Gặp lại cậu học trò vượt nghịch cảnh vào đội tuyển Toán quốc gia

Thức dậy từ khi trời còn chưa sáng để giúp mẹ làm việc nhà, hướng dẫn em gái học bài nhưng cậu học trò lớp 12 trường THPT Chuyên Hưng Yên vẫn dành ra cho mình từ 8 - 12 tiếng để học bài.

Câu chuyện của Phạm Văn Thông từng khiến nhiều độc giả VietNamNet xúc động

Có tên trong đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán năm học 2020 - 2021 của tỉnh Hưng Yên khi mới học lớp 11, Phạm Văn Thông được nhiều thầy cô và bạn bè quan tâm không chỉ bởi hoàn cảnh đặc biệt mà còn bởi sự nỗ lực không ngừng của em.

Bố mẹ Thông - chị Hoàng Thị Quy và anh Phạm Văn Hinh (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) đến với nhau vốn là một cuộc hôn nhân được sắp đặt. Khi ấy, chị Quy đã 29 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Do mặc cảm vì mắc chứng động kinh từ nhỏ, chị cũng không chủ động đi tìm nửa kia. Khi gặp anh Hinh, dù biết anh mắc bệnh tâm thần, chị Quy vẫn quyết định gật đầu.

Không ai ngờ được, kết quả của cuộc hôn nhân không tình yêu giữa một người mẹ có tiền sử bệnh động kinh và một người cha chậm chạp về trí tuệ lại là hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.

Không bao giờ ngủ đủ 8 tiếng

Mẹ có tiền sử bệnh động kinh, cha thì có phần chậm chạp về trí tuệ, bởi vậy Thông luôn tự nhủ phải phấn đấu không ngừng để có thể đỡ đần cha mẹ. Và minh chứng là em lại tiếp tục ghi tên trong danh sách 8 học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán vào tháng Ba năm nay.

Hiện Thông đang học lớp 12 – thời điểm quan trọng nhất trong đời học sinh. Em chia sẻ: “Chương trình lớp 12 khá dài và nặng, vừa ôn thi đội tuyển, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, lại phải học online do dịch COVID-19 nên em cảm thấy có một chút bất tiện trong việc chia sẻ bài với bạn và thầy cô”.

Nhưng với Thông, đó không phải là điều gì quá khó khăn.

“Do năm học trước (2020-2021) em đã bắt đầu ôn thi cùng các anh chị khối 12 nên về môn Toán nói riêng và các môn Tự nhiên nói chung thì không quá vất vả”, Thông nói.

Mặc dù vậy, Thông đặt nguyện vọng cao nhất là ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội nên em vẫn cảm thấy có chút áp lực vì có quá nhiều “đối thủ” mạnh.

“Mỗi ngày, em dành ra 7-8 tiếng để học theo lịch trên trường. Sau đó, tối về em sẽ tự học. Tùy vào số lượng kiến thức và bài tập mà học nhiều hay ít”.

Chị Quy, mẹ của Thông cho biết: “Gia đình chưa bao giờ phải giục em học bài. Tất cả đều là em tự chủ động làm việc nhà và sắp xếp thời gian để học”.

Dù việc học đã chiếm đến hơn 50% thời gian của một ngày nhưng Thông luôn sắp xếp thời gian hợp lý để giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Mỗi ngày, em thức giấc từ khi trời còn chưa sáng để giúp mẹ cắt rau, làm rau mang đi bán, nấu ăn sáng, ăn trưa… cho cả nhà.

Thông thường đi ngủ sau 10 giờ tối, có hôm là sau 12 giờ và dậy muộn nhất là 6 giờ - 6 rưỡi sáng. Nhờ biết phân bổ thời gian hợp lý, em vừa có thể làm được việc nhà, vừa kiêm luôn vị trí gia sư cho em gái, lại vừa có thể hoàn thành việc học với kết quả tốt.

Căn nhà ấm áp hơn nhờ các mạnh thường quân

Bố mẹ Thông - chị Hoàng Thị Quy và anh Phạm Văn Hinh (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên).

Thu nhập của cả gia đình chỉ phụ thuộc vào 7 sào ruộng, làm mành và trồng rau. Trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá hơn ngoài chiếc tivi đã cũ và chiếc điện thoại thông minh để hai anh em Thông học online. Thậm chí, đến cửa nhà cũng chỉ được che đậy sơ sài bằng tấm mành tre và vài thanh gỗ gắn lại.

Ngôi nhà cũ của gia đình Phạm Văn Thông

Hồi tháng 4/2011, bài viết trên VietNamNet về cậu học trò ở vùng quê Tiên Lữ vượt nghịch cảnh để đạt được những thành tích đáng tự hào đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều độc giả hảo tâm đã quyên góp, hỗ trợ và gửi đến gia đình em những phần quà giá trị.

Thông cho biết thêm, cũng nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc VietNamNet và nhiều người hảo tâm, ngôi nhà của gia đình em đã được sửa sang được một chút.

“Sau khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, gia đình em có thể mua sắm thêm một số đồ trong nhà. Cùng với đó, cuộc sống sinh hoạt cũng được cải thiện hơn phần nào. Em rất biết ơn tấm lòng của mọi người”.

Suốt 12 năm đi học, Thông chưa từng vì hoàn cảnh khó khăn mà để bản thân được phép “đi lùi”.

“Sinh ra trong gia đình khó khăn, đôi khi em nghĩ việc mình đi học sẽ trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng rồi điều đó lại trở thành nguồn động lực để em cố gắng hơn nữa trong học tập và tiến gần hơn đến ước mơ của mình”, Thông nói.

Phương Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gap-lai-cau-hoc-tro-vuot-nghich-canh-vao-doi-tuyen-toan-quoc-gia-813509.html