Quyết định thành lập Ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, quy tụ những cựu nữ du kích còn thất lạc, chọn Đền Bến Dược làm nơi tổ chức, lấy ngày 10/11 (ngày thành lập đội nữ du kích) hàng năm làm ngày giỗ chung. Năm 2018, Trung đội nữ du kích Củ Chi vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời gian trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng lời hứa với đồng đội năm xưa vẫn canh cánh trong lòng, cô Năm Sương tâm sự: Ngày đầu tiên gặp nhau, 3 chị em tôi có lời hứa, sau này người còn sống sẽ lo cho người đã mất. Lời hứa đó như lời thề để minh chứng cho tình đồng đội của chúng tôi. Sau giải phóng 30/4/1975, là những người may mắn được trở về cuộc sống đời thường, để tưởng nhớ những đồng đội đã khuất, tôi và chị Út Nhỡ lấy ngày giỗ của chị Bảy Nê (10/10 âm lịch) làm ngày giỗ chung cho 24 nữ du kích đã hy sinh... "Nhớ lần giỗ chung thứ 34 tổ chức tại nhà, tôi được cố Thủ tướng Phan Văn Khải gửi đến vòng hoa chia sẻ với đội du kích nữ đã anh dũng hy sinh, đó là niềm khích lệ cho tình đồng đội của chị em tôi" - cô Năm Sương vui mừng nói.

Cũng từ đây, cô Năm Sương cùng Ban liên lạc tập trung huy động các nguồn lực, vận động nhiều mạnh thường quân chung tay góp sức, giúp đỡ chị em đồng đội khác vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương. Việc làm ý nghĩa này đã xây được 6 nhà tình nghĩa, 10 nhà tình thương cho đồng đội tại địa phương, trong đó có gia đình cựu nữ du kích Nguyễn Thị Nỉ (xã Thái Mỹ) rất khó khăn, neo đơn, bị di chứng của chiến tranh để lại… Cô Năm Sương không giấu được nguyện vọng giữ canh cánh bên lòng, mong được Nhà nước dựng bia tưởng niệm 24 đồng đội, ghi danh các nữ du kích đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh, góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc, để lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu tự hào về tinh thần yêu nước của "đội quân tóc dài" từng lưu danh lịch sử.

Mai Ca - Nguyễn Kiên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gap-lai-cuu-chinh-tri-vien-doi-quan-toc-dai-huyen-thoai-252230.html